Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/09/2024

Thiết lập hiệp ước toàn cầu để bảo tồn các đại dương trên thế giới

02/04/2024

    Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn. 

Tầm quan trọng và thực trạng của đại dương

    Đại dương chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nhân loại. Theo ước tính, hàng hóa và dịch vụ mà đại dương cung cấp - từ đánh bắt cá đến du lịch và bảo vệ bờ biển - trị giá ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD mỗi năm; 2/3 tổng sản phẩm biển toàn cầu phụ thuộc vào một đại dương trong lành; 30% lượng khí thải CO2 do con người thải ra được đại dương hấp thụ; 500 triệu người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ven biển để kiếm thức ăn; 90% hải sản trên thế giới đến từ nghề cá quy mô nhỏ.

    Tuy vậy, đại dương đã trải qua những thay đổi đáng kể trong thế kỷ qua. Thế giới đã mất một nửa rạn san hô, rừng ngập mặn. Và con người đã đẩy nhiều trữ lượng cá quan trọng đến mức suy giảm, đe dọa sinh kế và an ninh lương thực của người dân, đồng thời gây hại cho các loài khác bao gồm chim biển, rùa và cá heo. Hơn nữa, các loài sinh vật biển di cư phân bố tự do giữa vùng biển quốc gia và biển cả, mà 2/3 đại dương trên thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của từng quốc gia, nhưng hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ, khiến các loài sinh vật biển và hệ sinh thái phải đối mặt với tác động của hoạt động đánh bắt công nghiệp không bền vững.

    Bên cạnh khả năng suy thoái của một hệ sinh thái đại dương, sự bất bình đẳng của ngành đánh bắt cá là vấn đề đáng lo ngại. Việc đánh cá, vận chuyển, du lịch và bảo vệ đại dương hiện đang được kiểm soát bởi các quốc gia và khoảng 20 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quy định của họ chỉ áp dụng cho khoảng cách 200 hải lý (370 km) tính từ bờ biển, tức các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ngoài khu vực này là các vùng biển quốc tế. Mặc dù vùng biển quốc tế chiếm hơn một nửa bề mặt Trái đất và 61% tổng số đại dương, nhưng chỉ có 1% khu vực này được bảo vệ. Đánh bắt cá bất hợp pháp, quá mức và các hình thức gây thiệt hại khác cho hệ sinh thái.

    Tại Tây Phi, nguồn cá đang bị cạn kiệt nghiêm trọng do các tàu đánh cá lớn từ châu Âu hoạt động xa bờ. Điều này đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn khu vực và làm tổn hại đến sinh kế của những ngư dân cung cấp cho gia đình của họ thông qua việc buôn bán. Vấn đề trở nên nghiêm trọng nhất ở các khu vực ven biển - nơi có một số tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất nhưng cũng có mật độ dân cư đông đúc hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất. Các cộng đồng ven biển ngày càng dễ bị tổn thương, thiệt hại do bão và thiếu lương thực do các rạn san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển bị mất.

    Ô nhiễm từ nhựa đến tràn dầu và hóa chất nông nghiệp cũng gây hại cho thiên nhiên, làm ô nhiễm chuỗi thức ăn. Khoảng 80% nước thải toàn cầu hiện đang được chuyển vào các đại dương mà không được lọc. Ở những quốc gia nghèo nhất thế giới, con số này lên tới gần 95%. Nước thải này gây ô nhiễm, nhiễm bẩn và phá hủy các đại dương và vùng ven biển. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống nước thải bền vững, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ bảo vệ hệ sinh thái đại dương và góp phần cung cấp nước uống tốt hơn ở nhiều nơi.

    Biến đổi khí hậu đang làm cho đại dương nóng hơn và có tính axit hơn, điều này sẽ gây ra thảm họa nếu không được kiểm soát. Hơn một nửa lượng oxy trong bầu khí quyển được tạo ra bởi các sinh vật trong đại dương. Đồng thời, các đại dương lưu trữ lượng carbon dioxide (CO2) gấp 50 lần so với những gì hiện có trong bầu khí quyển của chúng ta. Đại dương càng ấm lên thì lượng CO2 có thể lưu trữ càng ít. Như vậy, các đại dương càng ít có khả năng bảo vệ hành tinh khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, các nhà khoa học cho rằng nhiều loài động vật có vỏ như trai và ốc sẽ không thể tồn tại. Đó là do quá trình axit hóa đại dương, nếu hàm lượng CO2 trong nước biển tăng lên thì độ PH trong nước sẽ thay đổi. Độ axit ngày càng tăng cản trở việc tạo ra lớp vỏ phấn của những động vật giáp xác. Điều này làm mất cân bằng toàn bộ sinh quyển và do đó có thể đe dọa các ngành kinh tế biển.

