Banner trang chủ

Phát triển du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long

16/12/2019

     Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một châu thổ lớn hàng thứ ba được hình thành bởi dòng sông có lưu lượng đứng hàng thứ mười trên thế giới, đó là dòng Mê Kông huyền thoại. “Thế giới sông nước Mê Kông” là sự thể hiện ngắn gọn những giá trị cốt lõi của Du lịch ĐBSCL với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông - Tây Nam là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, văn hóa độc đáo, giàu bản sắc thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị. “Thế giới sông nước Mê Kông” là một biểu hiện cụ thể của du lịch xanh ở ĐBSCL.

     Liên kết xây dựng phát triển sản phẩm du lịch xanh ĐBSCL

     ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có thể khai thác nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống... đến du lịch biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng Mê Kông.

     Để tổ chức tốt không gian du lịch vùng, phát huy thế mạnh của từng cụm, việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phân vùng sinh thái, văn hóa sẽ là yếu tố quyết định. Xét trên yếu tố tự nhiên và đặc thù văn hóa, xã hội, không gian du lịch ĐBSCL có thể chia thành 4 cụm: cụm trung tâm gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam tổ quốc, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với dân tộc Khmer. Cụm duyên hải phía Đông gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh với sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái rừng đặc dụng ngập nước nội địa. Trên cơ sở đó, tạo ra các liên kết về không gian, về sản phẩm thành cụm, vùng, tiểu vùng sông Mê Kông hoặc liên kết giữa các nước ASEAN. Chính sự hình thành một sản phẩm du lịch đặc thù chung trên cơ sở liên kết sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, đã tạo nên một sản phẩm du lịch đặc thù mới, có bản sắc độc đáo hơn, đặc sắc hơn.

     Các tỉnh ĐBSCL cần liên kết gắn kết các sản phẩm, chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương để hình thành các chương trình tổng hợp, có nhiều hoạt động đa dạng để du khách có thể tham quan, tìm hiểu nhiều nội dung trong một chương trình du lịch tới vùng, địa phương. Điều đó sẽ giúp nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến, chất lượng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.

     Sản phẩm du lịch ở ĐBSCL

     Các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL khá đa dạng và phong phú, tuy nhiên dựa trên lợi thế so sánh của vùng, các loại hình du lịch chính của vùng bao gồm du lịch sinh thái ở các sinh cảnh hệ sinh thái đất ngập nước điển hình, du lịch sông nước gắn với du lịch làng nghề, trải nghiệm cuộc sống người dân, du lịch văn hóa gắn với lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo gắn với du lịch thể thao và du lịch gắn với cửa khẩu.

     Du lịch sinh thái

     Vùng ĐBSCL với các tài nguyên tự nhiên phong phú, có hệ sinh thái đặc thù nhiều giá trị như hệ sinh thái đất ngập nước nội địa (Đồng Tháp Mười), hệ sinh thái rừng ngập mặn (chủ yếu tại phía Tây và Nam bán đảo Cà Mau) và hệ sinh thái biển đảo (Phú Quốc). Ba khu vực này là ba khu vực có tài nguyên khác biệt, hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều thị trường khách và là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái, tạo sự phong phú và đặc thù về du lịch sinh thái của vùng. Các sản phẩm du lịch chính bao gồm: du lịch sinh thái tại các sân chim, rừng tràm ngập nước nội địa vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Láng Sen, du lịch sinh thái tại các sân chim, rừng tràm, rừng đước ngập mặn bán đảo Cà Mau, du lịch sinh thái biển đảo tại Phú Quốc.

 

Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với vùng sông nước ĐBSCL

 

     Tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên vùng ĐBSCL cần tập trung khai thác và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái như tổ chức cho khách du lịch tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh đất ngập nước nội địa tại Đồng Tháp, Long An; tổ chức các hoạt động phục vụ tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh đầm nước nội địa trên than bùn tại Kiên Giang, Cà Mau, các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh đất ngập nước ven biển tại Cà Mau, Bạc Liêu.

     Du lịch sông nước miệt vườn, du lịch cộng đồng

     Các hoạt động chính trong sản phẩm gồm tham quan miệt vườn, đi thuyền tham quan chợ nổi và các khu du lịch do người dân tự đầu tư, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức trái cây, ẩm thực, tham quan các công đoạn làm kẹo dừa, bánh tráng, nấu rượu, đan lưới. Mặc dù so sánh với các vùng còn lại trên toàn quốc cũng như với khu vực và quốc tế, đây có thể coi là sản phẩm du lịch rất đặc trưng, khác biệt và hấp dẫn, nhưng sự tổ chức lặp lại ở nhiều địa phương với điều kiện tự nhiên tương đồng, lại mang tính chất thương mại, trình diễn cao nên sản phẩm du lịch ĐBSCL bị cho là đơn điệu và nhàm chán.

