Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Cây trồng biến đổi gen và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp

21/08/2015

      Phát triển cây trồng biến đổi gen (BĐG) có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

     Ngày 13/8/2015, tại “Toạ đàm giống cây trồng BĐG tại Việt Nam” do Quỹ Hoà bình và phát triển TP. HCM tổ chức, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, theo dự báo, đến năm 2035, toàn cầu cần phải có thêm 115 triệu tấn thóc (so với năm 2010), đây là một thách thức hàng đầu của nhân loại.

     Trong khi đó, việc phát triển cây trồng BĐG giúp làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian lưu trữ, chống khí hậu nóng-lạnh… đặc biệt, loại cây này làm tăng năng suất lên nhiều lần so với cây trồng thông thường khác. Điều này sẽ góp phần giải quyết “bài toán” an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai.

 

Các đại biểu trả lời câu hỏi trong buổi Tọa đàm

 

     Mặt khác, cây trồng BĐG còn góp phần cải thiện môi trường như giảm thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại hóa chất khác; giảm lượng phân bón; bảo vệ sức khỏe của nông dân vì ít tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất. Ngoài ra, thực phẩm BĐG không tồn lưu hóa chất, kim loại nặng, vi khuẩn đảm bảo tốt cho sức khỏe con người và giảm giá thành sản phẩm.

     Từ năm 1984 đến nay, đã có 27 nước trên thế giới canh tác cây trồng BĐG với 175 triệu ha và có 18 triệu nông dân áp dụng cây trồng BĐG. Hiện đang có 5 nước có diện tích cây trồng BĐG cao nhất là Mỹ, Braxin, Argentina, Ấn Độ và Canađa.

     Tại Việt Nam, đã xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia đến năm 2020. Trước mắt, năm 2015, Chương trình đã đưa một số cây trồng BĐG vào sản xuất và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích cây trồng BĐG lên 30-50% trong tổng số 70% diện tích giống được tạo ra bằng công nghệ sinh học.

       Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải đánh giá được rủi ro khi phát triển loại cây trồng BĐG với sức khỏe của con người, động vật và môi trường xung quanh. Đặc biệt, phải có những đánh giá tác động của những loại giống cây trồng BĐG về mọi mặt cho dự báo nhiều năm sau đó, đánh giá những tác động của nó đến tiêu dùng và sử dụng của người tiêu dùng.

 

Phương Tâm

Ý kiến của bạn