Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Ðặc điểm môi trường vùng nuôi tu hài ở đảo Cát Bà, Hải Phòng

02/03/2015

     Đảo Cát Bà cách TP. Hải Phòng 45 km về phía Đông, diện tích gần 29.831 ha, với 360 hòn đảo nhỏ khác. Cát Bà có tiềm năng phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ, dịch vụ nghề cá, nuôi trồng đánh bắt thủy sản… đặc biệt là nuôi tu hài có giá trị kinh tế cao. Hiện tại ở khu vực Cát Bà có hai phương pháp nuôi tu hài là treo rổ cát ở bè hoặc xếp rổ cát lên các bãi triều thấp (nước triều luôn ngập các rổ cát). Tu hài sống trong môi trường nước biển yêu cầu yên tĩnh, nước sạch, độ muối từ 27,3 - 31,8 ‰. Lượng thịt của tu hài chiếm đến 60% tổng khối lượng và độ béo trong mùa mưa cao hơn mùa khô.

     Đặc điểm phân bố và môi trường sống của tu hài ở đảo Cát Bà

     Tu hài phân bố rộng ở vùng Đông bắc Bắc bộ trong cả tự nhiên và nuôi thương mại. Hai khu vực nuôi tu hài thương mại với số lượng lớn, tập trung là vịnh Lan Hạ (đảo Cát Bà - TP.Hải Phòng) và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), với diện tích 500 ha. Đây là những vị trí môi trường nước có độ mặn cao, nguồn thức ăn đảm bảo để phát triển nghề nuôi tu hài.

     Nghề nuôi tu hài ở Cát Bà là nghề mới, cho thu nhập cao. Nghề nuôi tu hài trên đảo Cát Bà từ chỗ ban đầu chỉ có vài hộ nuôi, đến nay đã có hơn 200 hộ, trung bình các hộ có khoảng 5.000 rổ nuôi. Các hộ nuôi chủ yếu tại khu bãi cát bồi và nuôi lồng bè ở những khu vực mặt nước yên tĩnh, không bị ô nhiễm, các áng nước kín gió trong vịnh Lan Hạ và vịnh Cái Bèo (gần Hòn Rùa - hang Cố Đô - vịnh Lan Hạ).

     Tu hài sống trong môi trường nước mặn, độ pH của môi trường nước nuôi tu hài là môi trường kiềm yếu (pH trung bình 8,37); Yêu cầu nước sạch, mức độ trao đổi tốt nên kết quả về hàm lượng ôxy hòa tan khá cao (6,67 - 6,75 mgO2/l). Tu hài được nuôi quanh năm và chúng có khả năng chịu được sự dao động rộng của dải nhiệt độ khí hậu khu vực Đông bắc Bắc bộ (dao động từ 17,8 - 31,8oC).

     Vào tháng 11/2011, tu hài ở khu vực đảo Cát Bà bị dịch bệnh chết hàng loạt. Để xác định nguyên nhân gây chết tu hài từ nguồn nước, nhóm nghiên cứu xét nghiệm một số độc tố trong môi trường như thủy ngân, Asen. Nhận thấy, so với quy chuẩn QCVN 10:2008 của thông số Hg (1µg/l) và thông số As (10µg/l) đối với nước nuôi trồng thủy sản thì môi trường nước khu vực nuôi tu hài đều thấp hơn nên nguyên nhân nhiễm các độc tố (Hg, As và PCBs) gây chết tu hài tại vịnh Lan Hạ (năm 2011) được loại trừ.

     Xét nghiệm mẫu cát vỏ nhuyễn thể (hạt to) để đánh giá nguồn nhiễm độc tố đối với tu hài để tìm nguồn nhiễm.Theo hướng dẫn chất lượng trầm tích tạm thời của Ốxtrâylia và New Zealand (ISQG: 2000) tổng PCBs (21,5 ng/g); Hg (ISQG thấp và cao là 0,15 - 1µg/g); Asen (ISQG thấp và cao là 20 -70µg/g) thì có thể nhận xét độc tố ô nhiễm trong giá thể sống của tu hài không phải từ nguồn này.

     Đặc điểm nghề nuôi tu hài

     Tu hài thường được nuôi trong rổ nhựa treo, chứa đầy cát vỏ nhuyễn thể để tu hài lọc thức ăn trong nước. Cát chỉ là giá thể để loài tu hài bám. Hiện tại, ở khu vực Cát Bà có hai phương pháp nuôi là treo rổ cát ở bè hoặc xếp rổ cát lên các bãi triều thấp (nước triều luôn ngập các rổ cát).

 

Nuôi tu hài trong rổ được treo trên các bè nổi hoặc đặt trên bãi triều thấp

 

     Ưu điểm của nghề nuôi tu hài là không phải cho ăn, chỉ cần đầu tư ban đầu về giống, rổ, giá bè nổi. Đáng chú ý, do đặc điểm ăn lọc, tu hài góp phần làm trong sạch môi trường nước biển. Cách nuôi tu hài đơn giản, cấy giống vào các rổ bọc lưới kín được đổ đầy cát, tu hài lớn dần tách riêng với mật độ 30 - 40 con/rổ. Thức ăn của tu hài là các sinh vật có sẵn trong biển như tảo, rong, rêu và ít bị dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tu hài mang lại rất lớn.

     Thu nhập trong một năm đối với một hộ nuôi tu hài khoảng 200 triệu đồng. Một bè lồng đầu tư khoảng 27 triệu đồng và sau 3 năm sẽ hoàn vốn, những năm tiếp theo chỉ cần đầu tư giống và cát vỏ nhuyễn thể. Ước tính thu nhập của 200 hộ dân khu vực vịnh Lan Hạ là 103 tỷ đồng/năm.

     Khối lượng và kích thước loài

     Mối tương quan khối lượng và kích thước: Kích thước của tu hài xác định bao gồm chiều dài, chiều rộng và cân nặng/cá thể, theo hướng dẫn tiểu phẫu hai mảnh vỏ của Trương Quốc Phú (2006).

 

Kích thước của tu hài

 

     Mối tương quan kích thước tu hài và khối lượng

 

     Kích thước của tu hài có chiều dài dao động từ 60,5 - 85 mm, chiều rộng từ 29 - 43 mm, khối lượng trung bình của cá thể là 22,7 - 70 g. Đánh giá mối tương quan giữa chiều dài, chiều rộng và cân nặng của tu hài: Mối tương quan giữa chiều dài - cân nặng (hệ số 0,84) lớn hơn mối tương quan giữa chiều rộng - cân nặng (hệ số 0,73).

     Tỷ lệ ruột/vỏ và độ béo: Tỷ lệ khối lượng ruột tu hài/vỏ là 6:4, tức là ruột tu hài chiếm 60% tổng thể thịt và vỏ. Phân tách dạ dày khỏi số lượng thịt tu hài, tiến hành xác định được tỷ lệ dạ dày chiếm 10% của tổng thể ruột tu hài.

 

     Bảng 1. Hàm lượng lipit trong tu hài nuôi tại vịnh Lan Hạ - Cát Bà

Mẫu

Kích thước

(mm)

Khối lượng cá thể (kg)

Hàm lượng Lipit (%khô)

Mùa khô

Mùa mưa

Mẫu 1

60 - 65

28,95

10,4

11,3

Mẫu 2

66 - 70

37,26

11,3

13,2

Mẫu 3

71 - 75

42,97

13,2

14,0

Mẫu 4

75 - 80

57,94

14,1

15,3

Mẫu 5

81 - 85

67,87

16,1

16,5

Trung bình

 

 

13,0

14,1

 

     Độ béo được xác định tại các kích thước khác nhau trong hai mùa để đánh giá sự phát triển. Hàm lượng lipit được xác định theo phương pháp trọng lượng và kết quả phân tích cho thấy độ béo tăng theo kích thước của tu hài. Qua phân tích mẫu thu trong hai mùa, mùa mưa và mùa khô cho thấy, mùa mưa tu hài béo (hàm lượng lipit trung bình là 14,1% trọng lượng khô) hơn mùa khô (hàm lượng lipit trung bình là 13% trọng lượng khô).

 

Bè nuôi tu hài của ngư dân trên vịnh Lan Hạ

 

     Tu hài là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao, có tác dụng BVMT, ít bị bệnh, năng suất cao. Thông qua kích thước tu hài để đánh giá cân nặng bởi mối tương quan khá chặt. Lượng thịt của tu hài chiếm đến 60% khối lượng và độ béo trong mùa mưa cao hơn mùa khô. Do tu hài sống trong môi trường nước mặn, xa bờ, ít chịu ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm của lục địa nên không bị tích lũy các chất ô nhiễm.

 

TS. Lê Xuân Sinh

Viện Tài nguyên và Môi trường biển

Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Hoàng Yến

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Trần Mạnh Hùng

Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ Môi trường Thanh Hóa

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn