Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước khu vực miền Trung và Tây Nguyên những tháng đầu năm 2022

30/06/2022

    Năm 2022, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên, được giao thực hiện Chương trình quan trắc tại 33 điểm không khí thuộc địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định); 36 điểm nước mặt trên 2 lưu vực sông (LVS): Hương, Vu Gia - Thu Bồn tại 4 tỉnh, TP (Kon Tum, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế); môi trường nước biển ven bờ tại 34 điểm thuộc 7 tỉnh, TP (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Sau đây là diễn biến chất lượng môi trường không khí và nước đợt 1 năm 2022 (thực hiện từ tháng 3/2022).

1. Hiện trạng chất lượng môi trường không khí

    Qua kết quả quan trắc môi trường không khí đợt 1/2022 tại 5 tỉnh miền Trung cho thấy: có 6/33 vị trí quan trắc có giá trị TSP vượt QCVN 05:2013/BTNMT (QCVN 05), chiếm tỷ lệ 18,2% và 17/33 vị trí có giá trị tiếng ồn vượt QCVN 26:2010/BTNMT (QCVN 26), chiếm tỷ lệ 51,5%. So với kết quả của đợt quan trắc gần nhất trước đó (đợt 8/2021) thì chất lượng môi trường không khí đợt 1/2022 xuất hiện 6 điểm có giá trị TSP vượt QCVN 05 (tăng 3 điểm vượt QCVN 05, đợt 8/2021 có 3/33 điểm TSP vượt giới hạn cho phép của QCVN 05, chiếm tỷ lệ 9,1%) và tiếng ồn xuất hiện 17 điểm có giá trị vượt giới hạn cho phép QCVN 26 (tăng 5 điểm vượt QCVN 26, đợt 8/2021 có 12/33 điểm vượt giới hạn cho phép của QCVN 26, chiếm tỷ lệ 36,4%).

Bảng 1. Tỷ lệ % thông số vượt ngưỡng trong môi trường không khí tại khu vực miền Trung 6 tháng cuối năm 2021

TT

Thông số

Đơn vị

Tổng số kết quả

Giá trị lớn nhất

Giá trị vượt QCVN

Tỷ lệ %

QCVN 05

QCVN 26

Số vị trí

vượt

1

TSP

µg/m3

33

348

300

-

6

18,2

2

NO2

µg/m3

33

36

200

-

0

0

3

SO2

µg/m3

33

38

350

-

0

0

4

Tiếng ồn

dBA

33

80,9

-

70

17

51,5

                   
 

    Các điểm quan trắc có giá trị vượt quy chuẩn tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp, cụ thể: trước ôtô Trường Hải (348 µg/m3), Đông khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh (311 µg/m3), Đông Nam KCN Phú Bài (324 µg/m3), Tây KCN Liên Chiểu (336 µg/m3), Đông Bắc KCN Quảng Phú (307 µg/m3) và chợ Đông Ba (308 µg/m3).

    Giá trị TSP trung bình cao nhất tại điểm đo gần chỗ ô tô Trường Hải – Quảng Nam (348 µg/m3) vượt QCVN 05 với 1,16 lần, nguyên nhân đây là nút giao thông ngay đường Quốc lộ 1A nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông làm gia tăng giá trị TSP.

    Giá trị TSP trung bình thấp nhất tại điểm đo KDC phía Tây KCN Tam Hiệp - Quảng Nam (167 µg/m3) do đây là điểm tập trung dân cư thưa thớt, phương tiện qua lại tại vị trí này tương đối thấp, dao động từ 4 -55 chiếc.

Biểu đồ 1. Giá trị TSP vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung 03 tháng đầu năm 2022

    Ô nhiễm tiếng ồn tập trung tại các điểm quan trắc trên tuyến giao thông lớn và điểm gần KCN, đặc biệt vào các giờ cao điểm, mức độ ồn dao động trong khoảng 52,8 – 80,9 dBA. Trong đó có 17/33 điểm (vị trí) vượt QCVN 26 (70 dBA, áp dụng với khung thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, cho khu vực thông thường), giá trị cao nhất ghi nhận tại điểm đo trước ô tô Trường Hải (80,9 dBA).

