Banner trang chủ

Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước vận dụng tri thức bản địa vào giữ rừng ở chiến khu D, miền Ðông Nam bộ

12/09/2014

     Trên chuyến tàu ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dự Lễ công nhận 2 cây đa sộp trên 300 tuổi là Cây Di sản Việt Nam, tôi gặp một người phụ nữ cởi mở, dễ gần. Chị là Nguyễn Thị Hồng Tươi - Cựu chiến binh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ B58 (Công ty B58), tỉnh Bình Phước. Trong tiếng ồn ào của máy nổ và sóng biển, tôi vẫn nghe rõ tiếng chị Tươi kể câu chuyện, mình cùng chồng là anh Phạm Công Trường - Cựu chiến binh, Giám đốc Công ty B58 và những người cựu chiến binh ở Bình Phước vượt qua khó khăn, phức tạp và cả sự nguy hiểm để bảo vệ "lá phổi xanh" trên mảnh đất Chiến khu D. Và cũng thật tình cờ, sau Lễ công nhận Cây Di sản, tôi đã có dịp cùng Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phúc Thanh - Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lên thăm khu rừng do Công ty B58 được giao khoán khoanh nuôi bảo vệ.

     Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi đi khoảng 30 cây số để đến thăm khu rừng do Công ty B58 bảo vệ. Qua cửa kính xe, chúng tôi nhìn thấy hai bên đường là những cánh rừng cao su. Không thấy người dân cạo mủ cao su nên tôi hỏi thì được biết, giá mủ cao su hiện nay (nhất là sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào vùng lãnh hải nước ta) xuống quá thấp nên người dân không cạo mủ nữa. Ngay cả gia đình chị Tươi cũng không khai thác mủ cao su ở 20 ha rừng của gia đình mình. Anh Lê Đức Hùng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước lý giải: Vì tiếp tục khai thác mủ cao su sẽ gặp tình trạng "lỗ mẹ đẻ lỗ con". Thế mới biết, thời nay trồng cây công nghiệp để có lãi không phải là dễ. Nghe câu chuyện thăng trầm của cây cao su, tôi thầm ao ước, giá như người ta đừng làm theo kiểu "Bóc ngắn cắn dài" mà phá đi những cánh rừng tự nhiên để trồng loại cây lúc được giá, lúc mất giá này.

 

Các cựu chiến binh và tác giả (đứng ở giữa) dưới gốc cây konia cao 45m, chu vi 11m

 

     Vào đến cửa rừng, chúng tôi được những người cựu chiến binh làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của Công ty B58 chào đón. Chúng tôi được đưa vào một cái lán trống huếch trống hoác, không có tường bao quanh. Giường của các anh, các chị là những cành cây được ghép thành chỗ nằm ngủ quanh năm suốt tháng. Anh Trần Văn Hòa - Cựu chiến binh, Tổ trưởng tổ bảo vệ cho chúng tôi biết: "Anh em ở đây sống thiếu thốn mọi bề. Chỉ cách thị xã Đồng Xoài gần 30 cây số, mà anh em phải chịu cảnh "bốn không" - không nhà, không điện, không nước và không ti vi. Anh em bảo vệ phải hứng nước mưa chứa vào bồn để nấu ăn. Còn chiếc bể làm bằng ni lông, chứa nước mưa để tắm giặt". Được chứng kiến cảnh thiếu thốn đủ thứ của các anh, mới thấy các cựu chiến binh ở đây đã không quản ngại khó khăn, vất vả và nguy hiểm để bảo vệ "lá phổi xanh" trên mảnh đất Chiến khu D lịch sử.

     Để bảo vệ khu rừng có diện tích 512,82 ha thuộc Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú không bị chặt phá, Công ty B58 đã tự bỏ kinh phí để thuê 20 người (phần lớn là cựu chiến binh) trông coi bảo vệ 24/24 giờ. Khu rừng do Công ty B58 quản lý nằm trong khu di tích lịch sử Chiến khu D. Anh Trường - Giám đốc Công ty B58 cho chúng tôi biết: "Công ty của anh không chỉ làm nhiệm vụ khoanh nuôi bảo vệ rừng, mà còn làm nhiệm vụ chuẩn bị dự án xây dựng khu di tích lịch sử Chiến khu D. Ở trong khu rừng này còn có những căn hầm bí mật của các đồng chí cán bộ lãnh đạo trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Anh em cựu chiến binh ở Bình Phước mong muốn xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục truyền thông".

     Tôi đã cùng anh Trường và mấy anh bảo vệ đi sâu vào khu rừng do Công ty B58 bảo vệ. Lúc chúng tôi vào rừng thì trời bất chợt đổ cơn mưa rào. Mưa như chút nước, lá cây rừng như chiếc ô che mưa cho chúng tôi. Nước mưa theo gốc cây thấm xuống đất mà không chảy thành dòng. Tôi nhận thấy cánh rừng này có tác dụng giữ nước và điều tiết dòng chảy rất tốt. Anh Trường cho biết, cách đây 19 năm, KTB. 58 nhận khoanh nuôi bảo vệ khu rừng nghèo kiệt. Rừng chỉ còn một số cây gỗ tạp và một số cây gỗ to như: cây konia, cây tùng, cây bằng lăng... Trữ lượng gỗ rất thấp. Ngày nay, rừng ở đây đã có rất nhiều loài thực vật, có nhiều loại cây to, có giá trị cao. Để có hệ thực vật phong phú như hiện nay, anh em cựu chiến binh nơi đây đã biết vận dụng tri thức bản địa để khoanh nuôi bảo vệ rừng. Họ lập ra 5 chốt canh để bảo vệ rừng, đào rãnh xung quanh để làm đường rãnh cản lửa phòng chống cháy rừng, chia lô, chia khoảnh để theo dõi sự phát triển của rừng và đặc biệt cựu chiến binh đã biết tên từng loài cây và loại cây ấy thuộc nhóm gỗ nào, biết giá trị của từng loài và ở đâu có thú rừng sinh sống... Một ngày sau khi đi thăm rừng, tôi được các anh cựu chiến binh giao cho ảnh và bảng phân loại trên 100 cây cổ thụ trên 100 tuổi trong khu rừng thuộc Tiểu khu 379 để lập hồ sơ xin công nhận là quần thể Cây Di sản Việt Nam.

     Càng đi sâu vào rừng, tôi càng thấy khu rừng này rất đa dạng về các loài thực vật - cây cỏ, giây leo, cây gỗ thấp và cây gỗ cao, cây thường xanh quanh năm. Điều đó cho thấy, khu rừng thuộc Tiểu khu 379 cần được bảo vệ để là "lá phổi xanh" cho tỉnh Bình Phước, đồng thời là nơi du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục truyền thông cho thế hệ trẻ và nơi nghiên cứu về đa dạng sinh học ở miền Đông Nam bộ. Đứng dưới gốc cây konia, anh Phạm Công Trường cười rạng rỡ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục vận dụng tri thức bản địa vào giữ bằng được khu rừng lịch sử này". Năm người chúng tôi nắm chặt tay nhau đi xung quanh gốc cây konia và cùng hát vang lời ca: "Rừng ơi ta đã về đây…". Cơn mưa rào đã tạnh. Ánh nắng mặt trời chiếu qua kẽ lá làm khu rừng bừng sáng.

 

TS. Trần Văn Miều

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn