Banner trang chủ

Ða dạng sinh học trong phát triển bền vững lưu vực sông ở Việt Nam

15/06/2015

   1. Vị trí, vai trò các LVS ở Việt Nam

   Việt Nam nằm ở phần Đông bán đảo Đông Dương, trong vùng nhiệt đới Bắc Bán cầu với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 329.241 km2, trong đó 75% diện tích là đồi núi, vùng biển có bờ biển dài khoảng 3.260 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2, vùng đất liền có hệ thống sông, suối dày đặc với khoảng 2.360 sông, trong đó có nhiều lưu vực sông (LVS) lớn trải dài từ Nam ra Bắc như LVS Mê Công, LVS Đồng Nai, LVS Ba và các sông Serepok, SeSan, Hương, Trà Khúc, Thu Bồn, Vu Gia, Lam, Cả, Mã, Hồng, Đà, Cầu.

   Các LVS lớn, nhỏ ở Việt Nam đều tập trung những đô thị sầm uất, các hương cảng giao lưu thương mại và cũng là nơi hun đúc giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu của dân tộc, thu hút khách du lịch, thăm quan giải trí bởi các dịch vụ hệ sinh thái (HST) của các LVS như: Cung cấp thực phẩm, lương thực, dược phẩm; điều hòa khí hậu; điều tiết dòng chảy môi trường, nạp nước ngầm, khu sinh thái bảo tồn và phát triển nguồn gen thực vật, động vật, vi sinh vật. Hiện có tới 50 - 60% số lượng các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam đều nằm trên LVS…

   Mặc dù các LVS có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, nhưng hiện nay các LVS ở Việt Nam đã và đang bị khai thác quá mức, bị đe dọa nghiêm trọng do các dự án phát triển hạ tầng lớn nhỏ như ngăn đập phục vụ nhu cầu thủy lợi, thủy điện, khai thác cát, khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nước, cạn kiệt nguồn nước hạ lưu… tác động xấu đến HST nhân tạo và tự nhiên hai bờ của LVS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; Làm thay đổi hiện trạng ĐDSH, mất môi trường sống của nhiều loại động vật, thực vật, thủy sinh vật (rong, tảo, cá tôm, trong đó có nhiều loài thuộc diện quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới có tên trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP), đồng thời làm suy giảm chức năng sinh thái vốn có của các LVS (điều hòa dòng chảy, hạn chế xâm nhập mặn…) ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển của ĐDSH, nguồn tài nguyên gắn liền với mưu sinh của cộng đồng không những trong LVS mà còn cả cộng đồng sống xa LVS; Làm thay đổi cấu trúc, thành phần loài đặc biệt các loài thủy sinh vật, nhịp sống của thời kỳ sinh sản, sinh trưởng, kiếm mồi. Đặc biệt, gây ảnh hưởng đến các loài cò với tập tính di cư dài, di cư kết nối theo chiều dọc sông (một số loài chim, thú, cá); Thay đổi dòng chảy tự nhiên của LVS tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật ngoại lai xâm hại vào hệ sinh thái sông (cây mai dương, cây cỏ lào, rùa tai đỏ…).

   2. Nguyên nhân xâm hại tài nguyên nước các LVS

   Đầu tiên là do ý thức của con người khai thác sử dụng tài nguyên nước (TNN) không bền vững.

   Tiếp đến, công tác quản lý theo địa giới hành chính đã bỏ qua điều kiện tự nhiên, đặc điểm tài nguyên ĐDSH mang tính liên vùng kết nối hành lang, quản lý thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ, thiếu kiểm tra, thiếu kiên quyết xử lý các vụ vi phạm LVS.

   Đồng thời, chưa coi trọng đánh giá dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về TNN, ĐDSH và các giá trị dịch vụ của các HST ở các LVS; Chưa có cơ chế phù hợp dựa vào cộng đồng, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng các LVS.

   Thiếu sự liên kết tương trợ đồng hành giữa các chính quyền địa phương, giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên LVS về quyền lợi, nghĩa vụ; Thực hiện các quy định luật pháp về sử dụng nguồn nước các LVS còn bất cập… sự đồng thuận, hợp tác chặt chẽ về sử dụng bền vững LVS giữa các nước trong khu vực còn hạn chế.

   3. Đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững LVS ở Việt Nam

   Kể từ sau Hội nghị Dublin và Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển (Rio de Janeiro, 1992) được tổ chức, phần lớn ở các nước trên thế giới đều quan tâm đến quản lý tổng hợp TNN với việc lấy LVS làm đơn vị quản lý. Các tài nguyên trên LVS có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ cùng tồn tại và phát triển; ý thức và khái niệm LVS chủ yếu gắn với TNN - trong khi nhiều nguồn tài nguyên trên cạn tương đối tĩnh thì các nguồn TNN và những yếu tố môi trường nước liên quan lại luôn biến động. Vì vậy việc quản lý TN&MT nước theo LVS là một xu thế tất yếu của Việt Nam - nói đến LVS là phải tiếp cận HST lưu vực vận dụng cả điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các LVS một cách tổng thể, liên vùng.

   Quản lý có hiệu quả việc khai thác khoảng sản, cát, bùn, chất thải rắn, chất thải nguy hại nhằm bảo vệ sự trong sạch của LVS.

   Kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ việc vận hành và hoàn phục các cảnh quan sinh thái đúng với quy định của bản báo cáo đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược sau khi vận hành, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện - khai thác khoáng sản LVS lớn (Đà, Hương, Thu Bồn, Vu Gia, Côn, Ba, Trà Khúc, Đồng Nai…)

   Trồng ở LVS các loài cây có khả năng thích nghi với độ ẩm cao chịu nước nhất là các loài cây có khả năng xử lý ô nhiễm môi trường như: Cây sậy, trúc, cỏ retiver…

   Bảo vệ có hiệu quả các khu rừng nguyên sinh, thứ sinh, các thảm thực vật tự nhiên, nhân tạo vì bản thân chúng có chức năng bảo vệ vùng đất LVS hạn chế tác động của xói lở, giảm động lực của sóng và dòng chảy, góp phần ổn định và mở rộng các bãi bồi. Đó là các barie địa hóa quan trọng lưu giữ và hạn chế các chất ô nhiễm từ khai thác, từ sản xuất, từ sinh hoạt, chăn nuôi… đồng thời, cung cấp các vật liệu thực vật (lá) rơi rụng, góp phần làm giàu chất dinh dưỡng dưới dạng các chất hữu cơ hòa tan chuyển thành nguồn thức ăn nuôi sống các loài động vật thủy sinh ở các LVS.

   Cần có cơ chế phù hợp để huy động giám sát của cộng đồng địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ… về phát triển bền vững LVS.

   4. Kết luận

   LVS có vai trò rất quan trọng trong phát triển bền vững của đất nước, LVS phân bố đều trên 8 vùng sinh thái của Việt Nam, có ý nghĩa sống còn không những đối với 54 cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn có mối liên quan chặt chẽ với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia). Đề nghị Quốc hội cần nghiên cứu xây dựng Bộ luật chuyên sâu về bảo vệ bền vững môi trường LVS Việt Nam.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)

 

Ý kiến của bạn