    Nhiệt độ tăng trong bầu khí quyển do đốt than, dầu và khí đốt cũng làm thay đổi các dòng hải lưu khi nước ấm hơn. Điều này đồng nghĩa với cái chết đối với nhiều sinh vật biển, chẳng hạn như các rạn san hô. Những khu rừng của đại dương này sống cộng sinh với các loại tảo. Sự nóng lên của nước có thể dẫn đến cái chết của tảo biển, điều đó có nghĩa là nhiều căng thẳng hơn đối với san hô, khiến nhiều loài mất màu, một hiện tượng được gọi là tẩy trắng và hủy diệt san hô.

Thiết lập hiệp ước toàn cầu để bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển

    Ngày 19/12/2022, tại Montreal, Canada, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15 CBD) đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal với sự tham gia của 190 quốc gia nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các quốc gia trên thế giới cam kết “thực hiện hành động khẩn cấp để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học nhằm đưa thiên nhiên vào con đường phục hồi vì lợi ích của con người và hành tinh”. Khung này bao gồm bốn mục tiêu bao quát được hỗ trợ bởi 23 mục tiêu, nhưng mục tiêu nhận được nhiều sự chú ý nhất là cam kết bảo vệ và bảo tồn ít nhất 30% diện tích đại dương và đảm bảo 30% diện tích bị suy thoái sẽ được khôi phục vào năm 2030. Đây là một nhiệm vụ có tầm vóc toàn cầu. 

    Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) hay còn gọi là Hiệp định về Biển cả là một bước quan trọng hướng tới việc thực hiện thỏa thuận Côn Minh-Montreal của Liên hợp quốc. Hiệp định được chính thức thông qua tại khóa họp thứ 5 Hội nghị Liên chính phủ của Liên hợp quốc ngày 19/6/2023 tại New York (Mỹ)... Sự ra đời của Hiệp ước Biển cả được xem là thắng lợi lịch sử tiếp nối Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong xây dựng và thực thi trật tự pháp lý trên biển.

    UNCLOS là văn kiện được xem như Hiến pháp của biển và đại dương, đã đặt ra các quy định về quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học trên biển ở các khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế... Tuy nhiên, UNCLOS không có điều khoản nào đề cập cụ thể tới việc tiếp cận, sử dụng và chia sẻ lợi ích từ các nguồn đa dạng sinh học biển nằm ngoài những vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như chưa có cơ chế điều phối, kiểm soát các hoạt động trên biển nhằm bảo vệ các nguồn gen khỏi sự suy giảm, cạn kiệt. Trong khi đó, đa dạng sinh học tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia hiện nay đang đứng trước nhiều rủi ro. Các khu vực biển cả, nơi không thuộc về quyền tài phán của quốc gia nào, có những loài sinh vật đặc biệt và chỉ sống ở vùng nước sâu hoặc xa bờ, đem lại những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và cả về kinh tế, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

    Sự cạnh tranh nhằm khai thác các giá trị từ các vùng ngoài quyền tài phán quốc gia ngày một gia tăng để theo đuổi những lợi ích kinh tế to lớn mà nguồn gen biển mang lại. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có các nước phát triển và các công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học tiên tiến, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gen biển và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận.

    Hiệp ước Biển cả đã cung cấp khuôn khổ pháp lý để bảo tồn sinh vật biển và hạn chế các hoạt động có hại ở các khu vực ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia. Hiệp định đại dương đặt ra các quy định về biện pháp phân vùng bảo tồn biển, nhằm cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng bền vững những khu vực cần được bảo vệ. Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá tác động môi trường cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng giữa nhu cầu nghiên cứu khoa học và mục tiêu phòng ngừa tác hại do các hoạt động trên biển cả gây ra đối với đa dạng sinh học biển. Hiệp ước đã tạo ra khuôn khổ và phương thức để các quốc gia thành viên chia sẻ lợi ích với nhau, giúp cho các nước, nhất là các nước đang phát triển, có thể nhận được lợi ích công bằng hơn từ các nguồn gen biển. Ngoài những lợi ích kinh tế, các nước đang phát triển cũng sẽ có thêm cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học biển, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ…

     Là một quốc gia ven biển, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán văn kiện ngay từ đầu. Ngày 20/9/2023 tại New York, trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Việt Nam đã ký Hiệp định về Biển cả. Việc ký Hiệp định mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

    Hiệp định mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển, và được hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc các quốc gia khác có lợi thế lớn hơn về tiềm lực tài chính, khoa học – công nghệ khai thác nguồn gien ở vùng biển khơi và chia sẻ lợi ích. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao”… là một trong những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

    Hiệp định tạo ra và khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển. Đó là những cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

    Hiệp ước Biển cả đánh dấu một bước ngoặt quan trọng để bảo vệ hệ sinh thái ở những vùng biển quốc tế rộng lớn. Đây được xem như một thỏa thuận lịch sử để giúp cứu vãn đa dạng sinh học đại dương và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Hiệp ước sẽ góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia liên quan.

Đỗ Tuấn Đạt

Trung tâm Hành động, Liên kết vì sự phát triển bền vững

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2024)

Ý kiến của bạn