Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học0020Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

02/09/2013

VQG Mũi Cà Mau được thành lập theo Quyết định số 142/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha trong đó diện tích đất liền: 15.262 ha, diện tích phần ven biển: 26.600 ha.

Với mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đất Mũi đa dạng trong quá trình diễn thế tự nhiên. Đồng thời, VQG Mũi Cà Mau còn phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn (RNM), phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước. Bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) của hệ sinh thái RNM, nơi cư trú cho các loài sinh vật ở vùng ven biển, cung cấp dinh dưỡng cho các loài thủy sản, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất ở vùng ven biển...

Các giá trị đặc trưng

Hệ động, thực vật rừng VQG Mũi Cà Mau tuy không đa dạng về loài nhưng do vị trí địa lý và đặc điểm riêng biệt về rừng đã tạo cho nơi đây một giá trị khoa học và sinh thái tiêu biểu.

CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC 1.tif

Về hệ thực vật, có 27/32 loài cây ngập mặn đã được phát hiện ở Việt Nam và 28 loài cây khác, trong đó chiếm ưu thế là loài đước, mắm trắng, mắm, mắm ổi, trang với quần thể thực vật gồm: rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, vẹt và rừng mắm. Trong đó, 2 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam là đước đôi và quao nước. Ngoài ra, có một số loài đã từng tồn tại nhưng nay chưa phát hiện được như: Cóc đỏ, côi, mắm quăn.

Hệ động vật, tiêu biểu là lớp chim: phát hiện 93 loài, thuộc 33 họ và 9 bộ, ghi nhận được 11 loài chim quý hiếm, với 7 loài đang bị đe dọa cấp quốc gia, 7 loài đang bị đe dọa cấp toàn cầu và 1 loài được nêu trong Nghị định 32/2006/NĐ - CP của Chính phủ. Đây là nguồn gen quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn.

Khu hệ thú, với 26 loài thuộc 11 họ và 8 bộ được  ghi nhận thì có 11 loài (42.3%) thuộc diện quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn, trong đó có 6 loài (23.1%) đang bị đe dọa cấp toàn cầu, 6 loài (23.1%) đang bị đe dọa cấp quốc gia và 10 loài (38.46%) trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Trong đó, hai loài thú có trong sách đỏ IUCN là 2 loài linh trưởng (khỉ đuôi dài và cà khu). Riêng cà khu, hiện nay hầu như không thấy xuất hiện ở khu vực Đất Mũi.

Lưỡng cư và bò sát, phát hiện 43 loài bò sát thuộc 12 họ, 2 bộ, có 16 loài (37.2%) đang bị đe dọa, trong đó có 13 loài bi đe dọa cấp quốc gia và 6 loài bị đe dọa cấp toàn cầu, 9 loài bò sát có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP và 9 loài lưỡng cư thuộc 5 họ và 2 bộ, có 1 loài lưỡng cư cũng bị đe dọa diệt vong cấp quốc gia.

Về thủy sản, đã xác định được 139 loài cá, thuộc 21 bộ, 55 họ, 89 giống với nhiều loài quý hiếm và có giá trị kinh tế. Hiện đã xác định được 53 loài giáp xác thuộc 30 giống, 18 họ và 4 bộ; 63 loài thân mềm thuộc 9 bộ, 28 họ, 8 giống.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (2010), các loài cá ngựa đen; Cá cháo lớn thuộc họ cá cháo lớn, bộ cá cháo biển là loài sống chủ yếu ở ven bờ và vùng cửa sông, số lượng ít, những năm gần đây rất hiếm gặp, có nguy cơ tuyệt chủng (Danh lục sách đỏ Việt Nam, 2007); Cá mòi không răng và sam ba gai đuôi được xếp vào các sinh vật quý hiếm cần được bảo tồn ở vùng biển ven bờ Cà Mau; Cá ngựa đen thuộc họ cá chìa vôi, bộ cá chìa vôi (đây là loài cá có giá trị dược liệu cao đang bị khai thác triệt để, số lượng giảm ước tính 20%/năm, có nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi trong tương lai không xa (Danh lục sách đỏ Việt Nam, 2007). Cho đến nay, chưa có nghiên cứu chuyên sâu về các đối tượng này tại Cà Mau nhằm đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp.

Công tác bảo tồn ĐDSH

VQG Mũi Cà Mau luôn xác định công tác tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động tổ chức cũng như phối hợp với chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành có liên quan và dự án của các tổ chức trong và ngoài nước đã thực hiện được nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống trong và ven địa bàn quản lý VQG về các văn bản pháp quy của nhà nước, phổ biến pháp luật và thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, biển; Đặc biệt đối với đối tượng là học sinh, đơn vị tập trung tuyên truyền về bảo tồn ĐDSH, về tầm quan trọng của bảo tồn đất ngập nước...

CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC 2.tif

Cho đến nay, VQG Mũi Cà Mau đã xây dựng được 12 trạm bảo vệ và tổ cơ động thường xuyên tham gia công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng và biển; phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ và kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn.

Qua công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH VQG Mũi Cà Mau đã rút ra được những nguyên nhân, tồn tại như sau:

            Áp lực của dân số cao, sự đói nghèo, lạc hậu nên chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn tài nguyên mà tất cả chúng ta cần phải bảo vệ; Tình trạng xâm nhập trái phép, kể cả vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt để khai thác tài nguyên động, thực vật làm ảnh hưởng đến sự ĐDSH và môi trường thiên nhiên; Tình trạng buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã trong khu vực chưa được kiểm soát chặt chẽ; Sự phối hợp của VQG với cơ quan địa phương trong công tác quản lý bảo vệ chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực quản lý đất ngập nước.

Định hướng bảo vệ và phát triển VQG Mũi Cà Mau

            Để hoạt động có hiệu quả, VQG Mũi Cà Mau đã đề ra một số giải pháp như sau:

Trước hết, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các văn bản pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp đến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương: Tổ chức các lớp tập huấn hay truyền thông, quảng bá nhằm giới thiệu cho cộng đồng, người dân địa phương hiểu được giá trị của ĐDSH và cảnh báo những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, từ đó giúp cho cộng đồng, người dân địa phương có những ứng xử thân thiện hơn với môi trường.

Xây dựng “cơ chế đồng quản lý” hoặc “quản lý dựa vào cộng đồng” trên cơ sở thực tiễn của địa phương, đồng thời phát huy quyền tham gia của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quyết định về quản lý bảo tồn.

Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, lợi ích luôn gắn liền với kinh tế, do đó, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên thì người dân mới quan tâm đến công tác bảo tồn.

Đẩy mạnh sự phối hợp với chính quyền và người dân địa phương tham gia vào công tác bảo tồn cũng như sử dụng hợp lý, khôn khéo một số tài nguyên đất ngập nước và tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái của VQG.

Tiến hành công tác nghiên cứu tài nguyên động, thực vật rừng; Xây dựng kế hoạch kiểm kê, giám sát ĐDSH, giám sát sinh thái đất ngập nước và xuất bản Sách hướng dẫn thực địa nhận dạng thú, chim, bò sát, ếch nhái và cá; Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên nhiên nhiên VQG Mũi Cà Mau; Xây dựng Đề án Quy hoạch cho VQG Mũi Cà Mau giai đoạn 2012 - 2016 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

Trần Quốc Tuấn

Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

Ý kiến của bạn