Biểu đồ 2. Giá trị tiếng ồn vùng KTTĐ miền Trung 3 tháng đầu năm 2022

2. Hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt

    Chất lượng môi trường nước mặt 3 tháng đầu năm 2022 được đánh thông qua kết quả quan trắc đợt 1 năm 2022 (tháng 3/2022) tại LVS Vu Gia - Thu Bồn (30 điểm quan trắc) và sông Hương (6 điểm quan trắc) có chỉ số VN_WQI trung bình dao động từ 72 - 98, chất lượng nước đạt mức trung bình đến rất tốt, trong đó: có 16/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 44,4%), 17/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 47,2%), 3/36 điểm quan trắc có chất lượng nước chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 8,3%).

Biểu đồ 3. Chất lượng môi trường nước theo chỉ số VN_WQI trên 2 LVS tại miền Trung và Tây Nguyên 3 tháng đầu năm 2022

LVS Hương

    Chất lượng nước trên LVS Hương 3 tháng đầu năm 2022 có giá trị VN_WQI trung bình nằm trong khoảng 76 – 98. Nhìn chung, chất lượng nước trên LVS Hương duy trì ở mức tốt đến rất tốt, cụ thể: có 4/6 điểm quan trắc nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 66,7%), 2/6 điểm quan trắc nước sông có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 33,3%).

Biểu đồ 4. Diễn biến VN_WQI trên Sông Hương 3 tháng đầu năm 2022

LVS Vu Gia - Thu Bồn

    Chất lượng nước trên LVS Vu Gia - Thu Bồn 3 tháng đầu năm 2022 có giá trị WQI trung bình nằm trong khoảng 72 - 98, có 12/30 điểm có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 40,0%), 15/30 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 50,0%), 3/30 điểm quan trắc có chất lượng nước chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 10,0%).

Biểu đồ 5. Diễn biến chất lượng nước trên sông Thu Bồn 3 tháng đầu năm 2022

Biểu đồ 6. Diễn biến chất lượng nước trên sông Vu Gia 3 tháng đầu năm 2022

3. Chất lượng môi trường nước biển ven bờ

    Khu vực ven biển duyên hải miền Trung trong những tháng đầu năm 2022 được đánh giá thông qua kết quả quan trắc đợt 1 năm 2022 (tháng 3) tại 34 điểm tập trung tại khu vực ven biển của 7 tỉnh/TP (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định). Trong đó, vùng ven biển Quảng Bình (10 điểm), Quảng Trị (6 điểm), Thừa Thiên - Huế (8 điểm); Đà Nẵng (2 điểm); Quảng Nam (3 điểm); Quảng Ngãi (3 điểm) và Quy Nhơn (2 điểm). Trong đó, 3 thông số (N-NH4+, P-PO43- và dầu mỡ khoáng) vượt QCVN 10-MT:2015/BTNMT, cụ thể như sau:

Giá trị N-NH4+                    

    Giá trị N-NH4+ dao động từ <0,09 – 0,78 mg/L, với giá trị cao nhất tại Âu thuyền Thọ Quang là 0,78 mg/L, vượt 1,56 lần QCVN 10 cột 2. Trong đó: có 14/34 điểm quan trắc vượt QCVN 10 cột 1 (0,1 mg/L), chiếm tỷ lệ 41,2% và 1/34 điểm vượt QCVN 10 cột 2 (0,5 mg/L), chiếm tỷ lệ 2,9%.

