Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 08/05/2024

Ljubljana - Thành phố không xe hơi, không rác thải ở châu Âu

26/08/2019

     15 năm trước, toàn bộ rác thải ở thủ đô Ljubljana của Slovenia được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, nhưng đến năm 2025, ít nhất 75% rác thải tại đây sẽ được tái chế. Ngày nay, không khí ở Ljubljana rất trong lành, dấu hiệu duy nhất cho thấy chúng ta đang đứng trên bãi rác sâu 24 m là những ống dẫn khí methane. Nơi đây cũng là một trong những địa điểm du lịch đặc biệt nhất châu Âu, bởi tại khu vực trung tâm TP, không có một chiếc xe hơi cá nhân nào, vì phương tiện này đã bị cấm lưu thông hoàn toàn từ cách đây 10 năm.

     TP không xe hơi

     Ljubljana là một trong những nơi đáng sống, được công nhận là “TP xanh nhất châu Âu năm 2016. Tạp chí Lonely Planet từng nhận xét, Ljubljana là “một bức tranh hoàn hảo như Thụy Sỹ, nhưng mức sống thì dễ thở hơn nhiều”. Từ năm 2008, Ljubljana đã thực hiện chính sách cấm tất cả xe hơi vào trung tâm TP. Ngoại trừ xe đạp và một số phương tiện công cộng khác như xe buýt, không một chiếc xe hơi cá nhân nào được phép đi vào vùng nội đô của Ljubljana. Chỉ có người già, người tàn tật và phụ nữ nuôi con nhỏ là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Tuy nhiên, thay bằng việc đi xe hơi cá nhân, họ được chính quyền hỗ trợ di chuyển miễn phí bằng taxi điện. Sau hơn một thập kỷ thực hiện chính sách cấm xe hơi, giờ đây, số lượng phương tiện giao thông của toàn TP giảm đến 12%; không gian và môi trường sống được cải thiện, đặc biệt, nhờ vào chính sách này mà lĩnh vực kinh doanh và hoạt động du lịch tăng trưởng vượt bậc.

 

Một góc TP. Ljubljana

 

     Bên cạnh đó, cách thủ đô Ljubljana 55 km là hồ Bled có diện tích 145 ha, chiều dài 2,12 km, chiều rộng 1,38 km, được ví như viên ngọc bích, nằm trong dãy Julian Alps. Trong tiếng Slovenia, Bled có nghĩa là “gương mặt trắng”. Hồ Bled đóng băng hoàn toàn từ tháng 2 - 3 hàng năm, lúc đó người dân và du khách có thể đi bộ trên hồ. Vào mùa hè, khi nước băng tan, mặt nước trong xanh màu ngọc bích tuyệt đẹp, những bầy thiên nga bơi lội và bóng lâu đài, nhà thờ soi xuống mặt hồ đẹp như bức tranh cổ tích. Hồ Bled từng là nơi tổ chức giải đua thuyền chèo thế giới, để tôn lên cảnh quan tuyệt đẹp của hồ, Chính phủ Slovenia hạn chế xây dựng nhà cao tầng. Bao quanh hồ Bled là cây xanh, con đường dẫn lên lâu đài Bled uốn lượn bên sườn núi, với khu vực dã ngoại, đi bộ, đạp xe yêu thích của cư dân địa phương và du khách. Lâu đài được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, nằm cheo leo trên vách đá, cách mặt hồ 139 m, được xếp vào danh sách những lâu đài đẹp nhất thế giới. Giữa hồ còn có một nhà thờ được xây từ thế kỷ 15 với ngọn tháp cao 52 m, là điểm nhấn của toàn bộ cảnh quan nơi đây.

