Banner trang chủ

Nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Hà Nội

25/02/2020

     Thuốc BVTV có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định, chưa đảm bảo thời gian cách ly, vứt bao gói bừa bãi sau sử dụng cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe người dân. Nhận thức được vấn đề trên, Hà Nội đã tích cực tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đúng cách. Nhờ đó, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, BVMT, tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến sản phẩm nông sản hữu cơ an toàn.

     Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Nội cho thấy, hiện nay Hà Nội có hơn 157 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, với lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn TP qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018 tương ứng là 251, 287, 316, 265 và 362 tấn. Con số này thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước (chỉ bằng 0,25 - 0,32% so với bình quân toàn quốc). Lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1ha sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện từ 1,6 - 2kg, trong khi, trung bình toàn quốc sử dụng tới 10 kg/ha, tức là gấp 5 - 6 lần của Hà Nội. Với khối lượng sử dụng như hiện nay, hàng năm, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng chi phí cho thuốc BVTV. Có nhiều địa phương sử dụng ít thuốc BVTV hoặc áp dụng sản xuất hữu cơ như các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... Đáng chú ý, tỷ lệ nông dân sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc và tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch…

 

Lắp đặt thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội

 

     Để giúp người nông dân có kỹ năng canh tác, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, Chi cục Trồng trọt & BVTV Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp học về đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên lúa, rau, hoa, quả. Nhờ vậy, đến nay, diện tích sản phẩm nông nghiệp ứng dụng SRI đạt cao (60%). Diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn đạt trên 5.000 ha, rau hữu cơ trên 50 ha. Diện tích nhiễm và mức độ hại do sâu bệnh rất thấp, hiện Hà Nội trở thành một trong những địa phương có năng suất cây trồng cao nhất vùng.

     Về công tác quản lý, thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV cũng được đẩy mạnh, các địa phương trên địa bàn TP tăng cường công tác tuyên truyền về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam, hướng dẫn nông dân cách lựa chọn và sử dụng thuốc đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, hàng năm Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Nội phối hợp với Sở TN&MT tuyên truyền cho bà con cách thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV đúng cách. Tại những vùng rau trọng điểm như xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ)… Chính quyền địa phương tiến hành điều tra, rà soát các loại thuốc BVTV đang được bà con sử dụng, hướng dẫn các quy trình ản xuất rau an toàn, đồng thời hỗ trợ bà con lắp đặt thùng thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV. Theo đó, quận Long Biên là một trong những quận trọng điểm của Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn (980 ha), trong đó, có khoảng 580 ha rau, quả được sản xuất an toàn, theo đúng quy trình cứ 2 ha lắp đặt 1 thùng thu gom vỏ thuốc BVTV. Hiện đã có 223 thùng chứa vỏ bao bì thuốc BVTV được lắp đặt. Dự kiến năm 2020, sẽ lắp đặt thêm 58 thùng chữa vỏ thuốc BVTV. Việc lắp đặt các thùng thu gom bao bì, vỏ thuốc  BVTV góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác BVMT. 

     Hà Nội hiện có 110 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BTVT, 39 doanh nghiệp phân bón, 92 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và 1.779 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Do địa bàn rộng nên tình trạng kinh doanh  thuốc BVTV kém chất lượng vẫn diễn ra trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Một số đại lý kinh doanh thuốc BVTV vì lợi nhuận đã tự ý phối trộn nhiều loại thuốc, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và gây ô nhiễm môi trường. Nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, năm 2019, Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Nội phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật với 1.174 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và chuyển hồ sơ để UBND xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 136 trường hợp; hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với các hành vi: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng... với tổng số tiền gần 140 triệu đồng.

     Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, Hà Nội cần tăng cường công tác xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân tích cực thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV; tuyên truyền tập huấn trong công tác quản lý bao bì thuốc BVTV để nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ cấp huyện/xã, trưởng các thôn/xóm, các đoàn thể, người làm công tác thu gom bao bì thuốc BVTV và toàn thể nhân dân; Nâng cao nhận thức cộng đồng để hạn chế đổ bừa bãi các loại bao bì thuốc BVTV, hạn chế việc thải bỏ rác thải sinh hoạt vào các bể chứa bao bì thuốc BVTV; nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm trong công tác quản lý bao bì thuốc BVTV.

     Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn cần hỗ trợ lắp đặt thêm các thùng chứa, khu vực lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phù hợp. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng địa phương và hướng dẫn các đơn vị này lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; hàng năm, lập kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng, phát sinh nhiều bao gói thuốc BVTV; các địa phương tổng hợp, báo cáo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý.

     Đối với công tác quản lý thuốc BVTV, các cơ quan ban ngành chức năng cần xây dựng cơ chế phối hợp quản lý, kiểm tra có hiệu quả để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực thuốc BVTV. Nhà nước cần xây dựng và ban hành các quy định xử phạt mạnh đối với các doanh nghiệp và đại lý kinh doanh thuốc BVTV vi phạm, đặc biệt xử phạt nặng những trường hợp cố tình hướng dẫn sai liều lượng, đối tượng phòng trừ, phương pháp sử dụng sai, hỗn hợp nhiều loại thuốc không đúng quy định với nhau.  Đồng thời, tập trung rà soát lại tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký và sử dụng thuốc BVTV; kiên quyết loại bỏ các loại thuốc BVTV có hiệu lực sinh học thấp, độ độc cao và có nguy cơ gây hại sức khỏe con người và môi trường; giảm các sản phẩm thuốc trừ cỏ đang chiếm tỷ trọng quá lớn hiện nay.

 

Hán Thị Ngân

 

Ý kiến của bạn