Biểu đồ 7. Giá trị N-NH4+ vùng ven biển duyên hải miền Trung 3 tháng đầu năm 2022

Giá trị P-PO43-­­

    Giá trị P-PO43- dao động từ  <0,024 – 0,246 mg/L, với giá trị cao nhất tại Cửa Ròn là 0,246 mg/L, vượt 1,23 lần QCVN 10 cột 1. Trong đó, có 4/34 điểm quan trắc vượt QCVN 10 cột 1 (0,2 mg/L), chiếm tỷ lệ 11,8%, không có điểm nào vượt QCVN 10 cột 2 (0,3 mg/L).

Biểu đồ 8. Giá trị P-PO43-­­ vùng ven biển duyên hải miền Trung 3 tháng đầu năm 2022

Dầu mỡ khoáng

    Giá trị dầu mỡ khoáng dao động từ <0,3 - 0,78 mg/L, trong đó: có 1/10 điểm quan trắc vượt QCVN 10 cột 1&2, chiếm tỷ lệ 10%.

Biểu đồ 9. Giá trị dầu mỡ khoáng vùng ven biển duyên hải miền Trung 3  tháng đầu năm 2022

4. Kết luận

    Qua kết quả quan trắc môi trường không khí và nước tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đợt 1 năm 2022 cho thấy:

    Môi trường không khí: Các thông số phân tích (NO2, SO2) đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 05:2013/BTNMT. Ô nhiễm bụi và tiếng ồn tập trung chủ yếu ở các trục đường giao thông và gần các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp. Chất lượng môi trường không khí đợt 1/2022 giảm so với đợt 8/2021.

    Môi trường nước mặt: Chất lượng nước mặt tại LVS Vu Gia - Thu Bồn và LVS Hương đợt 1/2022 có chỉ số VN_WQI chất lượng nước dao động từ 72 – 98; trong đó 16/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 44,4%), 17/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 47,2%), 3/36 điểm quan trắc có chất lượng nước chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 8,3%). Chất lượng nước đợt 1/2022 tốt hơn so với đợt 8/2021 (đợt 8/2021: chỉ số VN_WQI chất lượng nước dao động từ 68 - 96), trong đó 5/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt (chiếm tỷ lệ 13,9%), 25/36 điểm quan trắc có chất lượng nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp (chiếm tỷ lệ 69,4%) và 6/36 điểm quan trắc có chất lượng nước chỉ sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (chiếm tỷ lệ 16,7%). Nước sông bị ô nhiễm chủ yếu bởi các thông số (TSS, COD, BOD5, N-NH4+, N-NO2-, Fe và Cl-). Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường nước mặt là do ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác cát, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, chăn thả gia cầm trên sông, canh tác hoa màu, nước thải sinh hoạt của các khu dân cư gần các LVS chưa được xử lý đạt chuẩn thải ra và chịu ảnh hưởng lớn của sự xâm nhập mặn. Đối với các vị trí quan trắc trầm tích, hiện tại chưa có dấu hiệu ô nhiễm các thông Pb, As, Hg, và hóa chất BVTV nhóm Clo hữu cơ.

    Môi trường nước biển ven bờ: Chất lượng môi trường nước biển ven bờ đợt 1/2022 có xu hướng tốt hơn so với đợt 6/2021. Nước biển ven bờ bị ô nhiễm chủ yếu bởi 3 thông số: N-NH4+, P-PO43- và dầu mỡ khoáng. Nguyên nhân nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ là do ảnh hưởng bởi hoạt động dịch vụ cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá (Âu thuyền Thọ Quang), hoạt động du lịch và nước thải sinh hoạt chưa được xử lý đạt chuẩn thải ra gây ô nhiễm nước biển ven bờ. Chất lượng môi trường trầm tích biển chưa có dấu hiệu ô nhiễm (4 thông số: Hg, As, Cd và Pb), tất cả các điểm quan trắc đều đạt QCVN 43 (cột trầm tích nước mặn, nước lợ).

ThS. Phạm Quang Hiếu

ThS. Chu Thị Quỳnh

ThS. Phạm Thị Hữu

Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)

Ý kiến của bạn