Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/04/2024

Bảo tồn và phát triển Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang

18/07/2014

     Khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160 km², trong đó có khoảng 38 km² mặt đất và 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

     Vịnh Nha Trang là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn biển và du lịch biển của Việt Nam. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển…, với các hệ sinh thái (HST) biển đa dạng, phong phú.

     HST rạn san hô

     Rạn san hô có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, bảo vệ cấu trúc nền đáy, duy trì các dòng chảy tự nhiên. Rạn san hô là nơi trú ẩn, sinh sản và phát triển của nhiều loài sinh vật biển. Theo các nghiên cứu và thống kê cho thấy, vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao và tập trung phân bố ở các khu vực Hòn Mun (22 ha), Hòn Tằm (20 ha), Hòn Rơm (3,2 ha), Hòn Vung (4,6 ha), Hòn Cau (3,2 ha)… Hiện nay, chỉ có Hòn Mun và Hòn Rơm là nơi có rạn san hô tương đối ổn định còn ở VinPearl - Hòn Tre, Bích Đầm, Hòn Một bị tàn phá bởi hoạt động đánh bắt và tác động của môi trường. Hiện Viện Hải dương học đã nghiên cứu trồng và phục hồi, tái tạo thành công san hô ngoài tự nhiên. Trong thời gian qua, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã nỗ lực bảo vệ nguyên vẹn rạn san hô tại Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun và duy trì san hô ở trạng thái tốt.

     HST rừng ngập mặn

     Diện tích rừng ngập mặn trong toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 104,08 ha, trong đó, vịnh Nha Trang có khoảng 7 ha. Điều này cho thấy sự suy giảm của rừng ngập mặn và mất nơi cư trú của các loài thủy cư. Trong những năm gần đây, rừng ngập mặn đã được trồng khôi phục lại.

     HST thảm cỏ biển

     Tổng diện tích thảm cỏ biển trong toàn vịnh Nha Trang khoảng 78 ha. Phân bố chủ yếu tại Đầm Tre, Hòn Chồng, Nam Trí Nguyên. Thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và kim loại có trong môi trường biển nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm của môi trường. Đồng thời đây là nơi cư ngụ của nhiều loài sinh vật biển. Trong những năm qua, cỏ biển đã bị suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, đặc biệt lượng trầm tích đã bị chôn vùi hàng loạt tại khu vực có thảm cỏ biển. Mặc dù cỏ biển chưa mang lại giá trị kinh tế cao nhưng có vai trò ổn định, cân bằng đa dạng sinh học và duy trì nguồn lợi thủy sản.

 

 

     Nhìn chung, các HST đã góp phần tạo nên giá trị đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản dồi dào trong vịnh Nha Trang, mang lại giá trị kinh tế và triển vọng phát triển du lịch bền vững.

     Tuy nhiên, trong những năm trước đây, vấn đề khai thác, đánh bắt thủy sản không khoa học (khai thác bằng thuốc nổ, chất độc, khai thác tận diệt...) cùng với ô nhiễm môi trường đã làm cho vấn đề đa dạng sinh học biển ở khu vực này bị suy giảm ở mức báo động.

     Trước thực trạng đó, từ năm 2001, KBTB Hòn Mun (năm 2005 đổi tên là KBTB vịnh Nha Trang) - Dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản (nay là Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh Khánh Hòa và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thực hiện. Mục đích của Dự án nhằm bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa; giúp cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống; hợp tác với các bên liên quan để bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại KBTB vịnh Nha Trang, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các KBTB của Việt Nam.

     Sau khi Dự án kết thúc, KBTB đã lắp đặt được 100 phao neo tàu để hạn chế sự hủy diệt san hô, thành lập các ban bảo tồn biển, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển cho người dân. Đặc biệt, Dự án đã triển khai nuôi trồng thử nghiệm các đối tượng "thân thiện" với môi trường như rong sụn, hải sâm cát, vẹm xanh, hầu, cá mú để tạo thu nhập cho người dân và cho hơn 140 hộ dân vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất. Hiện nay, phần lớn diện tích trong khu bảo tồn đã được bao phủ bởi các rạn san hô và hệ thống rừng ngập mặn được trồng mới và mở rộng, nhiều thảm cỏ biển đã có dấu hiệu phục hồi…

     Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các KBTB (LMPA) và Ban Quản lý KBTB vịnh Nha Trang đã triển khai nhiều hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho người dân như nuôi trồng thủy sản, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, du lịch sinh thái và tín dụng... Đặc biệt, việc thành lập Tổ sinh kế mành ốc do Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên quản lý với mục đích phát triển các hoạt động phát triển sinh kế theo tính bền vững. Hoạt động của Tổ là phát triển nghề mành ốc, chịu trách nhiệm quản lý và thu mua vật liệu cung cấp cho các đảo; thu gom thành phẩm cung cấp cho các đại lý kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất. Hội phụ nữ và các hộ tham gia chương trình được vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của Hợp phần LMPA với tổng số vốn là 350 triệu đồng. Trong 10 tháng triển khai hoạt động phát triển nghề mành ốc bước đầu đã đạt được hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại 5 đảo trong KBTB vịnh Nha Trang.

     Bên cạnh đó, Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang thường xuyên tổ chức và tham gia giám sát các hoạt động diễn ra trên vịnh; khảo sát chất lượng nước, xây dựng cơ sở dữ liệu các yếu tố môi trường vịnh Nha Trang; khảo sát đa dạng sinh học, xây dựng bản đồ hệ sinh thái vịnh Nha Trang... Ban cũng vận động và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý KBTB, tổ chức các ban bảo tồn biển tổ dân phố. Họ là đại diện cư dân trong KBTB được dân bầu ra và mang tiếng nói của dân tham gia vào các cuộc họp của Ban quản lý; tổ chức các đội tuần tra với sự tham gia của người dân, chia ca trực tuần tra 24/24 giờ để ngăn chặn việc ngư dân sử dụng chất nổ, chất độc để khai thác thủy sản. Hàng năm, Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về những quy định có liên quan trong việc BVMT, bảo vệ cảnh quan vịnh Nha Trang và các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học cho người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên; phối hợp với 10 trường học tổ chức Chương trình giáo dục môi trường biển cho học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan, tài nguyên trong vịnh Nha Trang. Đồng thời, Ban quản lý KBTB đã vận động các cá nhân, tổ chức trồng trên 5 ha rừng ngập mặn tại Đầm Bấy và bắt hàng triệu con sao biển gai nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, thảm cỏ biển và phát triển rừng ngập mặn trong vịnh Nha Trang.

     Mặc dù, KBTB vịnh Nha Trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ tác động không nhỏ đến cảnh quan môi trường, các HST biển; đời sống của đại bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn nên họ có thể hủy diệt nguồn thủy sản để mưu sinh. Do đó, cần có một kế hoạch quản lý hiệu quả, nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học của KBTB.

 

            Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

 

 

Ý kiến của bạn