Banner trang chủ

Trúc đen, nguồn gen quý cần bảo tồn

22/06/2015

   Tre, nứa là tên gọi chung của một nhóm các loài (trong đó có trúc đen) thuộc phân họ Tre (Bambusoideae) của họ Hòa Thảo (Poaceae). Việt Nam hiện có tới 126 loài tre, nứa khác nhau, chiếm 1/4 số loài tre, nứa toàn thế giới, với nhiều loài gặp cả trong tự nhiên và trồng trọt nhưng cũng có loài chỉ gặp trong trồng trọt, ví dụ như cây dùng phấn, còn gọi là tre phấn, dùng hoặc mạy dùng (tiếng Tày Lạng Sơn). Đây là loài tre đặc hữu của miền Nam Trung Quốc, phân bố nhiều ở các tỉnh Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và Quảng Tây, được nhập trồng vào miền Bắc Việt Nam từ lâu.

   Trải qua nhiều thế hệ, tre, nứa đã gắn liền với cuộc sống của người dân Việt Nam từ đồng bằng đến trung du, miền núi. Người ta có thể sử dụng tre lứa để làm hàng thủ công, mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, nguyên liệu giấy sợi, thực phẩm (măng tươi, măng khô)... Trong ngành sản xuất giấy của Việt Nam, 30% nguyên liệu có nguồn gốc từ tre, nứa.

   Hiện nay, măng là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Tre, trúc cũng là nguyên liệu để sản xuất một số nhạc cụ mang đậm nét dân tộc như: sáo trúc, khèn, đàn tơ rưng...

   Đặc biệt, nhiều loài tre, nứa còn được dùng làm cây cảnh nhờ hình dáng đẹp, lạ mắt, độc đáo, chỉ nghe tên gọi cũng đã cho thấy sự hấp dẫn như: trúc hóa rồng, trúc bụng phật hoặc trúc đùi gà... Trúc hóa rồng có thân màu vàng đậm, đốt chỗ thưa, chỗ mau, gốc trồi lên mặt đất, uốn cong với bộ rễ dày và xoăn giống như đầu rồng.

   Không phải ngẫu nhiên mà vua Trần Nhân Tông lấy tên trúc lâm đặt cho phái Thiền do ông sáng lập. Những ai đã một lần đặt chân lên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh) chắc chắn sẽ cảm nhận được sinh lực dẻo dai, dáng vẻ thanh bạch của rừng trúc nơi đây.

   Cho đến nay, ở Việt Nam đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nhóm tre, nứa thuộc các lĩnh vực như: phân loại học, sinh thái học, giá trị sử dụng... nhưng chắc chắn sự hiểu biết về nhóm cây quan trọng này chưa thể nói là đã đầy đủ. Ví dụ cây trúc đen là một trong số những loài tre, nứa ít được biết đến.

   Trúc đen còn được gọi là trúc tím, tử trúc hay hời chín seo (theo tiếng Hán), tên khoa học là Phyllostachys nigra. Theo Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục thực vật Việt Nam (tập III, 2005) thì trúc đen chỉ có ở Hà Giang (Đồng Văn, Quảng Dí Ngài) và Nam Bộ.

   Gần đây, đã phát hiện được trúc đen tại Sa Pa (Lào Cai) phân bố ở hai xã Bản Khoang và Tả Van thuộc vùng đệm vườn Quốc gia Hoàng Liên, ở độ cao từ 1.300 m trở lên, ở gần khe suối, nơi có độ ẩm cao.

 

Thân và lá cây trúc đen

 

   Trúc đen có tác dụng: làm thực phẩm (măng tươi, măng khô), thuốc (thân và lá), nhưng chức năng quan trọng nhất là làm cảnh và hàng mỹ nghệ.

   Trong số hơn 100 loài tre, nứa của Việt Nam, tính độc đáo của trúc đen chính là màu sắc của thân cây. Cây non thân có màu tím đen, xanh lục nhạt hoặc vàng nâu. Cây trưởng thành thì toàn bộ thân có màu tím đến tím đen, bóng, với chiều cao khoảng 6 - 7 m, đường kính thân từ 2 - 4 cm. Thân trúc đen sau khi khô vẫn giữ được màu đen bóng nên được dùng làm hàng mỹ nghệ, bàn ghế.

   Theo người dân Bản Khoang và Tả Van, măng trúc đen ngon hơn măng mai, măng nứa, măng giang... Thân và lá trúc đen có thể kết hợp với một số cây rừng khác dùng làm thuốc chữa bệnh phong thấp, hậu sản. Đây là bài thuốc của đồng bào Mông, được lưu giữ nghiêm ngặt theo dòng tộc.

   Trúc đen ra măng vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Mặc dù có khu phân bố rộng, nhưng diện tích ở các điểm phân bố thường không lớn, số lượng cá thể tương đối ít, đặc biệt khi khai thác, người dân có thói quen lấy toàn bộ măng dẫn đến diện tích ngày càng thu hẹp, thậm chí là đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

   Hiện nay, trúc đen đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007), nhằm bảo tồn nguồn gen quý. Tuy nhiên, công tác này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của cộng đồng. Vì vậy, nâng cao đời sống người dân để giảm áp lực vào việc khai thác măng, thân và lá trúc đen quá mức là biện pháp bảo tồn, phát triển bền vững giống cây này

TS. Lê Trần Chấn

CN. Nguyễn Hữu Thắng

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

 

Ý kiến của bạn