     Từ không tái chế đến không rác thải

     Ljubljana là thủ đô đầu tiên ở châu Âu cam kết không rác thải. Từ năm 2002, TP có kế hoạch đặt những chiếc thùng thu gom và phân loại rác thải. Đến năm 2006, TP tiến hành thu gom rác thải sinh học ở từng hộ gia đình. Chiến dịch này đi trước kế hoạch chung của châu Âu gần 20 năm (châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2023 mới bắt buộc người dân phải phân loại rác sinh học). Năm 2013, mọi cửa ra vào trong TP đều được trang bị thùng rác đựng bao bì và giấy báo riêng, lịch thu gom rác cũng bị cắt giảm, buộc người dân phải tự phân loại rác thải. Kết quả thu được rất ấn tượng, nếu như năm 2008, TP chỉ tái chế được 29,3% lượng rác thải, kém xa so với các nước châu Âu khác, thì hiện nay, con số này đã tăng lên 68%, tỷ lệ rác vận chuyển về bãi chôn lấp giảm 80%, đưa Ljubljana vươn lên vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng các TP tái chế rác hiệu quả ở châu Âu. Đặc biệt, Nhà máy xử lý chất thải sinh học hiện đại nhất châu Âu ở Ljubljana đi vào hoạt động là bước tiến lớn, khẳng định quyết tâm của TP trong việc cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải vào năm 2025. Trung tâm Quản lý Chất thải Khu vực (RCERO) cũng bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015, đang xử lý gần 1/4 rác thải trên toàn Slovenia, sử dụng khí ga tự nhiên tạo ra nhiệt và điện để tự vận hành. RCERO xử lý 95% rác phế phẩm thành vật liệu tái chế và nhiên liệu rắn, đồng thời, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống mức chưa đầy 5%. Ngoài ra, RCERO còn biến chất thải sinh học thành phân bón chất lượng cao.

 

Hệ thống máy bán các mặt hàng gia dụng tự động, không cần bao bì đóng gói

 của Công ty quản lý rác thải Voka Snaga

 

     Cuộc “cách mạng xanh” ở đây không chỉ là vấn đề về cách xử lý rác, mà hạn chế rác thải, tái sử dụng và tái chế mới là yếu tố hàng đầu. Ngoài thu gom rác tận nhà, Ljubljana còn mở hai trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt và tái chế rác thải hộ gia đình. TP đang dự định xây thêm ít nhất 3 trung tâm như vậy, cùng với 10 cơ sở nhỏ hơn tại các khu vực đông dân cư trong nội đô. Theo đó, những loại rác vẫn có thể sử dụng sẽ được kiểm tra, làm sạch rồi bán với giá rẻ. Hàng tuần TP tổ chức hội thảo hướng dẫn người dân cách sửa chữa vật dụng hỏng trong nhà. Cùng với đó, những cửa hàng không rác thải đang là xu hướng mới ở Ljubljana, hiện Công ty quản lý rác thải Voka Snaga đang triển khai hệ thống máy bán các mặt hàng gia dụng tự động, không cần bao bì đóng gói tại đây. Ở trung tâm TP, Voka Snaga cũng sẽ lắp đặt 67 thùng đựng rác dưới lòng đất, người dân được phát thẻ đổ rác, công nhân thu gom rác đi bộ, trong khi xe quét đường sử dụng nước mưa hứng từ nóc của Công ty Voka Snaga cùng với chất tẩy rửa sinh học để làm sạch lòng đường. Hầu hết mọi ngóc ngách đều có thùng phân loại rác riêng, do đó, dù đông khách du lịch, Ljubljana vẫn luôn sạch sẽ. Một sáng kiến khác nữa để BVMT ở Ljubljana là yêu cầu toàn bộ các trụ sở công quyền trong TP sử dụng giấy vệ sinh được tái chế từ vỏ hộp sữa và nước hoa quả.

     Những kế hoạch, hành động BVMT mà Ljubljana đã và đang thực hiện là động thái tích cực, thể hiện sự kiên quyết của TP trong nỗ lực kiến tạo một thế giới bền vững hơn trong thời kỳ hiện đại hoá - công nghiệp hóa.

 

Phạm Thị Thu Hương - Minh Huệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

Ý kiến của bạn