Banner trang chủ

Làng tre Phú An - Khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh của Việt Nam

08/10/2019

     Làng tre Phú An có tên đầy đủ là Khu Bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An, thuộc xã Phú An (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), được đánh giá là có bộ sưu tập tre lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre với 300 mẫu tre, trúc, nứa, thuộc 17 giống (chiếm 90% giống tre của Việt Nam). Trong đó, có nhiều giống tre quý hiếm như mai ống, vàng sọc, ngà… Đây là Khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh đầu tiên tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Phú An đã được nhận Giải thưởng Xích đạo của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng, ứng phó với biến đổi khí hậu (năm 2010); được công nhận là thành viên của Hiệp hội các vườn thực vật nổi tiếng Pháp từ năm 2016.

     Đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tre

     Làng tre Phú An có tổng diện tích khoảng 3 ha, không gian thoáng đãng, được thiết kế thành 2 khu: Khu bảo tàng và khu nghiên cứu. Tại khu bảo tàng, tre được trồng theo đúng thổ nhưỡng và khí hậu từng loài, có giống phải trồng trên gò đất cao, bởi chúng sống ở cao nguyên; nhiều bụi lại được trồng quanh ao, đầm ngập nước, vì là loài sống ở đồng bằng. Đến khu bảo tàng làng tre An Phú, du khách sẽ thấy được sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tre và tham quan các sản phẩm độc đáo làm từ chính loài cây này, tạo nên khung cảnh miền quê Việt Nam hiền hòa và thơ mộng.

 

Làng tre Phú An với 1.500 bụi tre xanh

 

     Khu nghiên cứu dành riêng cho các chuyên gia, sinh viên để khám phá, tìm kiếm phương thức bảo tồn và phát triển giống tre. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để những người yêu thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng đến tìm hiểu về phương pháp gây giống, phát triển các loại tre thông qua hình ảnh, mô hình, phim tư liệu… Các bộ sưu tập tre được bố trí theo từng khu vực, có chỉ dẫn cụ thể như tên địa phương, tên khoa học, tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tập và bảng mô tả khoa học bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh. Đặc biệt, làng Tre Phú An đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện mô hình trồng rau an toàn và nghiên cứu, phát triển mô hình trồng nấm từ cây lục bình, vừa có thực phẩm sạch, vừa giải quyết vấn đề lục bình dày đặc trên sông, gây ô nhiễm nguồn nước.

     Hàng năm, làng tre Phú An đón tiếp gần 30.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập, nghiên cứu về công tác bảo tồn tre xanh Việt Nam. Đây cũng là nơi cung ứng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng tre, cây cảnh cho các trường học, cơ quan, doanh trại quân đội, góp phần cải thiện môi trường và tạo mảng xanh trên địa bàn huyện Bến Cát (Bình Dương).

     Người “nặng lòng” với tre

     Nói đến Phú An không thể không nhắc đến TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh - Giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - người sáng lập làng tre. Năm 1999, trong một lần TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh trở lại quê hương Phú An, người dân nơi đây nhắc nhở bà, dù làm gì, ở đâu cũng đừng quên quê nhà. Lời nhắc đó đã thôi thúc bà nảy sinh ý tưởng xây dựng một vùng sinh thái từ cây tre tại đây và từ năm 1999, Dự án xây dựng Khu bảo tồn sinh thái tre được hình thành, dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh; tiếp đó là Dự án Khu bảo tàng sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An; Chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Dương, vùng Rhône - Alpes (Pháp), Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (2003 - 2008). Đến tháng 4/2008, Dự án khánh thành, chia thành 2 Trung tâm hoạt động độc lập, bắt đầu đưa vào phục vụ hoạt động du lịch.

 

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh

 

     Mục đích của TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh khi phát triển làng tre Phú An là nghiên cứu khoa học về sưu tập, bảo tồn tre; chế tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường từ tre và nâng cao giá trị cây tre Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, vì cây tre sinh trưởng nhanh, có sinh khối lớn nên khả năng cố định các bon cao. Cùng với đó, tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho sinh viên trong và ngoài nước về bảo tồn đa dạng sinh học, BVMT thông qua Chương trình Lớp học Xanh; tạo ra nơi tham quan cho cộng đồng, giúp tăng cường truyền thông về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và BVMT.

     TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh đã lặn lội khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam để sưu tập các loại tre, nghiên cứu đặc tính của từng loại, rồi nhân giống và trồng tại Phú An, từ đó hình thành làng tre phong phú như bây giờ. Bà đã đưa những giống tre từ cao nguyên về trồng trên vùng đất đắp cao, hay một số giống ở khu vực miền Tây, rồi xây thêm dòng kênh nhân tạo, tạo khung cảnh hữu tình, thơ mộng. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đã có lúc làng tre Phú An tưởng chừng không thể vượt qua những khó khăn về tài chính, phương thức quản lý và đòi hỏi tri thức chuyên môn trong việc bảo tồn thực vật… Nhưng với quyết tâm, tình yêu dành cho cây tre và con người, TS. Diệp Mỹ Hạnh đã giúp làng tre Phú An tồn tại và phát triển. Đến nay, làng tre được đặt tên là Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trực thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).  

     Hiện tại, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh mong muốn phát triển phong trào trồng tre cảnh cho mọi gia đình trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ước tính, trung bình mỗi chậu tre cảnh đặt ở góc nhà, hay hành lang, có thể hấp thu khoảng 3 kg khí CO2. Như vậy, nếu vận động được 1 triệu người trồng tre, sẽ giảm được 3 triệu kg CO2, giải phóng 18.000 tấn oxygen. Cùng với đó, thông qua Chương trình giáo dục yêu mến thiên nhiên và kỹ năng sống, Lớp học Xanh, giới thiệu cây tre, phương pháp trồng và bảo tồn các giống tre xanh, giúp  học sinh nâng cao khả năng quan sát, yêu thiên nhiên với hình bóng cây tre quê nhà.

     Có thể thấy, tre là một loại cây rất gần gũi với con người Việt Nam, dù đi bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S, hình ảnh cây tre cũng luôn xuất hiện trong tâm thức mỗi người. Nhưng hiện nay, những lũy tre làng, những hàng tre chót vót ngả nghiêng đang mất dần tại các làng quê Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ, phát triển lại những bụi tre xanh để bảo tồn sắc thái Việt là điều rất đáng trân trọng.

 

Phạm Thị Thu Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn