Banner trang chủ

Ðinh Lê Vũ và Giải thưởng “Hành trang Kinh tế xanh của tôi”

10/03/2014

     Cuộc thi “Hành trang Kinh tế xanh của tôi” đã được Tổng cục Môi trường tổng kết và trao giải từ tháng 12/2012 nhưng tác phẩm đạt giải Nhất “Xây dựng và phát triển chương trình nhãn xanh Việt Nam” của tác giả Đinh Lê Vũ, Trường Đại học Ngoại Thương, Cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh vẫn để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

     Năm 2009, Bộ TN&MT đã chính thức triển khai Chương trình Nhãn xanh Việt Nam (NXVN). Mục tiêu Chương trình nhằm liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường thông qua giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Chương trình đã đánh giá được khả năng kiểm soát, hạn chế tác động đối với môi trường của các loại sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng theo quan điểm “xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm”. Theo đó, lợi ích môi trường mà mỗi sản phẩm có khả năng mang lại từ việc giảm thiểu phát thải các loại chất gây ô nhiễm, chất độc hại ra môi trường từ các khâu khai thác nguyên vật liệu, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho đến khi thải bỏ sẽ được xem xét trên cơ sở các bộ tiêu chí được xây dựng riêng cho từng loại hình sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng.

     Doanh nghiệp muốn sản phẩm được cấp nhãn xanh cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ những bước đầu tiên trong việc sử dụng nguyên nhiên vật liệu cho đến giai đoạn cuối cùng tái chế các phế phẩm và bao bì thải loại. Tuy nhiên, quy trình cấp nhãn hiện nay chỉ gồm sự tham gia của 3 đối tượng: doanh nghiệp, Tổng cục Môi trường và các đơn vị phụ trách kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xét duyệt của doanh nghiệp. Do đó, tác giả đã thực hiện đề tài “Đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá của người tiêu dùng trong việc dán NXVN cho các sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh” nhằm đóng góp cho việc phát triển Kinh tế xanh của đất nước thông qua giải pháp tận dụng sức mạnh và sự ủng hộ của người dân trong việc hoàn thiện chương trình NXVN.

     Chia sẻ với tôi, Đinh Lê Vũ cho biết, ý tưởng này là kết quả của một câu chuyện dài. Trước đây, mỗi lần đi siêu thị mua hàng, anh luôn có một băn khoăn, liệu có một mặt hàng nào mà khi mua có thể đóng góp cho môi trường hay không. Vì rõ ràng, việc mua một mặt hàng nào đó chỉ có lợi cho người tiêu dùng (giá phù hợp, nhãn hiệu yêu thích và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng) hoặc người sản xuất (có doanh thu từ việc bán hàng). Nếu như thông qua việc mua sắm mà người tiêu dùng có thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì rất tốt. Lúc đó, anh đã nghĩ tới ý tưởng dán nhãn xanh lên sản phẩm. Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn, ý tưởng cũng rơi vào quên lãng.

 

Đinh Lê Vũ (thứ 3 từ phải sang) với giải Nhất Cuộc thi
“Hành trang Kinh tế xanh của tôi”

 

     Trong một lần tình cờ nghe trên kênh phát thanh của trường về Cuộc thi “Hành trang Kinh tế xanh của tôi”, anh cảm thấy rất thú vị và quyết định tham gia Cuộc thi. Lúc này, ý tưởng dán nhãn xanh ngày nào lại được đưa ra để phát triển. Nhưng anh rất bất ngờ, khi kiểm tra trên mạng thì đã có chương trình NXVN của Tổng cục Môi trường và đã được triển khai từ năm 2009. Qua tìm hiểu thì thấy quy trình cấp NXVN chỉ mới có sự tham gia của 3 đối tượng: Tổng cục Môi trường, doanh nghiệp và các đơn vị Tổng cục phân công đánh giá các tiêu chí của doanh nghiệp. Như vậy, thiếu đánh giá của người tiêu dùng. Từ đó, anh đã đề xuất ý tưởng của bài dự thi nhằm tăng hiệu quả truyền thông của NXVN và tăng hiệu quả xét dán NXVN cho sản phẩm bằng cách đưa đánh giá của người tiêu dùng vào tiêu chí cấp nhãn.

     Theo đề tài, việc đưa tiêu chí đánh giá của người tiêu dùng vào tiêu chuẩn xét duyệt sẽ giúp chương trình tuân thủ quan điểm “xem xét toàn bộ vòng đời sản phẩm” một cách chặt chẽ hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách giúp NXVN phổ biến thông tin, nâng cao hiệu quả thực tiễn và tăng cường sự ủng hộ của người tiêu dùng vì họ được quyền trực tiếp tham gia vào quá trình thử nghiệm và đánh giá. Dưới góc độ người tiêu dùng, khi đề xuất được triển khai thành công, bản thân họ sẽ có quyền đánh giá, lựa chọn những sản phẩm cảm thấy xứng đáng được dán nhãn xanh. Kết quả, khách hàng đã có những thương hiệu hàng tiêu dùng “xanh” mà họ thực sự có đủ niềm tin và sự yêu thích để chọn bỏ vào giỏ hàng. Đây cũng chính là động lực để người tiêu dùng hình thành thói quen sử dụng và thải loại “xanh”. Dưới góc độ doanh nghiệp, việc đồng ý cho người tiêu dùng đánh giá và xét duyệt sản phẩm, giai đoạn đầu có thể tạo ra một số khó khăn vì nhu cầu và quan điểm của khách hàng rất đa dạng, phức tạp. Tuy nhiên, đây chính là một bước đệm để doanh nghiệp kết nối với khách hàng. Chỉ cần được khách hàng tin tưởng và đồng ý dán nhãn xanh, doanh nghiệp đã có được một lượng khách hàng tiềm năng và gắn bó lâu dài mà không cần phải tốn các chi phí truyền thông, quảng bá.

     Đặc biệt, tác giả đã đề xuất xây dựng một trang web bổ trợ cho website chính thức của NXVN hiện nay. Theo đó, các hoạt động đăng ký tham gia xét duyệt và gửi kết quả đánh giá của người tiêu dùng, cũng như việc công bố các thông tin cần thiết sẽ được thực hiện công khai và minh bạch trên trang web bổ trợ này.

     Nói chung, đây là một ý tưởng mới, góp phần phát triển và hoàn thiện Chương trình NXVN. Qua đó cho thấy sự đóng góp của thế hệ trẻ với việc xây dựng nền Kinh tế xanh; cùng nhau chia sẻ những ý tưởng dự án cụ thể về các giải pháp Kinh tế xanh trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, du lịch, nông nghiệp…

 

Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn