Banner trang chủ

Tăng cường vai trò của quân đội trong ứng phó với biến đổi khí hậu

04/12/2014

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) là quá trình đang và sẽ tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu, có ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2011 Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ứng phó với BĐKH. Đến nay, đã thu được những kết quả nhất định, xây dựng được cơ sở khoa học, cơ sở số liệu quan trọng phục vụ cho nhu cầu phát triển trung hạn, dài hạn của đất nước ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy vậy, việc ứng phó với BĐKH còn bị động, lúng túng, thiếu hiệu quả.

     Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích những hạn chế, tồn tại, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của lực lượng quân đội trong chủ động ứng phó với BĐKH.

     Chủ động ứng phó với BĐKH

     Bộ Quốc phòng, đã tích cực thực hiện Chương trình, Chiến lược quốc gia về BĐKH liên tục và ngay từ đầu. Cho đến nay, đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Quốc phòng ứng phó với BĐKH; nhiều đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai nội dung nghiên cứu, đánh giá tổng thể ảnh hưởng của BĐKH đối với địa bàn, lĩnh vực đơn vị quản lý; Xây dựng và đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu; Thực hiện những nội dung nghiên cứu chuyên sâu như nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi nhiệt độ đối với các công trình quan trọng (kho tàng, công trình khu vực phòng thủ), sự tác động của nước biển, sóng biển và thủy triều đối với các khu vực quân sự, công trình quân sự vùng ven biển; Triển khai nghiên cứu tác động của BĐKH đến một số mô hình xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh - nội dung quốc phòng - an ninh có ý nghĩa chiến lược của Quốc gia và của các địa phương, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt.

     Tuy đã đạt được những kết quả cơ bản, song vẫn còn nhiều hạn chế, cần khắc phục kịp thời, đó là: Chưa chủ động để ứng phó với BĐKH; chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; một bộ phận không nhỏ chính quyền và người dân chưa hiểu đúng bản chất những tác động hiện hữu của BĐKH, chưa nhận thức đúng nguy cơ tiềm tàng của BĐKH đối với sự phát triển của đất nước nói chung, của các Bộ, ngành, địa phương nói riêng.

 

Lực lượng vũ trang tham gia làm sạch môi trường, giảm thiểu BĐKH

 

     Một số nội dung thực hiện chưa đồng bộ, chưa bám sát với hoạt động thực tiễn và tính đặc thù của các hoạt động ngành, hoạt động của đơn vị; Vấn đề tích hợp BĐKH vào chương trình, kế hoạch, quy hoạch còn ít được quan tâm; Thiếu giải pháp cụ thể, kể cả giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài.

     Giải pháp tăng cường vai trò của Quân đội trong ứng phó với BĐKH

     Quan điểm, mục tiêu chung

     Lực lượng quân đội là bộ phận của xã hội, đóng quân và hoạt động rộng khắp nên là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng của BĐKH, nước biển dâng (NBD). Đây cũng là lực lượng tham gia tích cực vào công tác khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT. Theo đó, cần xác định, chủ động ứng phó với BĐKH có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình xây dựng quân đội, đặc biệt là trong quá trình chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Cần phát huy sức mạnh toàn quân để giảm thiểu những tác động tiêu cực của các yếu tố khí hậu, các yếu tố môi trường bất lợi đối với sức khoẻ bộ đội, vũ khí trang bị kỹ thuật, công trình và các loại hình hoạt động trên từng vùng, miền, vùng biển khác nhau của đất nước; tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình quốc gia trong ứng phó BĐKH, khai thác tài nguyên và BVMT.

      Các nhóm giải pháp

     Tuyên truyền, giáo dục: Tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động trong ứng phó với BĐKH cho lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Đa dạng hóa hình thức, nội dung; lồng ghép các nội dung về BĐKH, BVMT với các loại hình hoạt động của Quân đội, đặc biệt là hoạt động tại đơn vị. Hình thành ý thức chủ động, ý thức và trách nhiệm trong mỗi cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, làm cơ sở xác định nội dung, đầu việc trong các hoạt động thực tiễn. Tích cực tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm; tăng cường năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ trong quản lý tài nguyên, quản lý môi trường và quản lý các nhiệm vụ liên quan đến ứng phó với BĐKH.

     Khoa học - công nghệ: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó BĐKH, BVMT. Nâng cao vai trò của các viện, trung tâm nghiên cứu trong toàn quân; tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học với các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp giải quyết vấn đề.

     Chú ý thực hiện sớm, thực hiện trước những nhiệm vụ liên quan đến ứng phó với BĐKH và BVMT tại các khu vực có hoạt động quân sự với cường độ cao, tại các khu vực đã, đang và sẽ triển khai các hoạt động, xây dựng các công trình, các khu vực nhạy cảm, trong đó đặc biệt lưu ý tới vùng đồng bằng ven biển, vùng thấp trũng và khu vực có nguy cơ gia tăng giữa 2 thái cực: lũ lụt và hạn hán.

     Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp và khai thác có hiệu quả trong thích ứng, giảm thiểu tác động của BĐKH, NBD. Trong đó, chú trọng dữ liệu và thông tin về khí hậu, thuỷ văn, hải văn, địa hình, thực vật và các hoạt động có quy mô lớn của con người.

     Đánh giá, nhận diện yếu tố tác động, đối tượng bị ảnh hưởng: Đánh giá đầy đủ và chính xác nhất những nguy cơ tiềm tàng của BĐKH, nhận diện, phân loại các yếu tố tác động theo quy mô và mức độ ảnh hưởng; xác định đối tượng chịu tác động, chịu ảnh hưởng tiêu cực, đánh giá theo mức độ dễ bị tổn thương và khả năng thích ứng của đối tượng; phân chia loại hình hoạt động quân sự quốc phòng, kinh tế quốc phòng theo vùng địa lý.

     Trong quá trình đánh giá, triển khai, xếp loại yếu tố, nhóm tố theo sự biến đổi mạnh - yếu; khả năng dễ bị tổn thương nhiều - ít, làm cơ ở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng giải pháp khả thi.

     Lựa chọn tính khả thi và trình tự ưu tiên: Tăng cường tính chủ động, sáng tạo, phát huy nguồn lực tại chỗ theo phương châm 4 tại chỗ; phối hợp có hiệu quả giữa lực lượng quân đội, công an, thanh niên và các lực lượng khác tại địa phương trong thực hiện ứng phó với BĐKH, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả của tai biến thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, sạt lở đất…

     Xác định các nhóm giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài; các nhóm giải pháp công trình, phi công trình để thích ứng, giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH. Xem quy hoạch như giải pháp ưu tiên bậc nhất trong xây dựng, bố trí công trình, đặc biệt là những công trình có quy mô lớn, có tầm quan trọng đặc biệt và có hướng sử dụng lâu dài, giảm gánh nặng lên nền kinh tế khi phải chi ra khoản tiền lớn xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhiều công trình quốc phòng.

     Xây dựng nguồn lực: Huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang trong ứng phó với BĐKH: lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an, bộ đội biên phòng. Đa dạng hoá nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng, ngân sách địa phương, vốn của đơn vị và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

     Xây dựng hệ thống quản lý, tổ chức thực hiện từ Bộ Quốc phòng xuống các đơn vị, trong đó có lực lượng nghiên cứu khoa học - công nghệ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong và ngoài quân đội.

     Phân công, phân nhiệm và hợp tác trong ứng phó: Phân công, phân nhiệm và phân kỳ các hành động ứng phó; chủ động cập nhật kịch bản BĐKH quốc gia, các chương trình của Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương; tích hợp kết quả nghiên cứu, kết quả điều tra vào chương trình, kế hoạch hành động của Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan, đơn vị .

     Để tăng cường vai trò của mình, ngoài việc tiếp tục triển khai tốt Kế hoạch hành động của Bộ về ứng phó với BĐKH, lực lượng quân đội cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ, Trung ương Đảng những giải pháp tổng thể, chi tiết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH đối với các hoạt động quân sự quốc phòng, kinh tế quốc phòng trên phạm vi cả nước. Tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị ngoài quân đội, với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là những nước có chung biên giới trên bộ, trên biển nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ ứng phó BĐKH.

     Kết luận

     Những năm qua, Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội đã tham gia tích cực, thường xuyên và có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chiến lược Quốc gia về BĐKH; đã có những kết quả cơ bản, quan trọng trong ứng phó với BĐKH, song, vẫn còn có những hạn chế nhất định trong quá trình triển khai ứng phó, đó là: Một số nội dung thực hiện chưa đồng bộ, đôi khi chưa bám sát thực tiễn và tính đặc thù của đơn vị; vấn đề tích hợp BĐKH vào các hoạt động của quân đội còn hạn chế, thiếu giải pháp cụ thể.

     Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả và hạn chế cùng các nguyên nhân, đã xây dựng và đề xuất được 6 nhóm giải pháp tăng cường vai trò của Quân đội trong việc thực hiện nhiệm vụ ứng phó với BĐKH mà Đảng và Nhà nước giao. Trong số đó, đáng lưu ý là giải pháp giáo dục - tuyên truyền, khoa học - công nghệ và xây dựng nguồn nhân lực.

 

TS.Nguyễn Đăng Hội

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

Ý kiến của bạn