Banner trang chủ

Việt Nam tăng cường bảo tồn gấu

22/06/2015

   Nguy cơ tuyệt chủng loài gấu

   Tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật bắt đầu phát triển mạnh tại Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, mật gấu ở Việt Nam đã trở nên thông dụng như một sản phẩm thuốc y học cổ truyền. Để phục vụ cho nhu cầu người sử dụng, gấu bị nuôi nhốt trong những chuồng cũi chật hẹp thường xuyên bị trích mật. Nhu cầu sử dụng mật gấu được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến sự tồn vong của loài gấu ở Việt Nam và trong khu vực châu Á.

   Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2005, cả nước có 4.300 cá thể gấu được phát hiện nuôi nhốt tại các trang trại trên cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mật gấu như một sản phẩm thuốc y học cổ truyền. Hầu hết những cá thể gấu này đều bị săn bắt từ tự nhiên khi còn là gấu con để đem bán cho các trang trại nuôi nhốt khai thác lấy mật.

 

Hai cá thể gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh chết do bị bỏ đói

 

   Các địa phương Hạ Long (Quảng Ninh), Đan Phượng, Hoài Đức và Phúc Thọ (Hà Nội) có những trang trại nuôi nhốt gấu nhiều nhất trên cả nước. Hầu hết các trang trại nuôi nhốt gấu này đều không đáp ứng được điều kiện để được cấp giấy chứng nhận trại nuôi gấu theo Quy chế quản lý gấu nuôi. Theo các chuyên gia, để gấu nuôi nhốt có thể sinh sản được đòi hỏi phải tạo cho chúng một môi trường rộng rãi và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Điều đó gần như là không thể thực hiện được đối với các cơ sở, cá nhân nuôi nhốt gấu. Bởi trên thực tế, họ nuôi nhốt gấu là nhằm mục đích kinh doanh, làm giàu từ việc lấy mật gấu. Đặc biệt, ở tỉnh Quảng Ninh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam, những trang trại nuôi gấu ở đây còn tổ chức cho khách du lịch đến tham quan cảnh tượng trích hút mật gấu, sau đó bán cho khách có nhu cầu. Những năm trước, khi mật gấu đắt họ còn tận tâm chăm sóc với mong muốn càng lấy được nhiều mật càng tốt nhằm đạt được lợi nhuận tối đa. Còn vài năm trở lại đây, khi nhu cầu về mật gấu có phần giảm, giá mật gấu rẻ đi, thì đối với không ít hộ nuôi gấu việc chăm sóc không còn như trước, thậm chí là cho ăn cầm hơi qua ngày… tình trạng này làm cho lượng gấu nuôi nhốt bị chết ngày càng gia tăng.

   ENV đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình bảo vệ gấu

   Nhằm bảo vệ các loài gấu khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng,năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng Chương trình nhằm từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu trái phép, đồng thời ban hành một số quy định pháp luật tăng cường quản lý đối với số gấu nuôi tại các trang trại. Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra và bắt buộc các chủ nuôi gấu phải đăng ký quản lý, đồng thời gắn chíp cho 4.300 cá thể gấu để theo dõi. Những cá thể gấu không được gắn chíp sẽ bị tịch thu và chủ nuôi gấu cũng bị xử phạt nghiêm minh. Nhờ đó tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật đã giảm đáng kể, mặt khác ngăn chặn sự phát sinh gấu mới ở các trang trại. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến đầu năm 2015, chỉ còn khoảng 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước, giảm 72% so với số liệu năm 2005.

   Cùng với Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã chủ động đồng hành cùng Chương trình nỗ lực chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu, nhờ đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo tồn loài gấu đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Các trung tâm cứu hộ (TTCH) và khu bảo tồn đã được xây dựng và phát triển để tiếp nhận những cá thể gấu được chuyển giao từ các trang trại. Bao gồm TTCH Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia (VQG) Tam Đảo; TTCH Sóc Sơn; TTCH VQG Cát Tiên được hỗ trợ bởi Tổ chức Free the Bears và một cơ sở đang triển khai tại Ninh Bình, do Tổ chức Four Paws Intenational tài trợ.

   Đồng thời, để góp phần hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép, ngăn chặn tình trạng tiếp tục đưa gấu hoang dã vào các trang trại, năm 2009, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tiến hành khảo sát “Phân tích sự thay đổi với việc sử dụng mật gấu Việt Nam” trên phạm vi 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Với 2 giai đoạn triển khai, giai đoạn1(từ 2009 - 2011), giai đoạn 2 (từ 2011-2014). Triển khai lần 1, trong tổng số 3.000 người được hỏi, có tới 60,9% số người thừa nhận đang sử dụng mật gấu. Bởi họ cho rằng mật gấu là loại “thần dược” có thể điều trị được nhiều loại bệnh. Bao gồm bong gân, bầm tím, đau nhức, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa và chữa trị được cả bệnh ung thư.

   Năm 2014, ENV tiến hành khảo sát lần 2, kết quả cho thấy , 73% đối tượng từng sử dụng mật gấu đã không còn sử dụng mật gấu trong 2 năm trở lại đây, giảm 61% so với khảo sát năm 2009. Theo khảo sát, tỷ lệ nam giới sử dụng mật gấu tại Việt Nam giờ đây thấp hơn so với tỷ lệ nữ giới (24% và 27,8%). Điều này ngược với khảo sát vào năm 2009. Khi đó, tỷ lệ nam giới sử dụng mật gấu là 63,9% và nữ giới là 57,8%.

   Như vậy, nhu cầu sử dụng mật gấu đã giảm mạnh, 50% các đối tượng khảo sát cho biết, họ đã được tiếp cận với phương tiện truyền thông nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, với 85% người xem tiếp cận qua truyền hình, 15% qua internet và các phương tiện khác… Qua kết quả khảo sát này, ENV đã tích cực triển khai các thông điệp truyền thông cũng như tổ chức các buổi tiếp cận các trang trại nuôi nhốt gấu để lên án các hành vi nuôi nhốt trái phép, với 30 phim ngắn được phát trên internet, truyền hình và in các quảng cáo, pano, áp phích dán tại các cơ quan công sở, trường học nhằm tuyên truyền bảo vệ gấu.

   Bên cạnh đó, từ năm 2008, ENV đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát tại 6 trại gấu lớn ở khu vực vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và ghi nhận nhiều xe bus đưa và đón du khách du lịch hàng ngày, chủ yếu là du khách Hàn Quốc đến thăm các trại gấu. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2013, ENV ghi nhận ít nhất 43 lượt xe đưa khách du lịch vào hai trang trại gấu lớn: Trường Thịnh 1 và Nông Trang (Khu Đồn Điền, Phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long). ENV đã kiến nghị các cơ quan chức năng đóng cửa các trại gấu này, tháng 5/2014, với sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Ninh, toàn bộ các trang trại nuôi gấu hút mật phục vụ khách du lịch tại Hạ Long đã bị đóng cửa hoàn toàn.

   Đánh giá lại 10 năm một chặng đường chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam (2005-2015), bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV nhận định: “Sau 10 năm nỗ lực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, khối doanh nghiệp, báo chí, những người nổi tiếng và cả cộng đồng. Trung tâm đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giải quyết một vấn đề mang tính cấp thiết của xã hội, đang là mối đe dọa tới đa dạng sinh học của nước nhà. Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể tuyên bố thành công vì hiện nay khoảng 1.250 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trong các trang trại trên cả nước. Chỉ khi nạn nuôi nhốt gấu được chấm dứt hoàn toàn thì các quần thể gấu trong tự nhiên mới có cơ hội được phục hồi”.

   Hưởng ứng “Ngày Gấu Việt Nam” ngày 7/5 năm nay các tình nguyện viên tích cực trong mạng lưới 5.000 tình nguyện viên bảo vệ động vật hoang dã của ENV, đã đồng loạt tổ chức các sự kiện với chủ đề “Chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu” tại 15 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, mục đích nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ gấu. Các triển lãm mang chủ đề này đồng thời diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh... thu hút được hàng vạn lượt người đến xem.

   Để tiếp tục bảo vệ loài gấu, ENV đề xuất cần tiếp tục thực hiện một chiến dịch nâng cao nhận thức lâu dài bảo vệ gấu, nhằm thay đổi niềm tin về sự kỳ diệu của mật gấu, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các giải pháp thay thế mật gấu (cả thảo dược lẫn tây y).

   Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi pháp luật để từng bước chấm dứt nạn nuôi nhốt sử dụng mật gấu. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra các trại gấu để đảm bảo không có gấu mới nhập vào các trang trại này. Tất cả các cá thể gấu bất hợp pháp và không đăng ký cần được tịch thu, chủ sở hữu phải bị xử phạt thích đáng.

   Ngoài ra, các nhà chuyên môn cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá về tầm quan trọng của các quần thể gấu trong tự nhiên, từ đó đề ra các nỗ lực hồi phục và bảo tồn thích hợp.

Nguyễn Hà

Tổng cục Lâm nghiệp

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

Ý kiến của bạn