Banner trang chủ

Cần thành lập một khu bảo tồn để bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh ở Kon Plông, tỉnh Kom Tum

06/08/2020

     Kon Plông là một huyện miền núi ở Đông Bắc tỉnh Kon Tum, có hệ sinh thái rừng phong phú và giàu đa dạng sinh học. Các khảo sát về đa dạng sinh học (ĐDSH) mới đây của Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) đã tiết lộ một kho báu về động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm và quan trọng tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Với tính ĐDSH cao và là nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật đang bị đe dọa, rừng Kon Plông xứng đáng được xem là một trong những khu rừng có giá trị bảo tồn lớn nhất của Việt Nam.

Phát hiện “kho báu” về ĐDSH ở Kon Plông

   Huyện Kon Plông có địa hình khá đa dạng, bao gồm cao nguyên, đồi núi và thung lũng. Tổng diện tích rừng hiện nay ở huyện Kon Plông khoảng hơn 84.000 héc ta, chiếm khoảng 80% diện tích đất trong huyện. Hệ sinh thái rừng ở Kon Plông khá phong phú, bao gồm rừng thường xanh lá rộng, rừng bán thường xanh và rừng lá rộng hỗn hợp. Khảo sát thực địa cho thấy, rừng Kon Plông là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật bao gồm 38 loài động vật có vú, 124 loài chim và 25 loài thực vật quý hiếm. Trong đó, có ít nhất 9 loài động vật có vú, 5 loài chim, 1 loài bò sát và 2 loài thực vật nằm trong Phụ lục IB của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ở mức bảo vệ cao nhất cho các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam. Danh sách các loài quan trọng cho bảo tồn và xếp hạng của chúng trong Danh lục đỏ IUCN 2020 bao gồm: Chà vá chân xám (cực kỳ nguy cấp), vượn má vàng Trung Bộ (nguy cấp), gấu ngựa (sắp nguy cấp), cầy vằn (nguy cấp), cu li  nhỏ (nguy cấp), rái cá vuốt bé (sắp nguy cấp), trĩ sao (sắp nguy cấp), khướu Ngọc Linh (nguy cấp) và hồng hoàng (sắp nguy cấp).

    Loài chà vá chân xám lần đầu tiên được mô tả vào năm 1997, là loài đặc hữu của Việt Nam. Đây là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất của thế giới (theo IUCN). Ngoài ra, chà vá chân xám cũng được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp trong Danh lục đỏ IUCN và trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Loài này được ưu tiên bảo tồn theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 (sau các cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện trong năm 2013), FFI đã tiến hành khảo sát loài chà vá chân xám. Các chuyến khảo sát đã cho thấy, Kon Plông là nơi sinh sống của một quần thể chà vá chân xám rất lớn và quan trọng của toàn cầu, với khoảng 500 cá thể. Đây có lẽ là quần thể lớn nhất của loài này trong phạm vi phân bố được biết tới. Trong các đợt khảo sát này, có tổng cộng 31-35 đàn với khoảng 381- 434 cá thể chà vá chân xám được phát hiện trên năm khu vực rừng được khảo sát. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện tại Kon Plông có khoảng 500 cá thể, vì trên thực tế, chưa thể khảo sát hết toàn bộ diện tích rừng của huyện. Đơn cử, khu vực rừng nguyên sinh lớn nhất trong năm khu được khảo sát ước tính có khoảng hơn 300 cá thể, mặc dù hiện mới ghi nhận 15 đàn với khoảng 221 cá thể tại đây. Ngoài chà vá chân xám, FFI cũng phát hiện quần thể của một loài linh trưởng nguy cấp khác là vượn đen má vàng Trung Bộ. Loài này lần đầu tiên được mô tả vào năm 2010. Các khảo sát có hệ thống hiện sắp hoàn thành, đến thời điểm hiện tại, có 61 - 67 đàn với hơn 125 - 143 cá thể đã được ghi nhận.

    Ngoài các khảo sát về chà vá và vượn, FFI đã cùng với đối tác là Trung tâm GreenViet và Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã và Vườn thú Leibniz (IZW) đã hoàn thành chương trình khảo sát bằng bẫy ảnh đầu tiên trên toàn bộ rừng Kon Plông trong năm 2019. Bằng việc sử dụng 130 bẫy ảnh đặt ở 120 điểm, nhóm khảo sát đã phát hiện hơn 121 loài động vật có vú và chim, bao gồm cả một số loài đặc hữu và cực kỳ nguy cấp. Trong đó, một điều đáng ngạc nhiên là quần thể cầy vằn đã được tìm thấy phân bố khá nhiều ở Kon Plông. Loài động vật ăn thịt này hiện được xếp hạng Nguy cấp theo Danh lục đỏ IUCN và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn trên thế giới. Ở rất nhiều nơi, trong đó có cả các khu bảo tồn và vườn quốc gia, loài này bị đánh bẫy khá nhiều và gần như không còn ngoài tự nhiên. Ngoài ra, bẫy ảnh cũng đã phát hiện một số loài chim quý hiếm như khướu Kon Ka Kinh và khướu Ngọc Linh, trong đó khướu Ngọc Linh là loài đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam.

    Hiện nay, rừng ở Kon Plông đang được Công ty Lâm nghiệp Kon Plông và Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham quản lý, được xem là khu vực ưu tiên cao nhất để cân nhắc cho việc thành lập khu bảo tồn. Ngoài ra, Kon Plông còn là nơi có vị trí chiến lược giúp hình thành hành lang sinh cảnh duy nhất kết nối giữa rừng ở trung tâm dãy Trường Sơn (về phía Bắc) và Đông Nam dãy Trường Sơn (về phía Nam). Rừng Kon Plông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho sự thống nhất sinh cảnh về lâu dài. Những phát hiện dựa trên các khảo sát mới và việc ghi nhận sự đa dạng sinh học cao của vùng này cho thấy sự cần thiết phải có một dự án bảo tồn khẩn cấp nhằm sớm thiết lập khu bảo tồn tại huyện Kon Plông.

 

Loài trĩ sao được chụp thông qua bẫy ảnh

 

Các mối đe dọa tới rừng Kon Plông

    Dù có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm nhưng Kon Plông vẫn đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa trực tiếp và đáng lo ngại như: nạn săn bắt, phá rừng, sinh cảnh bị phân mảnh do mở rộng canh tác nông nghiệp, xây dựng các công trình hạ tầng như đường, thủy điện và điện gió... Mặc dù các đối tác địa phương đang nỗ lực bảo vệ rừng và hỗ trợ tích cực cho hoạt động bảo tồn nhưng rừng nơi đây vẫn đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có nhiều mối đe dọa nằm ngoài phạm vi nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm và các đơn vị quản lý rừng. Động vật hoang dã vẫn bị săn bắt và buôn bán để phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế. Nhiều loài động vật như tê tê, gấu, linh trưởng và chim trở thành mục tiêu cho các đối tượng săn trộm. Động vật hoang dã ở Kon Plông thường được bán đi các tỉnh thành khác, gây nên áp lực hơn bao giờ hết cho khu rừng.

    Hiện tại, Ban quản lý Rừng phòng hộ đang có những nỗ lực rất hiệu quả trong việc duy trì độ che phủ rừng, nhưng chưa được hỗ trợ đầy đủ để xử lý nạn sử dụng bẫy động vật tràn lan trên các cánh rừng. Việc bẫy bắt này ảnh hưởng đến nhiều loài động vật từ linh trưởng, thú ăn thịt, đến các loài chim và thú nhỏ. Có rất nhiều loài động vật được tìm thấy trong tình trạng bị thối rữa ở trong rừng. Thợ săn đặt bẫy trong rừng khá nhiều, có thời điểm, có thể bắt gặp hàng trăm chiếc bẫy được đặt dọc theo hơn 2 km đường rừng. Động vật bị bẫy, đặc biệt là những loài có giá trị cao, sẽ được bán cho những người thu mua để làm thức ăn, làm thuốc hoặc vận chuyển đến các tỉnh và thành phố khác để tiêu thụ. Qua một số vụ việc được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông gần đây, có thể thấy Kon Tum hiện đang được xem là nguồn cung cấp các loài động vật quý hiếm và nguy cấp đến các vùng khác của Việt Nam.

Các nỗ lực bảo tồn

    Từ cuối năm 2018 đến nay, FFI đã phối hợp với Trung tâm GreenViet và các đối tác địa phương để thực hiện các hoạt động bảo tồn ở một số thôn, xã trọng điểm quanh vùng lõi của rừng Kon Plông. Ngoài các khảo sát về ĐDSH, nhóm dự án còn phối hợp chặt chẽ với địa phương nhằm thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng Kon Plông. FFI cũng đã thành lập mạng lưới tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã, giúp giám sát việc buôn bán các loài động vật hoang dã và hỗ trợ các hoạt động nâng cao nhận thức. Dự án đang tiến hành nhiều hoạt động để tìm hiểu và cải thiện việc sử dụng đất, tài nguyên và nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Kết quả từ các cuộc tham vấn và thu thập số liệu này đang được phân tích, sử dụng để phát triển thành chương trình cải thiện và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương (những cộng đồng này hiện thuộc vào nhóm nghèo nhất của Việt Nam).

    Hiện tại, FFI và GreenViet đang phối hợp với các cơ quan chính quyền và cộng đồng địa phương để nỗ lực thành lập một khu bảo tồn nhằm quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt và hiệu quả. Có thể nói, rừng Kon Plông là một “kho báu quốc gia” với quần thể động thực vật cần được bảo vệ và phục hồi. Các khu rừng còn đóng vai trò quan trọng đối với đời sống con người thông qua việc cung cấp thức ăn, thuốc, thụ phấn, nước sinh hoạt và tưới tiêu, phòng hộ đầu nguồn, giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu (hấp thụ khí các bon) và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Do đó, ưu tiên hàng đầu và vô cùng cấp bách hiện nay là thành lập một khu bảo tồn để bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh còn lại này của Việt Nam một cách hợp pháp và hiệu quả.

Nam Việt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

Ý kiến của bạn