Banner trang chủ

Chàng trai thành công với ý tưởng khởi nghiệp từ cây lục bình

11/03/2020

      Trước đây, cây lục bình (còn gọi là bèo tây) tự sinh sôi, nảy nở và trôi nổi trên khắp các tuyến sông, kênh rạch, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện đường thủy. Thế nhưng, những năm gần đây, loài cây này đã được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất hàng mỹ nghệ và trang trí nội thất, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

     Xuất thân từ miền quê sông nước, Trần Quang Thoại, 26 tuổi (ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), là người đã thổi hồn vào cây lục bình dân dã quê nhà và thu về tiền tỷ mỗi năm, đồng thời, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đặc biệt, ý tưởng khởi nghiệp từ cây lục bình của anh đã vinh dự là một trong 15 dự án, ý tưởng lọt vào vòng Chung kết của Cuộc thi Dự án - Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ Nhất, năm 2019, diễn ra vào ngày 28/3/2019 do Tỉnh đoàn Hậu Giang phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức.

 

Anh Trần Quang Thoại bên các sản phẩm làm từ lục bình

 

      Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chỉ học hết lớp 7 nhưng nhờ tinh thần phấn đấu, ham học hỏi và nghị lực vươn lên, Trần Quang Thoại đã thành công với ước mơ thoát nghèo. Những ngày xa quê tìm kế mưu sinh, trong một lần tình cờ, anh thấy những sản phẩm làm từ lục bình, một loài cây mà ở quê mình có rất nhiều nên đã tìm hiểu và đến tận nơi sản xuất để học hỏi kinh nghiệm đan lát, sau đó, anh trở về quê để thực hiện ý tưởng mở cơ sở đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, anh bắt tay vào sản xuất và sáng tạo ra những mẫu sản phẩm mới xen lẫn sự phá cách, nhưng vẫn đảm bảo tính tiện dụng cho người tiêu dùng, tiêu biểu như nón, giỏ xách, dụng cụ đựng đồ, hộp, sọt, tủ kệ dùng để trang trí nội thất... Trung bình, mỗi sản phẩm khi thành phẩm có giá từ 18.000 - 200.000 đồng, tùy từng mẫu và theo yêu cầu đặt hàng của đối tác. Đến nay, sau hơn 4 năm nỗ lực, quyết tâm, chàng thanh niên trẻ đã có trong tay cơ sở đan lát lục bình với doanh thu từ 1 tỷ - 2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ sở của anh Thoại còn tạo việc làm cho khoảng 300 công nhân địa phương và một số vùng lân cận, mức lương cơ bản từ 4 triệu - 6 triệu đồng/người/tháng.

      Ban đầu, công nhân chủ yếu là người thân trong gia đình được anh hướng dẫn cách đan, rồi tự học hỏi cách gia công, trang trí hoàn thiện thành phẩm mà không cần tốn thêm chi phí qua trung gian. Về sau, khi cơ sở đã dần đi vào ổn định, đội ngũ công nhân cũng ngày một tăng lên, anh hợp đồng bao tiêu nguyên liệu cho bà con với giá 12.000 đồng/ký trong thời gian 5 năm. Cứ đều đặn nửa tháng một lần, cơ sở sản xuất, tiêu thụ từ 1.000 - 3.000 sản phẩm các loại, cung cấp cho 3 công ty và hơn 30 cơ sở bán lẻ lớn, nhỏ tại hai thị trường, chủ yếu là Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Với ưu điểm là sợi tự nhiên, đặc tính dẻo dai sau khi phơi khô, không có chất độc hại, tự phân hủy, vì vậy, những sản phẩm “handmade từ lục bình” của anh không quá cầu kỳ và đắt đỏ, nhưng lại căng tràn nhựa sống khi mang hơi thở từ thiên nhiên. Không chỉ mang ý nghĩa BVMT, những sản phẩm này còn rất dễ bảo quản và có thể sử dụng trong mọi thời tiết, độ bền lên đến vài chục năm. Chính sự mộc mạc và thân thiện với môi trường, sản phẩm đã dần chinh phục thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

     Tình cờ tham gia Cuộc thi Dự án - Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ Nhất, năm 2019 và may mắn được lọt vào vòng Chung kết đã tiếp thêm cho anh niềm tin để tiếp tục cố gắng. Chàng thanh niên trẻ còn mong muốn có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình và dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở, sản xuất thêm nhiều mẫu mã độc đáo hơn để lấn sân ra thị trường thế giới. Cuộc thi lần này, huyện Long Mỹ vinh dự có 2 ý tưởng lọt vào vòng chung kết và điều đặc biệt là cả hai ý tưởng đều dựa trên điều kiện tự nhiên, tận dụng lợi thế địa phương sẵn có, thân thiện với môi trường. Đây cũng là tiền đề, động lực giúp thanh niên Long Mỹ mạnh dạng, quyết tâm hơn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực và tự tin trên con đường khởi nghiệp.

     Mặc dù con đường dẫn đến thành công còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng thành công của anh Trần Quang Thoại với Cơ sở đan lát Lục bình đã chứng minh được bản lĩnh của tuổi trẻ - những con người tràn đầy nhiệt huyết, họ có thể biến ước mơ trở thành hiện thực bằng niềm tin, sự sáng tạo và ý chí, nghị lực để không chỉ mang về vinh quang cho bản thân mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và BVMT.

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn