Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Bạc Liêu: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020

26/01/2015

     Bạc Liêu là một trong những địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Do nằm tiếp giáp với biển Đông và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, địa hình thấp nên dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Bạc Liêu có lượng gió mạnh và ổn định, tiềm năng lớn để khai thác, phát triển năng lượng điện gió; ngoài ra còn có nguồn tài nguyên cát biển dồi dào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, trong những năm qua, tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể và đạt những kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân về quản lý tài nguyên, BVMT và tác động của BĐKH ngày càng được nâng lên. Công tác phối hợp ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT giữa các cấp, các ngành ngày càng chặt chẽ, đồng bộ. Các chủ trương của tỉnh về quản lý, khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH được triển khai thực hiện quyết liệt, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, cụ thể như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, TP Xanh - Sạch - Đẹp và văn minh; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây xanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu và trung tâm các huyện; xây dựng hệ thống đê biển, kè chống xói lở, cống trụ đỡ, kè sông Bạc Liêu; đầu tư dự án điện gió và xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải…

 

Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH

 

     Nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Chương trình số 14 và đề ra mục tiêu đến năm 2020: Hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị các nguồn tài nguyên quan trọng của tỉnh, nhất là nguồn tài nguyên biển; Việc quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước ngọt, tài nguyên cát biển, khoáng sản sét và tài nguyên rừng; Khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên sinh thái, cảnh quan và tài nguyên sinh vật; Xử lý triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% đô thị loại V và loại IV có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được xử lý trước khi thải ra môi trường; 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế được xử lý; trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đúng quy định và trên 70% được tái chế và tái sử dụng...

     Có thể nói, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương về ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn như: Tình hình BĐKH diễn ra nhanh, thời tiết bất thường, triều cường, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, trong khi kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của tỉnh còn thấp, nên quản lý tài nguyên, ứng phó BĐKH chưa hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường, chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hy vọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả, nhằm không ngừng đưa kinh tế - xã hội ngày một phát triển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Trương Vũ Hùng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

Ý kiến của bạn