Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 08/11/2024

Ðề xuất các giải pháp lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển vùng bền vững ở Việt Nam

21/01/2015

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tạo ra những thách thức lớn cho các quốc gia và địa phương, đồng thời cũng được nhìn nhận như những cơ hội để cải thiện công tác quy hoạch ở các vùng hướng tới phát triển bền vững. Ở Việt Nam, tác động của BĐKH đã thể hiện rất rõ, trong giai đoạn 1990 - 2009, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về tác động của các thiên tai liên quan đến khí hậu, trung bình mỗi năm có tới 457 người thiệt mạng và tổn thất lên đến 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP trong giai đoạn này. Trong bối cảnh này, quy hoạch chiến lược vùng là một cách tiếp cận quy hoạch mới, tập trung vào các sáng kiến thích ứng với BĐKH của địa phương và sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cùng hợp tác phát triển, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh về kinh tế cho toàn vùng và lồng ghép các nội dung BĐKH trong khung quy hoạch vùng, hướng tới phát triển vùng bền vững và thích ứng với BĐKH.

     Một số thách thức về quy hoạch vùng ở Việt Nam

     Công tác phân vùng quy hoạch ở Việt Nam đã được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Tính đến thời điểm này, Việt Nam được chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội như:Vùng trung du và miền núi phía Bắc, với 14 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái);Vùng đồng bằng sông Hồng, với 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh);Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận); Vùng Tây Nguyên, với 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng); Vùng Đông Nam Bộ, với 6 tỉnh, TP ( TP. HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu); Vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 13 tỉnh, thành phố (Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

     Mặc dù công tác phân vùng quy hoạch đã được thực hiện, tuy nhiên có một số thách thức quan trọng trong quá trình lồng ghép các nội dung BĐKH trong quy trình quy hoạch phát triển vùng của Việt Nam. Đó là khung pháp lý và chính sách về lồng ghép BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển ở Việt Nam chưa đề cập đến quy hoạch vùng. Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH, các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và lồng ghép BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch hiện có. Cụ thể như: Luật Quy hoạch đô thị có đưa nội dung xem xét BĐKH thông qua các quy định về đánh giá môi trường chiến lược nhưng Luật này không bao gồm quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, Luật Xây dựng có đề cập đến quy hoạch vùng nhưng lại chưa có những quy định trong ngành xây dựng về việc lồng ghép BĐKH trong quy trình quy hoạch và hoạch định chính sách ở cấp vùng. Bản chất liên ngành của các vấn đề BĐKH cũng như sự mâu thuẫn về lợi ích, gây khó khăn trong quá trình hài hòa lợi ích của các bên liên quan khác nhau.

     Bên cạnh đó, các chính sách và trách nhiệm ứng phó với BĐKH thường gắn liền với những ngành liên quan đến môi trường, dẫn đến thực tế là BĐKH chưa được các ngành khác xem xét đầy đủ. Các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến BĐKH của từng ngành, trong khi vẫn còn thiếu các cơ chế phối hợp giữa các ngành trong lĩnh vực này. Mặc dù một số vấn đề về BĐKH đòi hỏi sự cam kết và hành động ở cấp vùng, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong việc quản lý và thực hiện các quy hoạch vùng.

 

Diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long bị ngập nghiêm trọng do tác động của BĐKH

 

     Ở cấp địa phương, phần lớn các quy hoạch vùng đang được xây dựng với tư duy về trách nhiệm cụ thể của từng tỉnh chứ không phải với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong cùng một quy trình. Do đó, vẫn chưa đi đến một kế hoạch đầu tư để huy động các nguồn lực nhằm thực hiện những nỗ lực chung trong phát triển vùng bền vững. Trong nhiều trường hợp, các giải pháp công trình nhằm thích ứng với BĐKH được áp dụng trong một đơn vị hành chính, nhưng chưa xem xét ảnh hưởng đối với toàn vùng, dẫn đến sự gia tăng rủi ro thiên tai cho các khu vực khác trong vùng. Mỗi tỉnh chỉ tập trung vào các tác động, giải pháp trong địa giới hành chính của mình nên đã bỏ qua các cơ hội phát triển kinh tế dựa trên những nguồn lực đa dạng, đồng thời hạn chế việc thực hiện các sáng kiến về ứng phó với BĐKH trong sự hợp tác với các tỉnh trong vùng. Điều này cho thấy những thách thức về thể chế cần được giải quyết thông qua đổi mới phương pháp luận quy hoạch vùng và những thay đổi trong cơ cấu quản trị địa phương.

