Banner trang chủ

Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù vùng ven biển Thái Thụy

10/08/2020

  Năm 2002, vùng đất ngập nước (ĐNN) cửa sông Thái Thụy được ghi nhận là một trong số 68 khu ĐNN có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế của Việt Nam. Đến ngày 2/12/2004, UNESCO công nhận “Khu dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng” gồm cả vùng ĐNN Thái Thụy là một phần thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Vì vậy, việc thành lập Khu bảo tồn (KBT) ĐNN ven biển Thái Thụy là hết sức cần thiết nhằm bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) của vùng ĐNN vùng ven biển huyện Thái Thụy nói riêng và của tỉnh Thái Bình nói chung.

 

KBT thiên nhiên ĐNN Thái Thụy là một quần thể ĐDSH ven biển

 

Giá trị ĐDSH và kinh tế

    Vùng ĐNN ven biển huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nằm ở đồng bằng, cửa sông châu thổ sông Hồng có 3 cửa sông Thái Bình, Diêm Điền và Trà Lý đổ ra vịnh Bắc Bộ nên có đặc điểm đặc trưng rất quan trọng là rừng ngập mặn được hình thành và phát triển như bức tường xanh trải dài, che chắn cho suốt dải bờ biển của huyện. Vùng ĐNN ven biển Thái Thụy hiện có 1.609 ha rừng ngập mặn trong đó còn có diện tích rừng ngập mặn tự nhiên có độ tuổi ­­ước tính trên 50 năm với loài bần chua chiếm ưu thế chủ yếu ở xã Thụy Trường.

Các kết quả điều tra, nghiên cứu ở vùng ĐNN ven biển Thái Thụy từ trước đây đã cho thấy khu vực này có khoảng 1.000 loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều và vùng nước cửa sông ven bờ. Trong số đó, có một số loài chim nước di cư, trú đông bị đe dọa trên toàn cầu được ghi trong Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), đến trú ngụ và kiếm ăn như cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa và quắm đầu đen... Do có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim di trú nên Thái Thụy đã được công nhận là một trong số 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Năm 2002, vùng ĐNN cửa sông Thái Thụy được ghi nhận là một trong số 68 khu ĐNN có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế của Việt Nam. Đến ngày 2/12/2004, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng”, trong đó vùng ĐNN Thái Thụy là một phần thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

     Với các giá trị về ĐDSH, khu ĐNN Thái Thụy đã tạo cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc thành lập KBT phía bờ Bắc cửa sông Thái Bình, trở thành một trong những mô hình bảo tồn ĐNN vùng cửa sông Hồng.Các hệ sinh thái ĐNN ven biển Thái Thụy cung cấp các loại dịch vụ hệ sinh thái khác nhau. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt năm 2016 đã ước tính giá trị kinh tế thông qua đánh giá nhanh các dịch vụ hệ sinh thái vùng nước ven biển của huyện Thái Thụy cho thấy khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên: 49,782 tỷ VNĐ/năm; nuôi, trồng thủy sản mặn, lợ và làm muối: 259,917 tỷ VNĐ/năm.

    Theo nghiên cứu về lượng giá giá trị các dịch vụ hệ sinh thái ĐNN huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn các khu ĐNN quan trọng và sinh cảnh liên kết” của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2017 đã ước tính lợi ích kinh tế mà vùng ĐNN huyện Thái Thụy mang lại tổng giá trị kinh tế ước tính đạt 23.034 triệu USD/năm (với các giả định ban đầu là xác suất xảy ra bão lớn là 10%/năm và chỉ hộ dân tại huyện Thái Thụy sẵn lòng đóng góp cho hoạt động bảo tồn ĐDSH cho vùng ĐNN huyện Thái Thụy). Trong tổng giá trị kinh tế của vùng ĐNN thì giá trị sử dụng trực tiếp chiếm chủ yếu (72,53%), giá trị sử dụng gián tiếp chiếm 26,32%.

Góp phần ổn định sinh kế người dân

Năm 2010, tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch Khu du lịch sinh thái Cồn Đen với diện tích 1.150 ha là khu du lịch sinh thái, đồng thời sẽ tổ chức các tuyến du lịch kết nối với khu rừng ngập mặn Thụy Trường và các khu du lịch kế cận. Đến nay việc phát triển khu du lịch Cồn Đen đang được huyện và tỉnh quan tâm để tạo thành một điểm nhấn trong du lịch vùng đồng bằng sông Hồng.

    Bên cạnh đó, Thái Thụy có nhiều ngành kinh tế, dịch vụ phục vụ cho các hoạt động khai thác tài nguyên có được từ biển và ĐNN như khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, chế biến hải sản... Huyện Thái Thụy có 540 tàu máy đánh cá năm 2016, tổng công xuất 77.823 CV với khoảng 1.618 lao động, sản lượng khai thác năm 2015 ước đạt 37.104 tấn, giá trị ước đạt 348,31 tỷ đồng. Ước tính một năm có tới 132.000 lượt người tham gia thu lượm các loài hai mảnh vỏ và thủy sản khác ở bãi triều Thái Thụy. Mỗi tháng có từ 15-20 ngày khai thác tùy thuộc con nước, mỗi ngày có trên 300 người khai thác thủy sản bãi triều. Toàn huyện hiện có 8 doanh nghiệp, 100 cơ sở, 4 làng nghề chế biến hải sản, cơ sở cung cấp giống cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy hải sản cho toàn tỉnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.050 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,8 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

 Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai

    Theo các nghiên cứu cho thấy, hệ thống rễ dày đặc của các loài cây rừng ngập mặn có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ đất ven biển và vùng cửa sông, góp phần giảm ít nhất 20 - 50% thiệt hại do bão, nước biển dâng và sóng thần gây ra, giảm 20 -70% năng lượng của sóng biển. Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt năm 2016 đã đánh giá nhanh chức năng bảo vệ đường bờ và vùng dân cư trong đê của rừng ngập mặn ở Thái Thụy được đánh giá là 23,526 tỷ VNĐ/năm; điều hòa khí hậu, chức năng lưu giữ các bon ở khu ĐNN ven biển: 1.343,801 tỷ VNĐ/năm (giá trị 1 lần, không phải thường niên). Đặc biệt, hệ thống rừng ngập mặn giảm thiểu nguy cơ thiên tai, thích ứng với nước biển dâng thông qua chức năng bảo vệ bờ biển của rừng ngập mặn.

Tạo ra mô hình điển hình thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ hướng tới phát triển bền vững

    Hướng tới phát triển bền vững là một trong những mục tiêu của Việt Nam trong những năm gần đây. Các mô hình kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội và BVMT luôn được chú trọng và giành sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong quá trình phát triển của mỗi địa phương. Với việc thành lập KBT ĐNN Thái Thụy, Thái Bình sẽ tạo ra mô hình đầu tiên của cả nước trong việc kết hợp thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    KBT thiên nhiên ĐNN Thái Thụy mới được thành lập và công bố với mục tiêu bảo tồn giá trị ĐDSH của hệ sinh thái ĐNN đặc thù của vùng ven biển Thái Thụy, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn với diện tích hiện tại là 1.131 ha; bãi triều với diện tích 2.392 ha, bảo tồn các loài nguy cấp, đặc biệt gia tăng quần thể các loài chim di trú nguy cấp toàn cầu; đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết trong khu vực; Sử dụng và phát triển bền vững dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình; Góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn