Banner trang chủ

Bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên: Thực trạng và giải pháp

09/06/2020

     Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) có diện tích 23.815,5 ha, trong đó gần 4.000 ha rừng nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm, cổ thụ hàng nghìn năm tuổi cần được bảo tồn, phát triển nguồn gen. Khu BTTN Xuân Liên đại diện cho hệ sinh thái rừng núi thấp chuyển tiếp giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn và Bắc Trường Sơn, thuộc khu vực đầu nguồn lưu vực sông Chu. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, với nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, trong đó nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị đa dạng cao tầm quốc gia và quốc tế.

 

Nhân viên KBT lập các tuyến tuần tra rừng cố định tại Khu BTTN Xuân Liên

 

ĐDSH tại Khu BTTN Xuân Liên

    Về hệ thực vật, Khu BTTN Xuân Liên ghi nhận được 1.142 loài thực vật bậc cao (thuộc 209 họ và 38 bộ), gồm 38 loài, điển hình là Pơ mu, Sa mu, Sến mật, Giổi xanh, Đinh hương... Đặc biệt, Khu bảo tồn đã phối hợp với các nhà khoa học, viện nghiên cứu và các trường xác định các loài mới, quần thể động vật, thực vật quý hiếm, có ý nghĩa cho Việt Nam và thế giới, gồm 2 loài: Loài thuộc họ Nam mộc hương và loài thuộc chi Giác đế - họ Na. Ngoài ra, còn có 3 loài mới chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam là Lữ đằng đứng; Thủy thảo trắng và Song quả lá bắc tím.

    Khu BTTN Xuân Liên có hệ động vật đa dạng với 1.631 loài, trong đó có 80 loài thú (50 loài trong Sách Đỏ Việt Nam; 16 loài trong Danh lục đỏ IUCN), điển hình như: Gấu chó, Gấu ngựa, Bò tót, Sơn dương, Vượn đen má trắng, voọc xám... KBT hiện còn tồn tại quần thể vượn đen má trắng, với 41 đàn, 129 cá thể; quần thể voọc xám, số lượng khoảng 8-10 đàn, từ 120-140 cá thể, được đánh giá là quần thể lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt, năm 2013, KBT vừa phát hiện được sự tồn tại của loài mang Roosevelt - là loài đã bị  tuyệt chủng sau 84 năm, rất có giá trị cho khoa học. Khu hệ chim, ghi nhận 252 loài chim ở Khu BTTN Xuân Liên, trong đó 5 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 2 loài trong Danh lục đỏ IUCN. Khu hệ bò sát, ghi nhận 77 loài, trong đó 17 loài trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); 11 loài trong Danh lục đỏ IUCN.

    Các số liệu điều tra, thống kê ghi nhận của các nhà khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học của Việt Nam và thế giới, đã chứng minh Khu BTTN Xuân Liên là khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng cao ở tầm quốc gia và quốc tế về hệ động, thực vật. Đây là cơ sở, nền tảng để Khu BTTN Xuân Liên triển khai hiệu quả các hoạt động bảo tồn ĐDSH.

Các giải pháp bảo tồn ĐDSH tại KBT

Chương trình quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi sinh thái

    Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời gìn giữ, bảo tồn các giá trị ĐDSH đặc trưng, quý hiếm, KBT tập trung triển khai các giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ hoạt động cho các câu lạc bộ xanh, góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh tại các trường học thuộc 5 xã, thị trấn vùng đệm; giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng 12 thôn, bản vùng đệm, gắn với xây dựng cơ chế đồng quản lý rừng và nông thôn mới; xây dựng, trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án sử dụng bền vững tài nguyên rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên.

   Bên cạnh đó, KBT cũng hỗ trợ hoạt động cho tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản, nhằm giúp Kiểm lâm KBT trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, đặc biệt là tình hình khai thác rừng, săn bắn động vật; tăng cường thu hút nguồn vốn để đầu tư cho công tác trồng rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa. Đến nay, KBT đã trồng mới được 150 ha rừng đặc dụng, 2.000 ha rừng sản xuất ở xã vùng đệm; sản xuất cây giống các loại chất lượng cao, phục vụ trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng tự nhiên như cây lim xanh, quế ngọc, giổi ăn hạt….

Chương trình nghiên cứu khoa học

    Thời gian qua, Khu BTTN Xuân Liên luôn xác định rõ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính ĐDSH, giảm áp lực tiêu cực ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và phát triển rừng... Theo đó, KBT đã tăng cường hoạt động điều tra, bảo tồn loài vượn đen má trắng, voọc xám, các loài chim, culi nguy cấp, quý hiếm; cứu hộ và nuôi dưỡng các loài rùa; điều tra, xác định phân bố của hệ thống trảng cỏ làm cơ sở quy hoạch các khu đồng cỏ cho động vật ăn cỏ; bảo tồn và gây nuôi phát triển một số loài thú ăn thịt nhỏ; điều tra hiện trạng phân bố và bảo tồn các loài gấu; xây dựng chương trình giám sát các loài vượn đen má trắng; voọc xám, mang....

    Đối với hệ thực vật, KBT tập trung vào hoạt động điều tra, bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao như nhóm cây dược liệu (Cát sâm, Thiên niên kiện, Na rừng…), cây cảnh quan; trồng những loài cây làm thức ăn cho động vật; nghiên cứu gây trồng và phát triển các loài lan quý; tổ chức nghiên cứu tuyển chọn một số loài cây lâm nghiệp bản địa quý hiếm nhằm cung cấp giống bổ sung cho công tác trồng rừng phòng hộ...

Chương trình phát triển kinh tế vùng đệm và du lịch sinh thái

    Nhằm giải quyết áp lực sinh kế cho người dân vùng đệm, Khu BTTN Xuân Liên đã tổ chức triển khai một số chương trình phát triển kinh tế và chuyển giao, nhân rộng các mô hình thành công, có hiệu quả kinh tế cho các thôn bản vùng đệm như nuôi ong mật quy mô hộ gia đình, trang trại; cải tạo vườn, chăn thả gia súc có kiểm soát; hỗ trợ cộng đồng dân cư các thôn bản vùng đệm quản lý rừng đặc dụng; gây nuôi, phát triển các loài động vật rừng hoang dã thông thường thành hàng hóa thay thế, hạn chế khai thác từ rừng tự nhiên...

   Trước những tiềm năng của KBT về tài nguyên sinh thái rừng, KBT đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý để phát triển du lịch sinh thái (DLST) như xây dựng và trình UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển DLST; Đề án DLST nghỉ dưỡng trong rừng đặc dụng; Đề án thu phí tham quan Khu BTTN Xuân Liên; Quyết định công nhận Khu du lịch cấp tỉnh Khu BTTN Xuân Liên. Đồng thời, triển khai xây dựng Dự án Làng sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, phục vụ các dịch vụ du lịch; trồng rừng, cải tạo cảnh quan và trình diễn các mô hình rừng; nghiên cứu các mô hình phù hợp, gắn phát huy lợi thế tự nhiên và văn hóa bản địa của vùng.

    Với các giải pháp trên, Khu BTTN Xuân Liên sẽ trở thành điểm DLST hấp dẫn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, gắn với hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng và bảo tồn giá trị ĐDSH.

 

ThS. Đỗ Ngọc Dương -  Phó giám đốc Khu BTTN Xuân Liên

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

 

Ý kiến của bạn