     Đề xuất một số giải pháp thích ứng BĐKH thông qua quy hoạch vùng

     Cần có khung chính sách quy hoạch vùng hợp lý, khoa học: Để đạt được sự phát triển vùng bền vững và có khả năng thích ứng với BĐKH thông qua quy hoạch chiến lược vùng, đòi hỏi có sự thay đổi trong khung chính sách quy hoạch vùng hiện tại, với một cơ chế hợp lý, khoa học cho sự quản lý tổng hợp và hợp tác phát triển trong mọi lĩnh vực của một vùng, đảm bảo một liên kết hiệu quả giữa quy hoạch phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như sự phân bố tối ưu về không gian cho các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội. Làm tốt công tác hoạch định chính sách sẽ tạo một chính sách hợp lý để thực thi. Ngược lại, với một chính sách sai, dù công tác thực thi chính sách đó có cố gắng đến đâu chăng nữa thì trước sau chính sách đó cũng sẽ thất bại và mang lại những tổn thất cho đất nước và các vùng lãnh thổ.

     Thành lập Ban điều phối phát triển vùng: Do những quyết định chung ở cấp vùng cần được dựa trên các phân tích kỹ thuật và đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan, cần có một Ban Điều phối phát triển vùng với sự hỗ trợ của một Trung tâm nghiên cứu phát triển vùng để cung cấp thông tin đáng tin cậy cho tất cả các bên liên quan cùng ra quyết định, đồng thời, điều phối và tổ chức các đối thoại chính sách về các vấn đề quan trọng trong phát triển vùng. Các nội dung về BĐKH có thể là khởi đầu cho các đối thoại chính sách ở cấp vùng.

     Tăng cường tổ chức các hội thảo tập huấn nâng cao năng lực về lồng ghép nội dung BĐKH trong quy hoạch chiến lược vùng tại các địa phương: Thông qua các Hội thảo để tăng cường sự cam kết của lãnh đạo các tỉnh đối với phát triển vùng bền vững và giới thiệu cách tiếp cận sáng tạo trong lập và thực hiện quy hoạch vùng với sự tham gia của các bên liên quan.

     Huy động các nguồn lực cho nghiên cứu và nâng cao năng lực quy hoạch vùng nhằm ứng phó với BĐKH: Cần tranh thủ sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật từ các nhà đầu tư tư nhân, các nhà tài trợ quốc tế để thực hiện các dự án về tăng cương năng lực thích ứng với BĐKH cho các địa phương. Bên cạnh chiến lược và các dự án dài hạn, cũng cần xem xét các chiến lược và dự án ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là sự đóng góp của các chiến lược và dự án này vào việc nâng cao năng lực thích ứng trong dài hạn.

     Tóm lại, khác với quy trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông thường, quy hoạch vùng nhằm ứng phó với BĐKH cần tập trung xem xét các vấn đề BĐKH đa ngành và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Do quy trình và phương pháp luận quy hoạch truyền thống không giải quyết được một cách đầy đủ các vấn đề về môi trường có thể tác động ngược trở lại đến sự tăng trưởng kinh tế, cũng như những thách thức mới về đô thị hóa và BĐKH của các vùng, việc thực hiện các giải pháp mới phù hợp thông qua đổi mới hệ thống quy hoạch và quản trị sáng tạo và thích ứng với BĐKH là điều cần thiết để tận dụng các lợi thế của vùng, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển vùng bền vững.

 

TS KT. Trần Ngọc Ngoạn; TS. Nguyễn Song Tùng

Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

     Tài liệu tham khảo

Lồng ghép BĐKH trong quy hoạch phát triển vùng ở Việt Nam.

Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH.

G.S.Ogato. Nhu cầu Lồng ghép BĐKH vào quy hoạch vùng tác các nước đang phát triển: Những định hướng chiến lược cho các vùng ở Ethiopia. Tạp chí Herald về Địa lý và Quy hoạch vùng, Vol. 2 (2), trang 071-081 tháng Sáu, 2013.

Lawrie Wilson & Phạm Thị Khánh Vân. Một mô hình Quy hoạch không gian vùng cho Việt Nam. 2006.

     UN-Habitat. Nghiên cứu chính sách về BĐKH và Đô thị hóa. 2013.

Ý kiến của bạn