Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Bảo tồn và phát triển bền vững Vườn di sản ASEAN - Kon Ka Kinh

29/05/2015

   Vườn quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, có diện tích 42.057,3 ha, với 33.565 ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng nguyên sinh.Vườn được quy hoạch theo 3 chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích 17.137,5 ha); Phân khu phục hồi sinh thái (23.990 ha); Phân khu dịch vụ hành chính (929,8 ha). Tên Kon Ka Kinh còn được gọi là “đỉnh núi cao nhất”, cao 1.748m so với mực nước biển. Đỉnh núi này còn được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”.

   Năm 1986, VQG Kon Ka Kinh được đưa vào danh sách Các khu rừng đặc dụng nhằm “bảo tồn rừng á nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần”. Năm 1999, Viện Điều tra quy hoạch rừng (FIPI) kết hợp với Tổ chức Chim quốc tế (BirdLife Intemational) xây dựng dự án đầu tư thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh và dự án này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2002/QĐ - TTg chuyển đổi thành VQG Kon Ka Kinh. Tại cuộc họp các Bộ trưởng về tài nguyên môi trường các nước ASEAN được tổ chức tại Iagon (Mianma) vào ngày 18/12/2003, VQG Kon Ka Kinh đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

 

Loài hoàng đàn giả và kim giao là hai loài thực vật quý, hiếm của VQG Kon Ka Kinh

 

   Tiềm năng đa dạng hệ sinh thái tự nhiên và phát triển du lịch sinh thái

   Theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng, hệ thực vật được ghi nhận ở nơi đây là 1.022 loài, thuộc 568 chi và 158 hệ thực vật bậc cao. Trong đó ngành hạt kín chiếm ưu thế với 928 loài, khuyết thực vật 80 loài, ngành hạt trần 14 loài. Các loài thực vật này tổ hợp thành các kiểu thảm thực vật rừng chính bao gồm: Kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp và kiểu rừng kín hỗn giao lá kim và lá rộng với 2.000 ha, chứa rất nhiều pơ mu; kiểu rừng này chỉ thấy duy nhất ở VQG Kon Ka Kinh. Những loài cây dây leo dài, chằng chịt trong rừng là những nhịp cầu nối tự nhiên giữa các tầng tán rừng để các loài động vật nhỏ di chuyển, sinh sống, là điều kiện thuận lợi tạo nên sự đa dạng sinh học cho khu rừng. Xen lẫn với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm, cao vài chục mét chĩa thẳng lên trời xanh là những thảm thực vật xanh muốt, những bông hoa đủ hình thù, màu sắc và thường thay đổi màu phụ thuộc vào độ cao, mật độ ánh sáng nơi chúng sinh sống.

   Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu và một số yếu tố khác hình thành nên rừng, VQG Kon Ka Kinh có một hệ thực vật rừng rất phong phú, nơi đây là điểm hội tụ các luồng thực vật như: Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan...; Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam - Quý Châu và chân dãy núi Himalaya bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như: thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu...; Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaixia - Inđônêxia bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như: chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm; Luồng thực vật Ấn Độ - Mianma bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như bằng lăng ổi... Bên cạnh đó, còn có một số loài đặc hữu như: bọ nẹt trung bộ, du moóc, hoa khế, hoàng thảo vạch đỏ, gõ đỏ, lọng hiệp, trắc, thông đà lạt, xoay, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

   Bên cạnh một hệ thực vật rừng phong phú, VQG Kon Ka Kinh còn có một hệ động vật rừng đặc hữu với 351 loài, trong đó có 47 loài quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ như: vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn. Ngoài ra, VQG còn nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Kom Tum với 160 loài chim, 51 loài bò sát, 209 loài bướm, trong đó có 7 loài chim đặc hữu như khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ và khướu kon ka kinh (còn gọi là khướu tai hung) - loài chim quý này được xem là biểu tượng của Vườn được phát hiện lần đầu tiên tại VQG trong vòng 30 năm trở lại đây ở châu Á. Vì thế, loài chim này được mang tên của khu vườn. Đặc biệt, Vườn còn là nơi bảo tồn các loài ếch nhái đặc hữu: thằn lằn buôn lưới, thằn lằn đuôi đỏ, chàng sapa, ếch gai sần…

   Do được ưu đãi về điều kiện thiên nhiên và khí hậu, trong những năm gần đây, VQG đã phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, góp phần tăng nguồn thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Các hoạt động du lịch sinh thái hấp dẫn du khách phải kể đến là: Du khách có thể chinh phục đỉnh núi Kon Ka Kinh cao 1.748m, ngắm nóc nhà của cao nguyên Pleiku với cảnh núi non hùng vĩ cùng những thác nước lớn; tham quan những cánh rừng nguyên sinh với các loài thực vật đa dạng về hình dáng, phong phú về màu sắc đặc biệt với những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi; quan sát nhiều loài động vật quý hiếm, loài đặc hữu như voọc chà vá chân xám, vượn, mang, sóc bay... Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội để hiểu được bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa của người Ba Na hiện vẫn được lưu giữ như thuở sơ khai và những những lễ hội cồng chiêng vang vọng núi rừng…

   Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững

   Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Gia Lai đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng VQG Kon Ka Kinh trở thành trung tâm lưu trữ tài nguyên đa dạng sinh học và bảo tồn các vùng phụ cận thành các vùng rừng tự nhiên rộng lớn, bảo vệ và duy trì, phát triển các loài động vật hoang dã. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã triển khai thực hiện một số giải pháp:

 

Phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư xung quanh VQG Kon Ka Kinh

   Phát triển du lịch sinh thái hài hòa với BVMT, lựa chọn các loại hình, quy mô du lịch hợp lý, có quy hoạch cụ thể trong xây dựng chiến lược khai thác du lịch; Kết hợp hoạt động của Trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật để vừa là nơi cứu hộ động vật hoang dã và là nơi nghỉ ngơi của du khách tham quan VQG; Nâng cao chất lượng và tạo nét độc đáo các sản phẩm du lịch, lễ hội văn hóa…

   Bên cạnh đó, tỉnh giao cho Ban quản lý VQG xây dựng “cơ chế đồng quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng” trên cơ sở nâng cao năng lực cán bộ về bảo tồn động vật, thực vật, quản lý tài nguyên, môi trường, tạo việc làm ổn định, cải thiện đời sống cho cư dân, nhằm giảm áp lực, tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; Phối hợp với các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học, tổ chức quốc tế xây dựng những đề án về nghiên cứu đa dạng sinh học, đặc biệt là các giải pháp hữu hiệu bảo vệ, bảo tồn các loài động vật và loài chim quý hiếm.

   Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho nghiên cứu và quản lý VQG; Ngăn chặn những hình thức săn bắn trái phép ảnh hưởng đến tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của VQG; Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm; Cùng với Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái phối hợp với các điểm du lịch trong tỉnh.

   Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về BVMT rừng đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh tại những trường học ở các xã vùng đệm của VQG; tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan; Tăng cường hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế về BVMT.

Nguyễn Thị Phượng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Tạp chí Môi trường số 4/2015)

Ý kiến của bạn