Banner trang chủ

Quảng Trị - Thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường

14/10/2013

Ông Lương Trung Thông

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị

Thực hiện Chương trình “Toàn dân tham gia BVMT” của  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN), Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Quảng Trị đã  xây dựng và nhân rộng mô hình điểm khu dân cư (KDC) thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và BVMT” lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư (KDC)” từ năm 2008 đến nay, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong công tác BVMT. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lương Trung Thông - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết đôi nét kết quả triển khai Chương trình xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình điểm KDC thực hiện XĐGN và BVMT?

Ông Lương Trung Thông: Quảng Trị là một trong 10 tỉnh được UBTƯMTTQVN chọn để xây dựng mô hình điểm “KDC thực hiện hài hòa giữa xoá đói giảm nghèo và BVMT . Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế môi trường của địa phương, hàng năm Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã có Kế hoạch hướng dẫn UBMT các cấp về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ BVMT, coi trọng công tác thông tin tuyên truyền và vận động để thay đổi nhận thức và thói quen của các tầng lớp nhân dân, trước hết là các thành viên, các đối tượng do Mặt trận trực tiếp vận động và mỗi người dân ở cộng đồng KDC. Thông qua việc tập huấn triển khai thực hiện các Nghị quyết, các văn bản của Đảng, Nhà nước đến UBMT các cấp trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, ý thức hành động cụ thể tham gia BVMT.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền về nội dung BVMT được chú trọng duy trì thường xuyên, đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6 hàng năm, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Sở TN&MT tổ chức lễ phát động và làm vệ sinh môi trường trên địa bàn KDC.

Hướng dẫn Mặt trận cơ sở, thường xuyên thu thập ý kiến nhân dân, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý những tồn tại, vướng mắc phát sinh trên lĩnh vực BVMT, tập hợp sức mạnh cộng đồng trong thực thi chính sách, pháp luật BVMT. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động của môi trường với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) có liên quan đến cộng đồng khu dân cư. Vận động các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp các loại thuế, phí, quỹ môi trường theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở KDC” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lồng ghép công tác BVMT với các cuộc vận động về phát triển bền vững nhằm góp phần động viên, nhân rộng điển hình, mô hình về BVMT. Tuyên truyền cho người dân có ý thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên.

Qua 6 năm thực hiện xây dựng mô hình điểm, Ban Chỉ đạo đã phối hợp lồng ghép nhiệm vụ phát triển kinh tế,  xóa đói giảm nghèo với BVMT nhằm gắn công tác BVMT với phát triển bền vững. Tính đến nay, đã có 8 lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình điểm cho cán bộ môi trường cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở các KDC thuộc tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng, TP. Đông Hà. Từ hai KDC được chọn xây dựng mô hình điểm ban đầu (năm 2008), đến nay đã nhân rộng được 139 KDC tại 2 huyện Triệu Phong và TP. Đông Hà thực hiện hài hòa XĐGN và BVMT.

Ban Chỉ đạo đã vận động một số hộ nghèo nhận ruộng để canh tác, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, vươn lên để thoát nghèo. Một số mô hình nuôi cá xen với trồng lúa, phát triển chăn nuôi lợn kết hợp với trồng màu, cho thu nhập cao. Ngoài ra, các cơ sở tín dụng trên địa bàn cho các hộ vay vốn xóa đói, giảm nghèo, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Việc giữ gìn, BVMT bền vững gắn với việc thực hiện có hiệu quả chương trình XĐGN đã tạo ra sự phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và nâng cao ý thức BVMT đối với bà con nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ việc nâng cao nhận thức, người dân ở các mô hình đã dần thay đổi hành vi: có ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, sử dụng nguồn nước sạch, xây các bể chứa nước, nhà tắm, công trình vệ sinh của hộ gia đình hợp lý; nước thải, rác thải được thu gom và xử lý đảm bảo đúng quy định.

 Các hoạt động tự quản về BVMT tại các KDC từng bước đi vào nền nếp, qua kiểm tra, các hộ gia đình đã thực hiện việc tập trung rác thải để tiêu hủy, xử lý được rác thải rắn đưa ra bãi rác tập trung của KDC, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. Từ đó tạo dựng thói quen, nếp sống vệ sinh sạch sẽ; trách nhiệm gắn với quyền lợi thiết thân của người dân với cộng đồng. Đây là cơ sở cho việc duy trì có nề nếp, thường xuyên trong công tác  BVMT ở địa bàn các khu dân cư.

PV: Bài học kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình triển khai Chương trình là gì, thưa ông?

Ông Lương Trung Thông: Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và thói quen BVMT của người dân.

Hai là, chú trọng việc làm chuyển biến nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân; đồng thời phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tính tự quản của cộng đồng dân cư.

Ba là, đưa nội dung bảo vệ môi trường thành một tiêu chí gắn với việc bình xét công nhận các danh hiệu thi đua hàng năm đối với danh hiệu gia đình văn hoá và cộng đồng dân cư văn hoá.

Bốn là, thường xuyên cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ ở địa bàn dân cư; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tiến hành sơ, tổng kết để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo.

 

Các KDC của TP. Đông Hà (Quảng Trị) luôn đạt tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp

 

PV: Ông có thể cho biết phương hướng nhân rộng mô hình điểm BVMT của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Lương Trung Thông: Để tiếp tục thực hiện tốt mô hình điểm "KDC thực hiện hài hòa giữa XĐGN và BVMT" trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Quảng Trị tập trung vào những nội dung chính sau:

Ban Chủ nhiệm chương trình từ tỉnh đến KDC thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các nội dung xây dựng mô hình điểm ở các KDC để nhân ra diện rộng.

Duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát về BVMT ở các KDC xây dựng mô hình điểm, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới hàng năm.

Tiếp tục thành lập các tổ tự quản BVMT và tổ chức hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu 100% hộ gia đình nộp đủ các loại phí BVMT theo quy định; tự nguyện tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở tổ dân phố và thôn xóm; giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trong KDC.

     Vận động nhân dân phát triển kinh tế, XĐGN và nâng cao ý thức BVMT, làm cho mọi người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, đấu tranh khắc phục các tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt xâm hại đến môi trường, sức khỏe.

   Bổ sung nội dung BVMT vào hương ước, quy ước xây dựng KDC văn hóa, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Chú trọng khâu tự kiểm tra, kịp thời biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong phong trào XĐGN và BVMT. Hàng năm, tổ chức sơ, tổng kết và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 8/2013

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn