Banner trang chủ

Thực trạng triển khai tín dụng xanh đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới

29/11/2022

    Phát triển thị trường tín dụng xanh đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia. Kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đang có những chuyển hướng tích cực, phát triển thông qua các dự án như tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tuy nhiên, việc áp dụng các chính sách tín dụng xanh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Bài viết phân tích thực trạng tín dụng xanh tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh trong thời gian tới.

Thực trạng triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam

    Nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể hóa kế hoạch hành động cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý cho cho lĩnh vực này. Cụ thể, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư BVMT” [2]. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh dần được hoàn thiện. Luật BVMT năm 2020, (Điều 149) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định về tín dụng xanh. Đây là những quy định mới, tạo cơ hội để tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn vốn từ hai thị trường tiềm năng này, góp phần thực hiện thành công chủ trương phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các bon thấp, khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường ở Việt Nam.

    Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, nhiều chính sách được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực triển khai nhằm phục vụ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với các văn bản gồm: Chỉ thị số 03/ CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; ngày 7/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc BVMT, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường. Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án TDX… Cùng với đó, trong các năm 2018, 2019, NHNH đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế. Đây được xem là “cẩm nang” giúp các tổ chức tín dụng nhận diện và chủ động quản lý các rủi ro môi trường – xã hội có thể gây tác động xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án được cấp tín dụng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.

Thị trường tín dụng xanh tập trung vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch...

    Thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của NHNN, thị trường tín dụng xanh đã tăng nhanh trong những năm qua, theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến gần 445 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021, tăng 35,56% so với năm 2020. Như vậy, trong 6 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh lên đến 379%, trung bình tăng 63%/năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn này. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn: dư nợ “tín dụng xanh” chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đến cuối năm 2021 là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 13,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế.

    Tăng trưởng tín dụng xanh  đã cải thiện hơn vào năm 2021 sau khi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với việc Ngân hàng Standard Chartered đã cam kết thu xếp khoản tài chính lên tới 6 tỷ USD để tài trợ cho các dự án xanh mà Tập đoàn T&T Group triển khai tại Việt Nam. Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP. Hồ ChíMinh (HDBank) cùng Quỹ Đầu tư Quốc tế (Affinity) và Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp (Proparco) cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ và huy động vốn trị giá 400 triệu USD nhằm tài trợ cho các chương trình phát triển bền vững, tài trợ các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Nhờ đó, tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng năm 2021 tại Việt Nam mới đạt mức 4,32% và dự báo có thể đạt ở mức bình quân khoảng 4,8% trong 3 năm tiếp theo.

    Về cơ cấu dư nợ theo kỳ hạn, tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng trung và dài hạn hiện chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh, trong đó lãi suất cho vay các lĩnh vực xanh ngắn hạn từ 5 - 8%/năm; trung và dài hạn từ 9 - 12%/năm. Về cơ cấu theo lĩnh vực, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 32% tổng dư nợ tín dụng xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 47%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11% và lâm nghiệp bền vững chiếm 5%.

    Hiện đã có 84 tổ chức tín dụng đã gửi báo cáo kết quả triển khai Quyết định số 1552/ QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, đại diện cho trên 80% dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, mới có 67/84 tổ chức tín dụng triển khai các nội dung có liên quan về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh, trên cơ sở lồng ghép các quy định, văn bản chỉ đạo điều hành trong hoạt động ngân hàng. Một số Ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam có tỷ trọng TDX cao như: Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, Vietinbank, VPBank, Nam Á Bank, HD Bank....  

Một số khó khăn, thách thức trong phát triển tín dụng xanh

    Mặc dù, sự phát triển của thị trường tín dụng xanh của Việt Nam trong những năm qua đã có những bước khởi động tích cực từ sự hỗ trợ từ phía chính phủ cũng như các tổ chức tài chính quốc tế... tuy nhiên, vẫn còn nhựng hạn chế, khó khăn, thách thức như: các quy định, định nghĩa cụ thể về các danh mục, ngành lĩnh vực xanh vẫn chưa được thống nhất để có thể áp dụng chung trên cả nước. Điều này dẫn tới khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, lĩnh vực xanh hiện vẫn thiếu khuôn khổ pháp lý, các tiêu chí đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường để hỗ trợ xây dựng chính sách, sản phẩm phát triển tín dụng xanh; các phương án kinh doanh cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe về bảo vệ môi trường, các thủ tục vay vốn phức tạp. Chính vì những yêu cầu này, khách hàng sẽ ít có nhu cầu sử dụng sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng nếu không có hỗ trợ lãi suất hay những cơ chế ưu đãi khác. Nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao. Ðể có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng.

