Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn

02/03/2015

     Công viên Địa chất (CVĐC) Cao nguyên đá Đồng Văn được UBND tỉnh Hà Giang quyết định thành lập ngày 9/9/2009. Vào ngày 3/10/2010, Công viên được công nhận là thành viên của Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO với tên gọi chính thức là CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, với diện tích 2326 km2, bao gồm toàn bộ 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đây là CVĐC toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, rất phong phú về di sản tự nhiên, bao gồm đa dạng sinh học (ĐDSH) và các kiểu di sản địa chất (DSĐC) như cổ sinh, địa tầng, kiến tạo, địa mạo, đá... và là kho tàng di sản văn hóa của 17 dân tộc định cư vùng Đông Bắc. Tháng 9/2014, trong Hội nghị CVĐC Quốc tế lần thứ 6 ở Canađa, UNESCO đã tái công nhận tư cách thành viên GGN cho CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Sự kiện cho thấy, Việt Nam đã bắt nhịp được xu thế phát triển chung của thế giới trong việc bảo tồn các giá trị DSĐC, tự nhiên và văn hóa, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

 

Hẻm vực Tu Sản ở đèo Mã Pì Lèng là di sản kiến tạo địa mạo nổi bật của CVĐC

toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

 

     Khái niệm và ý nghĩa của công tác bảo tồn DSĐC

     Việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn, trong đó điểm nổi bật là khái niệm về tài nguyên địa chất cũng như phương thức khai thác đã được mở rộng. Nếu trước đây, tài nguyên địa chất chỉ gói gọn trong các loại khoáng sản kim loại, không kim loại và dầu khí, thì giờ đây, tài nguyên địa chất còn bao gồm các DSĐC. Đây là những phần tài nguyên địa chất đặc biệt, có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế. DSĐC bao gồm các cảnh quan địa mạo, các di chỉ cổ sinh, hóa thạch, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên hay nhân tạo của đá và quặng... là những dấu ấn phản ánh một cách trực quan và sinh động nhất lịch sử tiến hóa hơn 4,6 tỷ năm của Trái đất. DSĐC không chỉ là tài sản của một khu vực, một quốc gia mà là của chung toàn nhân loại và là dạng tài nguyên không tái tạo cần được xác lập, bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững. Bên cạnh tài nguyên sinh vật, là một bộ phận quan trọng của di sản thiên nhiên, CVĐC là một khu vực tự nhiên độc đáo có ranh giới rõ ràng, trong đó chứa đựng một tập hợp các DSĐC có giá trị khoa học, phân bố trong một phạm vi nhất định, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về ĐDSH, khảo cổ, lịch sử và văn hóa xã hội đáp ứng sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương thông qua phát triển du lịch địa chất và các dịch vụ phụ trợ khác. Nói cách khác, CVĐC toàn cầu thực chất là một mô hình bảo tồn tổng thể các giá trị di sản kết hợp với phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở những khu vực mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho con người. Như vậy, việc phát huy những giá trị bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thông qua quá trình xây dựng và phát triển kết hợp với phát triển du lịch địa chất là cần thiết.

     Thực hiện tổng thể các nhiệm vụ bảo tồn

     Để đạt được mục tiêu bảo tồn tổng thể các giá trị di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Ban quản lý CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ:

     Phát triển cơ sở hạ tầng

     Đầu tư nâng cấp và cải tạo những cơ sở hạ tầng có sẵn, khuyến khích người dân xây dựng mô hình nhà lưu trú mang bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc như nhà trình tường, lợp ngói máng phục vụ hình thức du lịch homestay (kinh doanh dịch vụ lưu trú), tuy nhiên cần đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng như các dịch vụ tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng phục vụ của các nhà hàng khách sạn cũng như các cơ sở lưu trú, dịch vụ tiện ích khác.

     Không đầu tư các công trình dân sinh và du lịch quá lớn làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường như việc xây dựng chuỗi các nhà hàng, khách sạn, sân vận động, trung tâm vui chơi giải trí lớn và các cơ sở hạ tầng liên hoàn, khổng lồ... Điều này sẽ phá vỡ cảnh quan, làm vượt ngưỡng chịu tải dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính bền vững của di sản.

     CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có địa hình hiểm trở nên cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn cho du khách. Trước mắt, cần đầu tư cải tạo nâng cấp mặt đường cũng như các hệ thống biển báo giao thông, hộ lan… cho quốc lộ 4C, cải tạo nâng cấp các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, liên thôn; Mở các tuyến đường mới cần có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia về di sản để tránh gây ra những tác động xấu hoặc phá hủy di sản.

     Tuyên truyền bảo tồn các điểm di sản tiêu biểu đã được xác lập

     Hiện nay, Ban quản lý CVĐC đã lắp đặt hệ thống biển thuyết minh và pano để giới thiệu quảng bá các điểm di sản. Hệ thống cơ sở hạ tầng này bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc giới thiệu cho khách du lịch và cộng đồng địa phương các giá trị của di sản. Tuy nhiên, cần cải tiến và nâng cấp hệ thống biển bảng này, trong đó cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền bằng cách phổ thông hóa, hấp dẫn hóa nội dung và hình thức các pano, biển bảng cũng như đảm bảo tính bền vững của chúng theo thời gian dưới tác động của điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 

Ngày 12/11/2014, bà Sun Lei - đại diện cho Ủy ban UNESCO tại Hà Nội đã trao Bằng tái công nhận tư cách
thành viên GGN cho UBND tỉnh Hà Giang

 

     Ưu tiên sử dụng người địa phương với các lứa tuổi đa dạng làm hướng dẫn viên du lịch địa chất, đồng thời tiếp tục đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Sử dụng các quỹ hỗ trợ để đào tạo xây dựng năng lực và trao quyền cho người dân địa phương để họ đủ khả năng tham gia vào bảo tồn và khai thác di sản phục vụ du lịch. Cần nhận thức rằng, CVĐC chỉ có thể phát triển bền vững khi người dân thực sự được trao quyền và tạo cơ chế để tham gia quản lý, bảo tồn và khai thác di sản để phục vụ đời sống của chính họ.

     Xây dựng thêm trung tâm thông tin tổng hợp và bảo tàng CVĐC tại Hà Giang để giới thiệu, cung cấp thông tin hướng dẫn du lịch và các dịch vụ tổng hợp phục vụ du khách tham quan CVĐC.

     Triển khai xây dựng các tuyến đường mòn du lịch địa chất (Geo-trail) ở những tuyến có các điểm di sản có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng phong phú hấp dẫn nhờ tích hợp được tổng thể các giá trị DSĐC, văn hóa và ĐDSH. Một trong những tuyến tiêu biểu có thể xây dựng Geo-trail là tuyến phố cổ Đồng Văn - Ma U - Lùng Lú. Ngoài ra, còn có rất nhiều các tuyến khác đã được các nhà khoa học đề xuất trong phạm vi CVĐC có thể triển khai xây dựng Geo-trail. Đây là khuyến nghị bắt buộc của GGN đối với tất cả các thành viên của GGN và được coi là một công cụ/biện pháp hữu hiệu để khai thác kết hợp với bảo tồn các giá trị di sản.

      Đề xuất mức thu phí tham quan thích hợp để hỗ trợ Ban quản lý trong việc tự chủ tài chính và tái đầu tư cho công tác bảo tồn di sản. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý không để việc thu phí tham quan làm giảm sức cuốn hút và tác động xấu đến hình ảnh của CVĐC cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

     Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

     Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của CVĐC vừa thể hiện nét văn hóa độc đáo của 17 dân tộc cư trú ở đây, đồng thời là tấm gương phản ánh những đặc điểm môi trường tự nhiên độc đáo của khu vực nên được các nhà khoa học đặt tên là “di sản địa văn hóa”. Để tìm hiểu giá trị của di sản địa văn hóa này, cần xây dựng một bảo tàng dân tộc học để giới thiệu đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán, nhà ở, trang phục văn hóa lễ hội… của các dân tộc, thể hiện tính độc đáo của CVĐC và làm tăng tính hấp dẫn đối với du khách.

     Đồng thời, cần xây dựng các clip về các dân tộc với những thông tin cần thiết về trang phục, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, công cụ lao động, lễ hội, văn hóa dân gian đặt tại Bảo tàng Dân tộc học; Hỗ trợ già làng, trưởng bản là những người nắm giữ và lưu truyền các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc bằng các hình thức phù hợp; Cần xác lập và khoanh định các khu/điểm di sản, tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức về BVMT tại CVĐC.

 

     Ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, đồng thời phê duyệt Dự án “Bảo tồn DSĐC, phát triển và quản lý mạng lưới CVĐC ở Việt Nam”. Mục tiêu của Dự án đến năm 2030, công nhận khoảng 25 - 30 CVĐC quốc gia hoặc toàn cầu. Đây chính là những cơ sở pháp lý và thực tiễn để bảo tồn tổng thể các giá trị di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội thông qua việc xây dựng và phát triển CVĐC ở những khu vực giàu tiềm năng DSĐC được phân bố trên mọi miền đất nước.
 
 

Lương Thị Tuất

Tổng Hội Địa chất Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

Ý kiến của bạn