Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Bảo tồn và phát triển một số loài cây lá kim ở Tây Nguyên

01/04/2016

     Tây Nguyên vốn được coi là “cái nôi” của các loài cây lá kim và có tính đa dạng vào hàng thứ hai của Việt Nam. Các loài lá kim có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng, hầu hết chúng đều có giá trị kinh tế, khoa học cao và nhiều loài còn là nguồn dược liệu quý, điển hình như loài thông đỏ nam. Tuy nhiên, do có giá trị kinh tế và dược liệu cao cho nên hầu hết chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự khai thác quá mức và mất môi trường sống như thông Đà Lạt, thông lá dẹt, thông nước… Vì vậy, từ năm 2014, Việt Nam là một trong mười điểm “nóng” nhất trên thế giới được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đề cập trong “Kế hoạch hành động bảo tồn thông”. Do đó, PGS, TS Đinh Thị Phòng, nguyên Trưởng phòng Phân loại thực nghiệm và Đa dạng nguồn gien, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã cùng các đồng nghiệp triển khai Đề tài “Nghiên cứu tính đa dạng nguồn gien di truyền và thành phần hóa học một số loài lá kim ở Tây Nguyên, đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững”.

     Trong quá trình thực hiện, đề tài đã ghi nhận 15 loài lá kim vẫn còn tồn tại ở Tây Nguyên là đỉnh tùng, pơ mu, bách xanh núi đất, thông nước, du sam núi đất, thông Đà Lạt, thông ba lá, thông nhựa, thông lá dẹt, thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao núi đất, thông tre lá dài, dẻ tùng nam và thông đỏ nam. Điểm đáng lưu ý là đã phát hiện được thêm hai điểm phân bố mới của loài đỉnh tùng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và bách xanh núi đất ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, dựa trên tiêu chuẩn của IUCN (năm 2013) thì tất cả 15 loài lá kim ở Tây Nguyên đều nằm trong tình trạng sẽ nguy cấp (VU), rất nguy cấp (CR) và nguy cấp (EN), nhất là các loài pơ mu, bách xanh núi đất và thông đỏ nam.

 

PGS, TS Đinh Thị Phòng (người đứng giữa) cùng các đồng nghiệp trong một chuyến điều tra thực địa ở Tây Nguyên

 

     PGS, TS Đinh Thị Phòng cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá khả năng tái sinh và tạo hạt tự nhiên cho bảy loài lá kim là Đỉnh tùng, Bách xanh núi đất, Hoàng đàn giả, Thông lá dẹt, Kim giao núi đất, Du sam núi đất và Thông Đà Lạt. Các loài này cũng được nghiên cứu tính đa dạng di truyền bằng chỉ thị ISSR và SSR. Kết quả, cả bảy loài đều có tình trạng chung là nảy mầm tốt vào mùa mưa. Tỷ lệ cây tái sinh ở ba cấp chiều cao không đồng đều. Mật độ và tỷ lệ cây tái sinh ở vị trí ngoài tán cao hơn mật độ và tỷ lệ cây tái sinh ở vị trí trong tán. Tỷ lệ tạo hạt và tái sinh cây mạ đạt hơn 50%, nhưng chỉ có một tỷ lệ rất thấp cây có chiều cao hơn 1m, nguyên nhân chính là do cây mạ không phát triển thành cây vì rễ không nhận được dinh dưỡng bởi các lớp hổng của các tầng mùn tự nhiên hình thành.

     Kết quả đánh giá hiện trạng bảo tồn của 15 loài lá kim, mức độ suy giảm nguồn gien và khả năng tái sinh tạo hạt tự nhiên của bảy loài có nguy cơ tuyệt chủng cao là những cơ sở cho các nhà khoa học và quản lý hoạch định kế hoạch khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững. Trong đó, cần chú ý ưu tiên bảo tồn ngay ba loài là Đỉnh tùng, Thông Đà Lạt và Bách xanh núi đất với lý do Đỉnh tùng hiện chỉ có hai quần thể ở Lâm Đồng và đều có tính đa dạng di truyền tương đối cao nhưng lại quá nhỏ về kích thước (không quá 20 cá thể/quần thể). Loài Thông Đà Lạt còn sáu quần thể, nhưng có số lượng dưới 50 cá thể/quần thể và có hệ số giao phối cận noãn khá cao cho nên nguy cơ tuyệt chủng lớn. Loài Bách xanh núi đất hiện có ba quần thể cũng khá nhỏ về kích thước trong các mảnh rừng bị suy giảm, mức độ đa dạng di truyền tương đối thấp. Dựa trên những kết quả này, nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp cần phải quản lý chặt chẽ sự phát triển của cây giống tại chỗ. Vấn đề này cần có sự can thiệp của con người như giúp rễ cây mạ tiếp xúc liên tục với các tầng đất. Bên cạnh đó, việc xây dựng một nguồn gien lõi tại chỗ cũng là biện pháp để duy trì và bảo tồn sự phát triển các nguồn gen. Điều này sẽ cho phép các hạt giống thu thập có thể làm tăng sự đa dạng di truyền trong mỗi vùng. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm xem xét thực hiện ngay việc thu thập hạt giống và ươm trồng cây giống cho ba loài này. Trong quá trình điều tra thực địa, nhóm nghiên cứu cũng đã thu được hai bộ mẫu tiêu bản khô để lưu trữ và trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên.

 

An Vi

 

 

Ý kiến của bạn