Banner trang chủ

Mường Sang, Sơn La: Điểm sáng về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

10/05/2019

     Mường Sang là xã đầu tiên của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016. Đến nay, sau gần 3 năm, xã vẫn tiếp tục duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân về BVMT.

     Duy trì các hoạt động BVMT

     Xã Mường Sang có diện tích tự nhiên hơn 9.000 ha,  gồm 12 bản, tiểu khu, 1.497 hộ với 4 dân tộc sinh sống. Trước đây, khi chưa xây dựng NTM, công tác vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập. Đây cũng là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng NTM đối với xã vùng cao, do lượng rác thải sản xuất và sinh hoạt ở một số bản chưa được thu gom, xử lý tập trung; Việc vận động nhân dân di dời chuồng nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn còn khó thực hiện… Trước thực trạng trên, chính quyền xã Mường Sang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân về BVMT trong Chương trình xây dựng NTM; Tổ chức, hướng dẫn nhân dân vệ sinh các tuyến đường trục bản, ngõ bản, thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân chỉnh trang hàng rào, vệ sinh nhà cửa, trồng hoa ven đường. Nhờ đó, các tuyến đường trở nên sạch đẹp, ý thức của người dân về BVMT được nâng cao. Đồng thời, để tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tại các cuộc họp của UBND xã đã phân công thành viên ủy ban phụ trách từng bản, tổ chức các buổi tổng vệ sinh đường bản, tiểu khu, khơi thông cống rãnh… Đối với rác thải, xã ký hợp đồng với Công ty môi trường đô thị định kỳ thu gom và xử lý. Những hộ gia đình nằm trên các trục đường bản, ngõ xóm, xe thu gom rác của công ty không vào được thì địa phương tổ chức cho xe cơ giới thu gom đến bãi tập kết để xử lý riêng. Mỗi gia đình đều có công trình phù hợp vệ sinh. Đối với các cơ sở sản xuất và hộ chăn nuôi, cán bộ xã thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, vận động xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường;  Vận động cho các hộ sản xuất kinh doanh cam kết thực hiện tốt công tác BVMT.

 

Người dân tại bản Là Ngà 1, xã  Mường Sang chăm sóc hàng rào hoa

 

     Xã Mường Sang còn thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ cả nước chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Duy trì hoạt động của câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” tuyên truyền, vận động gia đình hội viên trồng lá dong để gói thực phẩm và sử dụng làn nhựa đi chợ; các mô hình “Tuyến đường phụ nữ tham gia tự quản đường làng, ngõ xóm”; “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”... Kết quả, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM đã có thêm nhiều con đường mới, công trình văn hóa khang trang phục vụ cộng đồng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với đó, nhờ sự huy động nhân dân cùng tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, đến nay, toàn xã đã bê tông hóa được 36,453 km đường giao thông (đạt 71,75%); kiên cố hóa 9,8 km kênh mương nội đồng (đạt 50,66%), đảm bảo đủ nước tưới cho trên 192 ha diện tích ruộng lúa của xã; 70% cơ sở vật chất các cấp trường đạt chuẩn quốc gia; 11/12 bản của xã có nhà văn hóa; 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…; các bản, tiểu khu có xe đẩy rác, điểm tập kết rác thải; Nghĩa trang được quy hoạch tập trung… Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22,12 triệu đồng/năm; Giá trị sản xuất/1 ha đất nông nghiệp đạt 42,75 triệu đồng; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 90,83%; Xã có 4 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác trồng rau, quả an toàn với trên 140 thành viên.

     Phát triển mô hình nông nghiệp xanh

     Trong những năm gần đây, xã Mường Sang đã phát huy những lợi thế điều kiện tự nhiên, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, khoa học kỹ thuật, thủy lợi, khuyến khích người dân xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây có giá trị kinh tế vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, hầu hết diện tích đất sản xuất lúa 1 vụ của xã đã được sản xuất thêm từ một đến 2 vụ rau, hoa, hoặc ngô nếp và ngô ngủ ướp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong xã đã thực hiện chuyển đổi sang trồng rau, màu trái vụ, ứng dụng hiệu quả quy trình sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn Viet Gap.

    Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của địa phương. Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa, Hội Nông dân xã Mường Sang còn thường xuyên tổ chức các đợt tổng kết, biểu dương khen thưởng những hội viên tiêu biểu, nhằm khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi trong hội viên, khuyến khích những hộ làm kinh tế giỏi nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Hiện xã có nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, trong đó phải kể đến mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình anh Vì Văn Lít, Vì Văn Hạnh, Vì Văn Thuận ở bản Nà Bó 1 với thu nhập bình quân từ 450 - 550 triệu đồng/năm; gia đình anh Đỗ Văn Nhuần, Trần Hữu Khanh ở bản An Thái với mô hình trồng cây ăn quả có múi, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm... Ngoài ra, xã Mường Sang còn chú trọng phát triển du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn như: Thác Dải Yếm, chùa Chiền Viện, vườn hoa Happy Land... Nhiều doanh nghiệp cũng đã lựa chọn Mường Sang để đầu tư phát triển kinh tế, tạo ra những điểm nhấn hấp dẫn du khách đến thăm quan. Xã xác định đây là lợi thế có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch dịch vụ.

     Thời gian tới, Mường Sang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT, xây dựng NTM; Giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM; Chỉ đạo các bản xây dựng quy ước, hương ước về BVMT, thường xuyên phát động phong trào BVMT, lồng ghép các chương trình dự án để thực hiện đồng bộ, tránh dàn trải, đầu tư không tập trung; Quản lý tốt quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu nghĩa trang. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất, phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp, cây ăn quả; Đầu tư thâm canh cải tạo vườn tạp, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Chè, dâu tằm, đồng cỏ, rau, hoa cảnh, cây ăn quả chất lượng cao. Đồng thời, phát triển trang trại, mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm, hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững.

 

Nguyễn Hào

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Đinh Thị Thanh

Trường Cao đẳng Sơn La

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn