Banner trang chủ

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

16/07/2019

     Là tỉnh thuần nông, Hà Nam hiện có hơn 30 nghìn ha lúa và hàng nghìn héc-ta đồng bãi trồng cây rau màu các loại. Vì vậy, người nông dân phải dùng một lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tương đối lớn trong quá trình canh tác. Tuy nhiên, phần lớn người dân sử dụng một cách tự phát, theo phương pháp thủ công và chưa coi trọng đến vấn đề bảo hộ lao động, vệ sinh môi trường.

     Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, mỗi năm, nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 150 tấn thuốc BVTV phòng, trừ sâu, bệnh cho lúa và rau màu, cây ăn quả các loại. Trong đó có khoảng 18 đến 22,5 tấn thuốc còn sót lại trong vỏ bao bì. Trong khi người nông dân có thói quen vứt bỏ bao bì đựng thuốc tùy tiện, tồn tại từ ngày này qua ngày khác. Điều đó đã vô tình gây hại đến môi trường đồng ruộng và ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của nhân dân.

     Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc BVTV của nhiều công ty, quảng cáo, chào bán, khiến cho công tác tư vấn, khuyến cáo bà con của ngành BVTV gặp không ít khó khăn. Mặc dù ai cũng hiểu lạm dụng thuốc BVTV thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường… nhưng do tâm lý thích sản phẩm nông sản hình thức, mẫu mã đẹp của người tiêu dùng cho nên người nông dân sẵn sàng đầu tư thêm tiền, công sức để phun thuốc kích thích tăng trưởng cho vườn rau, củ quả nhanh được thu hoạch mà không cần tuân theo một quy định nào. Rõ nhất là trên các loại dưa chuột vẫn còn tình trạng sáng phun thuốc, chiều hái quả. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn người dân chỉ phun thuốc sâu hại lúa theo thông báo của cán bộ BVTV cơ sở, còn lại trên cây hoa màu đều do bà con sử dụng tự phát.

 

Phun thuốc trừ sâu ở xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, Hà Nam

 

     Trước thực trạng nêu trên, thời gian qua, nhiều địa phương tại tỉnh Hà Nam đã có các giải pháp cụ thể để giảm ô nhiễm môi trường từ vỏ thuốc BVTV. Là xã vùng ven thành phố, lại có diện tích đất bồi bãi từ nhiều năm nay, người dân xã Kim Bình (TP Phủ Lý) trồng nhiều loại rau màu cung cấp cho thành phố và các huyện lân cận. Ý thức được những tác hại trực tiếp từ vỏ bao thuốc BVTV với môi trường sống, từ năm 2016, Hợp tác xã Kim Bình được tiếp nhận dự án thu gom và xử lý vỏ thuốc BVTV do Chi cục Trồng trọt - BVTV triển khai. Theo đó, xã Kim Bình được hỗ trợ xây dựng một bể đựng và xử lý vỏ bao thuốc BVTV; tập huấn và hướng dẫn người dân xử lý đúng cách bao bì đựng thuốc. Sau khi được tập huấn, người dân đã trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về tác hại của vỏ bao đựng thuốc BVTV, cho nên có ý thức hơn đối với việc xúc sạch vỏ bao thuốc BVTV trước khi bỏ vào bể chứa. Cùng với đó, lượng vỏ bao sau khi được thu gom về bể chứa sẽ được xử lý bằng cách ngâm và rửa lại bằng nước vôi trong một thời gian nhất định trước khi trở thành rác thông thường. Từ một bể ban đầu, đến nay, xã Kim Bình đã đầu tư xây dựng được năm bể chứa vỏ bao thuốc BVTV tại các khu vực thuận tiện trên cánh đồng để người dân sử dụng, giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường đồng ruộng từ bao bì đựng thuốc BVTV. Nhận thấy tác dụng của việc xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng là rất cần thiết, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã triển khai sâu rộng đến tận địa bàn thôn xóm. Tại huyện Thanh Liêm đã đưa việc thu gom vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng là một tiêu chuẩn để đánh giá hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được khoảng 200 bể chứa vỏ bao thuốc BVTV trên đồng ruộng.

     Để làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên đồng ruộng, toàn tỉnh triển khai tổ chức tốt hoạt động của đội ngũ cán bộ BVTV cơ sở ở các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đi vào nền nếp và bảo đảm chất lượng. Vì đội ngũ cán bộ kỹ thuật có vai trò quan trọng trong việc bám sát đồng ruộng, từ đó tham mưu cho lãnh đạo địa phương các biện pháp kỹ thuật phòng trừ đạt hiệu quả cao về kỹ thuật và kinh tế tới nông dân. Chú trọng tuyên truyền người dân thực hiện đầy đủ công tác phòng trừ theo phương pháp “4 đúng”, nhất là sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng để vừa diệt trừ sâu tốt, vừa không ảnh hưởng đến cây trồng và tiết kiệm chi phí sản xuất.

 

Trần Tân (Theo Nhandan)

Ý kiến của bạn