Banner trang chủ

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn

22/11/2019

     Những năm gần đây, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đồng thời làm tăng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR), với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý CTR ở Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam).

     PV: Bà đánh giá thế nào về thực trạng công tác quản lý, thu gom, xử lý CTR tại khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở cả khu vực đô thị và nông thôn, tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp, dịch vụ và chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản phẩn hàng hóa chất lượng cao đang diễn ra ở tất cả các địa phương trong cả nước. Vì vậy, hệ lụy của sự tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn là vấn đề gia tăng chất thải, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu tới sức khỏe con người và hệ sinh thái nông nghiệp - nông thôn.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Môi trường Nông thôn

 

     Hiện nay, môi trường ở khu vực nông thôn rất đáng lo ngại, nước thải sinh hoạt hầu như không được xử lý, chảy trực tiếp vào sông, mương, ao hồ; tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương; bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phụ phẩm nông nghiệp vứt bừa bãi ra môi trường… Chỉ tính riêng CTR sinh hoạt, ước tính có khoảng 13 triệu tấn/năm; chất thải phụ phẩm nông nghiệp khoảng 76 triệu tấn/năm; bao bì thuốc bảo vệ thực vật khoảng 7.500 tấn/năm; chất thải chăn nuôi khoảng 46 triệu tấn/năm và hàng nghìn tấn CTR các loại phát sinh từ hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế. CTR khu vực nông thôn có đặc điểm là số lượng nhiều, đa dạng về chủng loại, địa bàn rộng, khó thu gom, vận chuyển và xử lý. Hiện, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% - 55%, số còn lại người dân tự xử lý tại hộ gia đình hoặc xả thải vào sông, mương, ao, hồ, ven đường giao thông. Đặc biệt, hầu hết CTR ở khu vực nông thôn chưa được phân loại, phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp (70%), số còn lại là đốt và ủ làm phân hữu cơ (30%). Cụ thể, các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, đậu, đỗ… được tận dụng ủ làm phân bón, trồng nấm rơm; đối với chất thải chăn nuôi, người dân đã có ý thức thu gom, xử lý bằng hầm biogas, ủ làm phân compost, song vẫn phát sinh mùi hôi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, đặc biệt là ở khu vực chăn nuôi trang trại.

     PV: Được biết, CTR tại các địa phương trên cả nước chủ yếu được thu gom tại điểm trung chuyển, nhưng nhiều thôn, xã hiện vẫn chưa có đơn vị chuyên trách thu gom rác, gây ứ đọng rác thải. Vậy xin bà cho biết, hệ lụy của tình trạng này như thế nào?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Vừa qua, các địa phương đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết quả cho thấy, hầu hết các xã trên địa bàn cả nước nói chung, khu vực nông thôn nói riêng đã có quy hoạch khu xử lý CTR sinh hoạt, tuy nhiên nhiều xã mới dừng ở đề án được phê duyệt, chưa có kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý CTR đảm bảo vệ sinh môi trường, do đó, tình trạng ô nhiễm ở các khu xử lý rác thải nông thôn vẫn đang là mối quan tâm lo ngại của nhiều địa phương. Hiện nay, khoảng 60% số xã, thôn, bản có hoạt động thu gom CTR với nhiều hình thức khác nhau như hợp tác xã, tổ, đội, nhóm vệ sinh môi trường, hoặc ký kết với Công ty môi trường đô thị để thu gom, vận chuyển và xử lý chung tại khu xử lý của TP, hình thức này khá hiệu quả. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ở đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam bộ, đã quy hoạch, xây dựng khu xử lý CTR liên vùng, mô hình này tiết kiệm được diện tích đất chôn lấp, thuận lợi cho công tác xử lý CTR tập trung, tuy nhiên bước đầu đang gặp khó khăn, giá thành xử lý cao do chi phí vận chuyển xa, thiếu phương tiện, quy trình thu gom chưa đồng bộ, gây tình trạng ùn ứ rác cục bộ, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 40% số xã, thôn, bản chưa có đơn vị chuyên trách thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, các hộ gia đình tự thu gom rồi đốt, ủ phân hữu cơ, hoặc thải trực tiếp ra ao, hồ, sông suối, ven đường, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

     PV: Thời gian qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có những hoạt động gì nhằm vận động, kêu gọi hội viên nông dân các cấp thực hiện mô hình, giải pháp góp phần xử lý hiệu quả CTR?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Nông dân là đối tượng chịu tác động trực tiếp của ô nhiễm môi trường, đồng thời là người hưởng lợi từ các chương trình, dự án, hoạt động BVMT. Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo các cấp Hội đổi mới hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và toàn thể nhân dân chung tay BVMT, xây dựng nông thôn mới, văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp.

     Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ và chỉ đạo xây dựng hàng trăm mô hình về BVMT. Trong đó, có khoảng 50 mô hình tiêu biểu về thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải nông thôn, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn; hơn 20 mô hình về xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại bằng đệm lót sinh học, thu gom, phân loại chất thải túi ni lông khó phân hủy, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; gần 20 mô hình về xử lý chất thải tại các làng nghề sản xuất thủ công, nằm xen kẽ trong khu dân cư… Đồng thời, chỉ đạo Hội nông dân các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành TN&MT, NN&PTNT và các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; tác hại của bao bì thuốc bảo vệ thực vật và bao bì, sản phẩm nhựa dùng một lần. Cùng với đó, xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả hàng nghìn mô hình, phong trào BVMT như câu lạc bộ nông dân nói không với túi ni lông; thành lập các tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt của thôn, xóm do Hội nông dân đảm nhận; thực hiện tuyến đường, tuyến sông, kênh mương không rác thải, cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng đệm lót sinh học và thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; trồng cây xanh, hoa trên các trục đường liên thôn, xóm; duy trì tổng vệ sinh tại hộ gia đình và đường làng, ngõ xóm vào Thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần; lồng ghép phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân giúp nhau xóa đói giảm nghèo với các hoạt động BVMT, đưa vào tiêu chí xem xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các cấp hội và hội viên nông dân.

     PV: Có thể thấy, vấn đề CTR ở khu vực nông thôn đang là nỗi trăn trở trong cộng đồng dân cư, đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, ngành. Trước thực trạng trên, bà có đề xuất, kiến nghị gì nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom, xử lý CTR trong thời gian tới?

     Bà Nguyễn Thị Kim Hoa: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thu gom, phân loại, xử lý CTR khu vực nông thôn trong thời gian tới, cần phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân; phải nhất quán quan điểm “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Người phát sinh CTR phải chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý”. Chính phủ cần giao cho một đơn vị đầu mối có nhiệm vụ thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý CTR khu vực nông thôn, định kỳ báo cáo Chính phủ để có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và có chủ trương, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, kịp thời với từng vùng, miền, đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, kết hợp khen thưởng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

 

Hội viên nông dân tỉnh Đồng Nai thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

 

     Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ cơ chế tài chính để các địa phương mua sắm trang thiết bị thu gom, vận chuyển CTR, đồng bộ với phân loại rác tại nguồn và công nghệ tiến tiến, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong xử lý CTR, thu hồi năng lượng, tái chế, tái sử dụng CTR, giảm phát thải khí nhà kính; đầu tư công nghệ chế biến phân hữu cơ vi sinh, tạo nguồn phân bón cho cây trồng; công nghệ thu gom, xử lý nước rỉ rác, góp phần giảm ô nhiễm môi trường; tiến hành quan trắc giám sát chất lượng môi trường, phòng ngừa rủi ro sự cố môi trường. Cùng với đó, cần có cơ chế đặc thù đối với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ môi trường, thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTR khu vực nông thôn, chăm lo tới quyền lợi vật chất, tinh thần cho người lao động, đảm bảo đủ mức lương tối thiểu, nộp bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trang bị bảo hộ lao động, dụng cụ cần thiết trong thu gom, vận chuyển CTR nông thôn.

     Ngoài ra, cần tổng kết các mô hình xã hội hóa trong đầu tư, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR nông thôn; nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức và định mức thu phí vệ sinh môi trường đối với từng đối tượng, có chính sách miễn giảm cho các hộ gia đình chính sách, gia đình hoàn cảnh khó khăn; tổng kết, đánh giá các mô hình, phong trào tự quản môi trường hiệu quả ở khu vực nông thôn, từ đó rút ra kinh nghiệm vận hành quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR của các tổ chức, cá nhân, cũng như các hộ gia đình tự thu gom, phân loại, xử lý CTR, giảm áp lực cho các đơn vị chuyên trách như hiện nay.

     PV: Trân trọng cảm ơn bà!   

 

Bùi Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

Ý kiến của bạn