Banner trang chủ

Địa chỉ tham quan, giáo dục cộng đồng về bảo tồn loài gấu

04/07/2019

    Nằm tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình do Tổ chức quốc tế Four Paws đầu tư xây dựng được coi là môi trường lý tưởng cho loài gấu sinh sôi, phát triển. Đây không chỉ “ngôi nhà”, nơi những cá thể gấu được chăm sóc sức khỏe, phục hồi tập tính tự nhiên trong môi trường bán hoang dã, mà còn là địa chỉ tham quan lý thú để giáo dục cộng đồng trong việc bảo tồn loài gấu.

    Việt Nam hiện còn khoảng 800 cá thể gấu, chủ yếu là gấu ngựa đang bị nuôi nhốt trong điều kiện nghèo nàn tại 250 trại nuôi nhốt tư nhân. Những cá thể gấu này phải phụ thuộc vào con người, sống trong môi trường thiếu thốn ở các chuồng cũi chật hẹp. Trước tình hình đó, từ năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho Tổ chức Four Paws xây dựng Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình trong phần đất quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia và coi đây là mô hình điểm về cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. Đến ngày 7/3/2018, Four Paws tổ chức Lễ khánh thành Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực cải thiện phúc lợi động vật, đặc biệt đối với các cá thể gấu từng bị chích hút mật, cung cấp nơi ở an toàn trong môi trường bán hoang dã để các cá thể gấu phục hồi tập tính tự nhiên sau nhiều năm bị nuôi nhốt, chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và bảo vệ quần thể gấu ngoài tự nhiên.

 

Các cá thể gấu thoải mái vui đùa giữa thiên nhiên tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình

 

   Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình được xây dựng theo tiêu chuẩn nuôi giữ hiện đại với phòng khám thú y, 2 nhà gấu, khu cách ly và 4 khu bán hoang dã. Tại đây còn trang bị đài quan sát, giúp khách tham quan ngắm nhìn cuộc sống tự do của những chú gấu. Dự án có tổng diện tích 100 ha, đủ chỗ cho hơn 100 con gấu sinh sống, hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với 3,6 ha, có thể tiếp nhận 44 cá thể gấu, dự kiến cuối năm 2019 sẽ xây dựng đủ chỗ cho 70 cá thể. Hiện cơ sở đang chăm sóc 10 cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật và 2 cá thể gấu con là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Các cá thể gấu được chăm sóc bởi đội ngũ chuyên gia động vật, bác sĩ thú y trong nước, quốc tế cùng nhân viên chăm sóc chuyên nghiệp. 

   Tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, mỗi con gấu là một cuộc đời, một số phận, có khi bị giam cầm, có khi đang trên đường bị vận chuyển buôn bán, sắp bị giết thịt và đôi khi là chú gấu con đáng thương lạc mẹ. “Hai Chân” là tên gọi mà các nhân viên cứu hộ tại Cơ sở đặt cho 1 chú gấu ngựa. Chú gấu này được giải thoát khỏi 1 trại nuôi gấu lấy mật ở phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình và được đưa về trong tình trạng sức khỏe yếu, béo phì, gan mật bị ảnh hưởng, bị mất 2 chi trước, nghi là bị sập bẫy hoặc bị cắt để phục vụ nhu cầu về súp tay gấu, rượu tay gấu. Do bị nuôi nhốt lâu ngày, chế độ ăn không cân đối nên sức khỏe và việc di chuyển của Hai Chân rất yếu. Sau khi đến với Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, Hai Chân được thăm khám sức khỏe, chăm sóc y tế, hàng ngày được ăn rau, củ quả, mía, mật ong… lông của Hai Chân đã mượt mà trở lại, da thịt cũng căng đầy hơn, hệ thống cơ phát triển, thậm chí nó đã có thể bơi lội trong hồ nước. Đặc biệt là, sau gần 20 năm sống trong cũi sắt, lần đầu tiên chú đã được nếm trải cảm giác tự do, thoải mái vui đùa giữa thiên nhiên.

   Trường hợp khác là chú “gấu Long” - gấu ngựa đực 22 tuổi được cứu hộ tại Đồng Nai vào tháng 11/2018. Do bị nhốt trong chuồng chật hẹp, không ánh sáng quá lâu nên bệnh viêm khớp mãn tính đã tàn phá cơ thể gấu Long. Các khớp xương bị xơ cứng đến mức không thể nằm bình thường, không thể di chuyển đốt sống lưng, đi lại chậm chạp, hay bị ngã và chỉ có thể vừa nằm vừa ăn đồ ăn để gần. Gấu Long còn gặp khó khăn khi nhai và giữ thức ăn trong miệng. Từ khi được cứu hộ và được các nhân viên tại đây chăm sóc, gấu Long đã có thể ăn dễ dàng hơn, dùng bàn tay để giữ thức ăn rồi cắn từng miếng nhỏ. Thể trạng của gấu Long đang dần cải thiện, có cơ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn.

   Cùng với Hai Chân, gấu Long, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình còn có những cái tên rất đáng yêu như Thái Vân, Thái Giang, May, Bình Yên… Tất cả chúng đều có một điểm chung - đã từng là nạn nhân của hoạt động buôn bán động vật trái phép, bị nuôi nhốt, hút mật. Khi được cứu hộ về đây, các nhân viên dành nhiều thời gian để kiểm tra, theo dõi sức khỏe cho từng chú gấu và có phương pháp điều trị riêng. Sau đó, chúng được chuyển sang nhà gấu rộng 9 m2, có trang bị võng, giường, ống giấu thức ăn để gấu thích nghi dần với môi trường mới và bắt đầu phục hồi các chức năng. Ở nhà gấu từ 1 - 2 tuần, gấu sẽ được cho ra khu bán hoang dã, nơi được giữ lại nguyên vẹn địa hình, với nhiều cây xanh, quả đồi nhỏ, tạo độ dốc cho gấu vận động, dần phục hồi được bản năng tự nhiên. Ngoài ra, để rèn luyện gấu tích cực sử dụng khứu giác, thị giác cũng như sự khéo léo của cơ thể trong tìm kiếm thức ăn, các nhân viên chăm sóc thường giấu thức ăn trong các ống tre, hốc cây, trên cành. Nhờ vậy, hầu hết các chú gấu đưa về đây đều có tiến triển tốt về sức khỏe và dần dần làm quen với môi trường bán hoang dã.

   Coi giải cứu gấu là hoạt động nhân đạo, Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân đang nuôi nhốt gấu tự nguyện trao trả gấu để chúng có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, phục hồi tập tính tự nhiên. Bên cạnh đó, Cơ sở cũng mở cửa miễn phí tham quan tất cả các ngày trong tuần, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội nhìn thấy những cá thể gấu từng bị lạm dụng chích hút mật đang được sống cuộc sống tự do; được nghe các câu chuyện, xem lại hình ảnh trước đây của các cá thể gấu này, qua đó gửi thông điệp hãy chung tay bảo vệ loài gấu đến cộng đồng. Thời gian tới, Tổ chức Four Paws sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 của Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình, nhằm tạo điều kiện cho những chú gấu có môi trường sống và được chăm sóc một cách tốt nhất.

 

Phạm Thị Lan Anh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Ý kiến của bạn