Banner trang chủ

Tham vấn cộng đồng trong tiến trình thực hiện Luật Lâm nghiệp ở miền Trung

02/03/2015

     Kế hoạch hành động “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ - FLEGT” hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ, đặc biệt là tại Đông Nam Á, châu Phi, Bắc Á và châu Âu.

     Ở Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã và đang tham gia vào tiến trình đàm phán song phương với Liên minh châu Âu (EU) để ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/FLEGT). Hiệp định này dự kiến được ký kết và triển khai trong năm 2015.

     Hiệp định VPA/FLEGT đề cập đến tính hợp pháp của gỗ, đảm bảo gỗ nhập khẩu sang thị trường châu Âu phải được truy suất nguồn gốc để chứng minh là gỗ hợp pháp, hay phải được cấp chứng chỉ FLEGT (chứng chỉ gỗ hợp pháp). Yêu cầu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người trồng rừng, hay cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, cũng như các doanh nghiệp/cơ sở chế biến gỗ khi tham gia vào tiến trình thực hiện VPA/FLEGT.

     Trong tiến trình đàm phán và triển khai Hiệp định VPA/FLEGT, EU rất coi trọng vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội địa phương trong các hoạt động giám sát, thực hiện Hiệp định và cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách. Bởi thông qua các hoạt động tham vấn sẽ giúp thu thập thông tin từ cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, các cơ sở chế biến gỗ và cơ quan chính quyền ở các địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS). Đồng thời, cũng tìm hiểu những khó khăn trong việc hoàn thiện các thủ tục chứng từ theo yêu cầu của tiến trình VPA/FLEGT của người dân địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ.

     Thông qua tham vấn, cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng cũng nhận thức được tác hại của việc khai thác gỗ trái phép và lợi ích từ quản trị rừng hiệu quả, khuyến khích sự tham gia của họ vào tiến trình giám sát. Qua đó, tạo ra tiếng nói chung giữa các bên liên quan chia sẻ thông tin trong việc quản trị rừng, khai thác và kinh doanh gỗ (giải trình minh bạch các thủ tục chứng từ liên quan đến chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác và sử dụng là gỗ hợp pháp).

     Quy trình và các hoạt động tham vấn tại một số địa phương

    Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, với sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường sự tham gia của Mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ở khu vực miền Trung trong tiến trình đàm phán và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT” (viết tắt là Dự án FLEGT) được tài trợ bởi EU và Tổ chức ICCO (Hà Lan) đã thực hiện các hoạt động tham vấn dưới nhiều hình thức khác nhau từ tháng 6 - 10/2014, bao gồm: Tổ chức các hội thảo bàn tròn nhằm cung cấp thông tin về tiến trình VPA/FLEGT cho các bên liên quan để từ đó xác định mối quan tâm của họ; Thực hiện nghiên cứu hành động khai thác gỗ trái phép và tác động của nó đến sinh kế và cộng đồng địa phương; Tiến hành tham vấn cộng đồng địa phương (người dân địa phương, các doanh nghiệp sản xuất lâm nghiệp, cơ quan quản lý lâm nghiệp địa phương, các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp) thông qua các hội thảo ở cấp xã, huyện, tỉnh và quốc gia.

     Các bước tham vấn được cụ thể hóa trong sơ đồ sau:

 

Tiến trình tham vấn cộng đồng các cấp

 

     Những kết quả tham vấn

     Tiến trình tham vấn cộng đồng đã cung cấp các thông tin và đề xuất cụ thể về: Hiện trạng khai thác gỗ trái phép, thực trạng công tác thực thi Luật Lâm nghiệp và mức độ phụ thuộc vào tài nguyên rừng của các cộng đồng nghèo khu vực miền núi. Những tác động, ảnh hưởng về sinh kế của các đối tượng này khi thực hiện VPA/FLEGT. Các đề xuất nâng cao năng lực quản lý; Những tác động, trực tiếp cũng như tiềm ẩn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương ở các cấp độ: hộ gia đình, cộng đồng, cơ sở sản xuất nhỏ, doanh nghiệp tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, khai thác, kinh doanh, chế biến gỗ); Những khó khăn, thách thức cho các bên liên quan khi tham gia vào tiến trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT; Những hạn chế của người dân và các bên liên quan về mặt tiếp cận thông tin liên quan đến Hiệp định này nói riêng và Luật Lâm nghiệp nói chung; Khả năng, năng lực và mức độ tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội địa phương trong các hoạt động của tiến trình VPA/FLEGT.