    Mặt khác, các dự án xanh được xem là lĩnh vực được ưu tiên cho vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất cho vay đối với các dự án xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt với các khoản vay khác của ngân hàng. Mức lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,2-9,4%/năm, các khoản vay trung dài hạn khoảng 9,4- 11,4%/năm. Điều này là do thực tế, lĩnh vực “xanh” vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh chi phí đầu tư...

    Ngoài ra, nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế. Nhiều  tổ chức tín dụng chưa có một đơn vị phòng ban chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động từ dòng tiền huy động được từ nguồn tín dụng xanh trong suốt vòng đời dự án. Trên thị trường Việt Nam cũng chưa có các đơn vị cung cấp dịch vụ xác nhận tín dụng xanh. Ngoài ra, các thách thức đến từ thị trường như vấn đề quy mô tối thiểu, trong đó nhiều dự án quy mô nhỏ không đáp ứng các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới.

Một số giải pháp thúc đẩy phát riển tín dụng xanh trong thời gian tới

    Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tín dụng xanh đang có những chuyển hướng tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư ngày càng cao. Kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng cho thấy, sự hiểu biết của các tổ chức tín dụng về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã cải thiện đáng kể và ngày càng được nâng lên. Nhiều tổ chức tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược có tính đến rủi ro môi trường, xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng xanh; quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp cho các dự án này, chủ yếu trong trung - dài hạn và có ưu đãi lãi suất.

    Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26),Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Với cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế. Để chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tiễn, một số giải pháp thúc đẩy phát triển tín dụng xanh cần được triển khai trong thời gian tới như:

    Thứ nhất, phát huy hơn nữa vai trò của Chính phủ kiến tạo trong phát triển tín dụng xanh. Thực tế quá trình phát triển tín dụng xanh những năm vừa qua Việt Nam đã tồn tại không ít khó khăn. Đối với các quốc gia đang phát triển trong giai đoạn đầu triển khai tăng trưởng xanh và kinh tế xanh như Việt Nam, sự tham gia và hỗ trợ tích cực của Chính phủ và sự hỗ trợ từ bên ngoài cho chiến lược tài chính xanh có vai trò hết sức quan trọng. NHNN đã cung cấp Danh mục dự án xanh theo Công văn số 9050 ngày 3/11/2017, bao gồm 12 lĩnh vực xanh kèm theo các định nghĩa, ví dụ và tham chiếu đến các văn bản quy định của các Bộ liên quan. Tuy nhiên, danh mục ngành xanh này chưa tham chiếu đến phân loại quốc tế. Do đó, Chính phủ cần xây dựng các danh mục về lĩnh vực xanh phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế.

    Thứ hai, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển của tín dụng xanh, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về tín dụng xanh để các NHTM làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Cùng với đó, nghiên cứu chính sách lãi suất phù hợp khi thực hiện cấp tín dụng xanh theo hướng không chỉ ưu tiên hỗ trợ về lãi suất mà còn cần có những hướng dẫn đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường – xã hội cho một số ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng nói chung, ngân hàng thương mại nói riêng.

    Thứ ba, ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu của Luật BVMT năm 2020; xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các ngân hàng thương mại thực hiện tín dụng xanh như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động cho vay dự án, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu cho mục đích tín dụng xanh phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, các khoản vay này được ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay so với các lĩnh vực khác…

    Thứ tư, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với các ngành kinh tế của Việt Nam để làm căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; phát triển thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

    Thứ năm, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh. Đây là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao tính cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trong lĩnh vực tín dụng xanh. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh, tài chính xanh cho mọi đối tượng liên quan trong xã hội một cách thiết thực, hiệu quả và rộng rãi. Khi nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh nâng cao thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, công nghệ xanh cũng có cơ hội phát triển. Các định chế tài chính được đánh giá cao bởi vai trò của chúng trong việc tài trợ để phát triển các doanh nghiệp xanh, công nghệ xanh, hướng đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Ngoài ra, đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh…

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thực trạng triển khai tín dụng xanh và những giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

2. Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).

3. Luật BVMT năm 2020;  Chỉ thị số 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QÐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020…

 

Trần Thế Anh

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn