Banner trang chủ

Hòa Bình quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên

11/05/2020

    Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc nước ta, có diện tích đất rừng khá lớn, với hệ động, thực vật đa dạng phong phú và nhiều loài cây thuốc có giá trị. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác gỗ rừng và săn bắn trái phép cùng tập quán canh tác nương rẫy của người dân đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Các mô hình, dự án sinh kế bền vững

    Hòa Bình có tổng diện tích rừng tư nhiên là 460.869,09 ha, với nhiều loại rừng như rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng trồng, cây bụi, cây nông nghiệp, ăn quả... Hàng năm, Hòa Bình đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 đến 8.000 ha rừng kinh tế. Hiện toàn tỉnh đã trồng được 184.000 cây phân tán, 6.300 ha rừng tập trung, vượt 7,4% kế hoạch; quản lý, bảo tồn 31.700 ha rừng đặc dụng; nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 51,2%.

    Thực hiện công tác giao đất giao rừng cho các hộ dân bảo vệ, đến nay tỉnh Hòa Bình đã giao hơn 48.771 ha cho 713 cộng đồng, đạt 100% so với kế hoạch; giao gần 104.965 ha cho 51.107 hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch. Sau khi đươc giao đất, giao rừng, cộng đồng dân cư xóm và các hộ gia đình đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Hiện tượng phá rừng, khai thác rừng, lâm sản, lấn chiếm chuyển đổi mục đích rừng và đất lâm nghiệp đã giảm, rừng được bảo vệ tốt.  Đặc biệt, nhiều năm nay, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ các địa phương, người trồng rừng phát triển mô hình kinh tế rừng hiệu quả, nhất là các huyện như Kỳ Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn  Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn, các hộ dân trồng giống keo sinh trưởng tốt, gấp 1,5 – 2 lần giống keo cũ, năng suất tăng khoảng  20% so với các giống đại trà. Nhiều huyện đã rà soát quy hoạch phát triển các loại trồng rừng từ các giống cây bản địa mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội như trồng dổi ở Lạc Sơn vừa cho quả đồng thời thời cho gỗ có giá trị kinh tế cao… Từ khi thực hiện mô hình kinh tế rừng, người dân đã ý thức hơn trong việc BVMT sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.

    Song song với đó, công tác bảo vệ rừng cũng được tỉnh chú trọng, hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành, tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ mua bán, khai thác, vận chuyện lâm sản trái phép.Đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện, báo tin lâm tặc phá rừng, hiện toàn tỉnh đã thành lập trên 1.830 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với gần 12.100 lượt người tham gia.

 

Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi hữu cơ cho các hộ dân ở Hòa Bình

 

    Cùng với công tác bảo vệ rừng, nhiều dự án, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai, nhân rộng. Có thể kể đến Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên thông qua các hoạt động trồng, quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH- Kfw7” được triển khai ở tỉnh Hòa Bình từ năm 2017. Đến nay,  Dự án đã góp phần khôi phục hệ sinh thái vùng rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ thống tưới tiêu, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và bảo tồn ĐDSH của tỉnh.Dự án do Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ, thực hiện trên địa bàn các huyện: Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình với tổng vốn trên 113 tỷ đồng. Với mục tiêu trồng rừng từ các loại cây có sẵn tại địa phương, quản lý bảo vệ rừng, tái sinh tự nhiên 16.756 ha; Quản lý rừng cộng đồng khoảng 8.000 ha rừng tự nhiên; Bảo tồn ĐDSH tại 4 Khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó trồng mới 215 ha và khoán bảo vệ 3.600 ha rừng trong vùng lõi…  Kết quả thực hiện Dự án cho thấy, đã thiết lập rừng, trồng rừng, tái sinh tự nhiên và quản lý, bảo vệ rừng trên 5.200 ha/4.500 ha, đạt 115% kế hoạch. Thực hiện quản lý rừng trên cơ sở cộng đồng trên 2.100 ha/2.800 ha, đạt 75% kế hoạch về diện tích và 17/17 mô hình, đạt 100% kế hoạch. Hai mục tiêu về phát triển cộng đồng và bảo tồn ĐDSH đều đạt 100% kế hoạch. Dự án đã góp phần tích cực vào việc tăng độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 51%, là cơ sở nền móng hình thành vùng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Dự án đã triển khai các khóa tập huấn nâng cao năng lực quản lý dự án, chuyển giao kỹ thuật lâm sinh, gieo ươm cây giống lâm nghiệp cho cán bộ và người dân, góp phần nâng cao năng lực, xã hội hóa nghề rừng, tạo thêm nguồn nhân lực có chất lượng tốt về chuyên môn cho địa phương vùng dự án.

   Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn II của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam cũng vừa được triển khai tại tỉnh Hòa Bình, với thời gian thực hiện trong 3 năm (2019 - 2022). Chương trình nhằm mục tiêu cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, trong bối cảnh biến đổi khí hậu. FFF sẽ hỗ trợ những người sản xuất rừng và trang trại có tiềm năng bằng cách tập trung vào các tổ chức sản xuất rừng và trang trại. Các hộ sản xuất nhỏ, nhóm phụ nữ nông thôn, cộng đồng địa phương và người bản địa sẽ được nhận nguồn hỗ trợ của Dự án để thực hiện các mô hình sinh kế bền vững.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn tài nguyên rừng

    Song song với việc thực hiện các dự án, công tác bảo tồn tài nguyên rừng trong các BTTNN cũng tỉnh được đẩy mạnh. Hiện tỉnh Hòa Bình có 4 KBTNT, với giá trị ĐDSH cao, bao gồm: Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông; Hang Kia - Pà Cò; Thượng Tiến và Phu Canh. Tuy nhiên, do các KBTTN nơi đây tiếp giáp các khu vực dân cư có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn xảy ra. Trong đó, điển hình là vụ việc xâm hại tài nguyên nghiêm trọng xảy ra tại KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Nơi đây có nhiều cánh rừng nguyên sinh, với tổng diện tích 19.254 ha, chủ yếu là rừng thường xanh trên núi đá vôi có độ cao dưới 300 m; từ 300 -700 m và trên 700 m; rừng tre nứa. Về động vật, ở đây còn 26 loài nguy cấp được liệt kê trong sách đỏ thế giới; 56 loài được xếp vào danh sách các loài nguy cấp của Việt Nam và có 2 loại đặc hữu là gấu và sơn dương…Do địa bàn KBTTN rộng, với gần 3.000 hộ gia đình sống xung quanh, lại là khu vực giáp danh với nhiều tỉnh nên tình trạng lâm tặc khai thác gỗ trái phép đã diễn ra một cách ngang nhiên. Năm 2019, Đoàn kiểm tra gồm: Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình phối hợp với kiểm lâm KBTTN Ngọc Sơn- Ngổ Luông và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra hiện trạng rừng đã phát hiện, nhiều cây rừng cổ thụ thuộc loại gỗ quý (nhóm II) nằm trong vùng lõi, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn đã bị lâm tặc chặt phá. Số lượng cây rừng bị chặt hạ tại khu vực thung Đống Chơ được kiểm đếm đều là gỗ Chò nhai và gỗ Trai (thuộc nhóm II). Trong khu vực Thung Đống Chơ, xã Tự Do, tiểu khu 217, lô 9 phát hiện 3 cây gỗ Chò Nhai bị cắt hạ, đường kính từ 50 đến 90 cm, phần thân gỗ bị xẻ và đã đưa ra khỏi rừng. Ngoài ra, còn phát hiện 3 cây gỗ Trai nhóm II bị cắt hạ, đường kính gốc cây 40cm, được các đối tượng xẻ và vận chuyển ra khỏi rừng. Đoàn kiểm tra đã đề nghị Ban quản lý KBTTN hối hợp với Hạt kiểm lâm Lạc Sơn và Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông (Thanh Hóa) và UBND xã Tự Do tổ chức kiểm tra trên diện rộng trong địa bàn và vùng giáp ranh. Có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật, tổ chức điều tra, xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm vệ quản lý rừng, xử lý theo quy định.

    Ngoài ra, những năm trước đây, KBTTN Phu Canh cũng là “điểm nóng”do tình trạng phá rừng. KBTTN nằm trên địa phận huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) có diện tích tự nhiên trên 5.300 ha thuộc địa bàn 4 xã Đồng Chum, Tân Pheo, Đoàn kết và Đồng Ruộng. Ngoài chức năng bảo tồn và duy trì nguồn gien động thực vật quý hiếm, bảo vệ tính  ĐDSH có tầm quan trọng cấp quốc gia, rừng đặc dụng Phu Canh còn có chức năng duy trì và phát triển hệ thống rừng phòng hộ sông Đà, BVMT, môi sinh phục vụ sản xuất của nhân dân và góp phần bảo vệ nguồn nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nơi đây cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài động vật quý hiếm, như: sơn dương, hươu, nai, gấu, lợn rừng, các loại khỉ, sóc bay, các loài chim và các loại gỗ quý hiếm như: trắc, gụ, nghiến, táu, dổi, chò chỉ, thông…Trước đây, rừng Phu Canh đã bị “lâm tặc” xâm hại nghiêm trọng với nhiều cây gỗ quý bị đốn hạ. Để chặn tình rạng phá rừng, Ban Quản lý KBTTN đã phối hợp với chính quyền 4 xã Đoàn Kết, Tân Pheo, Đồng Chum và Đồng Kuộng, thường xuyên lồng ghép các buổi họp tại các xóm để tuyên truyền các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng cho 12 thôn có ranh giới trong Khu bảo tồn. Đồng thời, xây dựng và củng cố 12 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại 4 xã với 49 thành viên tham gia; chủ động phối hợp với tổ đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng ở xã, xóm tiến hành tuần tra, kiểm tra rừng, nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản trái phép. Nhờ những biện pháp trên, KBTTN Phu Canh đã bình yên trở lại, lá phổi xanh của vùng cao Đà Bắc được bảo vệ tốt hơn.

 

Thác Mu trong Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình

 

    Để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên nhiên, tỉnh Hòa Bình đã để ra nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuần tra, bảo vệ rừng; Tiến hành ký kết quy chế phối hợp vùng giáp ranh giữa các xã trong các KBTTN của tỉnh, xây dựng các ô định vị, triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học trong khu bảo tồn; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trồng rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh rừng nhằm nâng cao diện tích và chất lượng rừng của các KBTTN.

    Bên cạnh đó, Ban quản lý các KBTTN còn chủ động chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng UBND các xã trong khu bảo tồn, các đoàn thể tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện; Phối hợp chặt chẽ với các hạt Kiểm lâm, Công an, quân đội tăng cường tổ chức tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trong KBTTN…

Hán Thị Ngân

Bộ NN&PTNN

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trươờn số 4/2020)

 

Ý kiến của bạn