 

Hội thảo tham vấn cộng đồng về bảo vệ rừng

 

     Ngoài ra, khi thực hiện các hoạt động tham vấn cũng giúp cung cấp thông tin và là cơ sở để các cơ quan quản lý, các tổ chức hỗ trợ thực hiện hoạch định cho những công việc quan trọng tiếp theo như: Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan về tiến trình VPA/FLEGT cũng như giúp họ có những chuẩn bị phù hợp để hạn chế được những rủi ro và tận dụng các cơ hội do VPA/FLEGT mang lại; Xác định các nhu cầu nâng cao nhận thức, nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực của các bên liên quan về tiến trình VPA/FLEGT; Xác định các nhóm giải pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng tham gia vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, khai thác, kinh doanh, chế biến gỗ); Thiết kế các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong tiến trình VPA/FLEGT, nội dung được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng; Xây dựng các chiến lược truyền thông, đặc biệt là thích hợp với cộng đồng người dân địa phương sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng và đất rừng; Xây dựng các mô hình quản lý rừng hiệu quả, làm cơ sở cho việc phát triển sinh kế của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và đất rừng; Xây dựng mạng lưới các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng để chia sẻ thông tin về quản trị rừng hiệu quả. Tạo môi trường học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ rừng và nâng cao hiệu suất của hoạt động quản trị tài nguyên rừng.

     Bên cạnh đó, Dự án cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho các bên liên quan và trong quá trình bổ sung, điều chỉnh chính sách.

     Các khuyến nghị/đề xuất dành cho 2 đối tượng nhóm cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và các cơ sở chế biến gỗ, để họ có thể tự nâng cao năng lực của mình, thích ứng tốt hơn với tiến trình VPA/FLEGT.

     Đề xuất các góp ý nhằm bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách trong hoạt động quản lý lâm nghiệp cũng như phục vụ cho tiến trình đàm phán giữa Tổng cục Lâm nghiệp và EU. Cụ thể là: Về mặt chính sách, điều chỉnh cơ chế chính sách trong ngành lâm nghiệp, như gắn lợi ích của người dân trong việc giao đất giao rừng, hoàn thiện hệ thống giấy chứng nhận sử dụng đất, định hướng cải thiện sinh kế cho người dân…, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và cơ sở chế biến gỗ khi tham gia vào tiến trình. Đề xuất các góp ý nhằm hoàn thiện định nghĩa gỗ hợp pháp (LD) và hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) và để Tổng cục Lâm nghiệp có các điều chỉnh, bổ sung phù hợp trong tiến trình đàm phán với EU.

     Có thể nói, tham vấn cộng đồng là một công cụ giúp tìm hiểu thông tin và đánh giá tác động của tiến trình VPA/FLEGT đối với cộng đồng. Đồng thời, thông qua các kết quả tham vấn là cơ sở giúp thiết kế các chương trình nâng cao năng lực, nhận thức và xác định hệ thống các giải pháp cho vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại các địa phương bằng chính năng lực và đóng góp của cộng đồng.

     Ngoài ra, việc tham vấn cũng là một kênh thông tin để đưa chính sách đến với người dân địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp. Tham vấn tạo cơ hội để người dân đóng góp thông tin thực tế, giúp xây dựng các đề xuất và đưa ra các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ cho cộng đồng và các bên liên quan chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp trong tiến trình VPA/FLEGT. Tuy nhiên, việc áp dụng công cụ này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo, thiết kế kỹ càng, minh bạch về thông tin và sự tham gia tích cực của các bên liên quan.

 

Trần Nam Thắng, Trương Sỹ Hoài Nhân

Luật Lâm nghiệp và vai trò của tham vấn cộng đồng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

 

Ý kiến của bạn