     Để giúp khách du lịch trải nghiệm rõ nét các sản phẩm du lịch này thì các hoạt động du lịch cần được tổ chức chỉ tại các địa bàn này và tập trung vào các tuyến tham quan vừa đủ để trải nghiệm từ cảnh quan đến cuộc sống bản địa. Để khách có thể thưởng thức được những giá trị cảnh quan sông nước hết sức hấp dẫn của vùng ĐBSCL, cần tổ chức đi thuyền dọc kênh rạch và các nhánh sông ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, trải nghiệm cuộc sống người dân trong mùa nước nổi ở Đồng Tháp, Long An, tổ chức cho khách tham quan chợ nổi ở Cần Thơ, Tiền Giang và thưởng thức đờn ca tài tử…

     Du lịch lễ hội, tín ngưỡng

     Hàng năm khách du lịch lễ hội chiếm lượng không nhỏ trong tổng số khách tới vùng. Đặc biệt, các lễ hội như Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam An Giang, Lễ hội đua bò Bảy Núi, Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe ngo Sóc Trăng... thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

     Du lịch tìm hiểu văn hóa

     Các địa phương trong vùng ĐBSCL có nền văn hóa tương đồng, tuy nhiên chỉ tập trung đẩy mạnh phát triển những nơi có tài nguyên đặc sắc nhất, đặc trưng nhất cho vùng và có điều kiện phát triển thuận lợi nhất. Cần tập trung chính cho các sản phẩm tham quan, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, đời sống người dân trên các cồn (Hưng Phong, Tân Lộc), tham quan làng Việt cổ tại Long Tuyền Cần Thơ, tham quan tìm hiểu đời sống, truyền thống văn hóa, sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer (tại Sóc Trăng, Tịnh Biên, An Giang), đồng bào Chăm (tại Châu Đốc và Hà Tiên) gắn với dòng họ Mạc. Ngoài ra, còn sản phẩm du lịch gắn với tham quan nghiên cứu di tích khảo cổ tại thành cổ Óc Eo cũng là một sản phẩm đặc sắc của An Giang và cả vùng. Bảo tàng Khmer tại Sóc Trăng nếu được đầu tư thỏa đáng sẽ là một điểm du lịch hết sức hấp dẫn.

     Du lịch biển đảo

     ĐBSCL cũng là vùng có những sản phẩm mang tính đặc thù có giá trị trong phạm vi cấp vùng, đó là du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc, du lịch tham quan cảnh quan Hà Tiên, du lịch trải nghiệm cảnh quan sông Vàm Cỏ gắn với các điểm du lịch cuối tuần và vui chơi giải trí. Các sản phẩm này mặc dù cũng có thể có tính hấp dẫn cao nhưng lại không nằm trong thế mạnh tạo nét đặc thù cho du lịch vùng. Du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc tham gia vào hệ thống sản phẩm du lịch biển, đảo Việt Nam như một sản phẩm du lịch quan trọng tạo sức cạnh tranh cao cho du lịch biển Việt Nam nhưng lại không phải là sản phẩm đặc thù, tạo nét đặc trưng của vùng ĐBSCL.

     Đẩy mạnh phát triển du lịch xanh ĐBSCL

     Thứ nhất, phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường: Cần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và địa phương, giới thiệu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển du lịch. Tuyên truyền đến du khách, cộng đồng dân cư và cả trong cán bộ các ngành các cấp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, áp dụng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, thẩm định và gắn nhãn du lịch bền vững cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

     Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch đặc biệt là các sản phẩm mới và sản phẩm đặc thù: Liên kết giữa các vùng du lịch trọng điểm để phát triển các tuyến du lịch nhằm đa dạng sản phẩm tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Kết nối các vùng du lịch trọng điểm với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài nước phát triển các tuyến du lịch đường bộ, đường biển và hàng không. Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển du lịch.

     Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xúc tiến đầu tư, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch: Tăng cường nâng cao ý thức và văn hóa phục vụ khách du lịch của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, dịch vụ của các khu du lịch trọng điểm, tạo nên thương hiệu du lịch của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, mở rộng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, phát triển thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, mở rộng liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước, phát triển thị trường khách quốc tế qua cửa khẩu của các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước.

     Thứ tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch: tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo theo hướng gắn đào tạo với việc bố trí sử dụng và đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp du lịch.

     Thứ năm, thu hút nguồn vốn đầu tư: Xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút và tạo ra các nguồn vốn đầu tư phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch, huy động mọi nguồn vốn để giải quyết nhu cầu đầu tư. Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch.

     Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và du lịch vùng ĐBSCL nói riêng chỉ rõ, việc phát triển “du lịch xanh” có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững. Một trong ba mục tiêu của chiến lược đã xác định: “Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của phát luật về môi trường.”
 

ThS. Trần Thanh Thảo Uyên

Trường Đại học Đồng Tháp

Nhâm Hiền

Tổng cục Du lịch

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

Ý kiến của bạn