Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Triển khai sáng kiến về tài chính cho đa dạng sinh học tại Việt Nam

19/08/2019

     Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú nhất trên thế giới, với sự có mặt của rất nhiều hệ sinh thái (rừng trên cạn, đất ngập nước, hệ sinh thái biển), trong đó có 11.458 loài động vật, 21.017 loài thực vật, cùng các nguồn gen độc đáo. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ước ĐDSH (CBD), mặc dù ĐDSH mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng nguồn tài chính cho bảo tồn trên toàn cầu hiện đang bị thiếu hụt, gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn. Do vậy, nhằm giải quyết những thách thức về tài chính ĐDSH một cách toàn diện, tại cuộc họp COP-11 của CBD (tháng 10/2012), UNDP đã khởi xướng Sáng kiến BIOFIN. Hiện nay, 35 quốc gia trên thế giới đã tham gia BIOFIN, trong đó có Việt Nam.

     Dự án BIOFIN ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2017, với mục tiêu đánh giá, phân tích hiện trạng kinh phí và nhu cầu tài chính cho công tác bảo tồn ĐDSH để xây dựng, thí điểm kế hoạch huy động các nguồn lực cho ĐDSH. Công việc này được thực hiện thông qua việc phân tích các chính sách, thể chế hiện hành và các chủ thể tài chính trong quản lý ĐDSH ở cấp quốc gia để xác định các động lực chính và lĩnh vực ảnh hưởng đến ĐDSH. Giai đoạn I có các sản phẩm chính: Báo cáo Rà soát chính sách và thể chế tài chính cho ĐDSH (PIR); Đánh giá chi tiêu ĐDSH (BER) và Đánh giá nhu cầu tài chính ĐDSH (FNA); Kế hoạch tài chính cho ĐDSH (BFP). Bên cạnh đó, hai hoạt động thí điểm về nâng cấp cơ sở vật chất cho Bảo tàng thiên nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương và đánh giá các cơ chế tài chính theo hướng áp dụng quản lý ngân sách theo kết quả (RBB) cũng được triển khai, nhằm củng cố các cơ chế tài chính được đề xuất trong Kế hoạch huy động tài chính cho ĐDSH.

 

Nhóm công tác của BIOFIN làm việc với Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương

 

     Rà soát chính sách và thể chế (PIR) là báo cáo đầu tiên của các nước tham dự Dự án. Đây là phương pháp tiếp cận được sử dụng rộng rãi để đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của các chính sách và thể chế trong một lĩnh vực nhất định. Mục đích của Báo cáo tại Việt Nam là phân tích khung tài chính, kinh tế, pháp lý, chính sách và thể chế, làm cơ sở tiến hành cải thiện cũng như mở rộng các giải pháp tài chính hiệu quả cho ĐDSH, đồng thời xác định các rào cản.

     Để xây dựng các khuyến nghị cụ thể cho việc lồng ghép giải pháp về ĐDSH, PIR thiết lập bối cảnh và định hướng cơ sở cho toàn bộ quá trình BIOFIN. Kết quả cho thấy, tài chính cho bảo tồn ĐDSH được đề cập trong các văn bản và chính sách pháp luật khác nhau ở Việt Nam, kể cả ở cấp cao nhất là trong Hiến pháp quốc gia. Điều này chứng tỏ nhận thức ngày càng tăng của xã hội về bảo tồn ĐDSH.

     Ngân sách nhà nước là nguồn tài chính quan trọng nhất cho công tác bảo tồn ĐDSH nhưng nguồn ngân sách này còn thấp, chưa phù hợp với các đóng góp của ĐDSH và dịch vụ môi trường đối với nền kinh tế. Trong các chính sách phân bổ ngân sách của Chính phủ, chi tiêu cho ĐDSH được ẩn trong các mục chi tiêu khác và ĐDSH cũng không được xem xét trong chương trình đầu tư của Chính phủ từ nay cho đến năm 2020.

     Rà soát chi tiêu cho ĐDSH (BER) được sử dụng để tìm hiểu nguồn kinh phí dành cho ĐDSH và nguồn ngân sách, chi tiêu có phù hợp với các ưu tiên về ĐDSH của quốc gia. BER tập trung vào chi tiêu của các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý ĐDSH tại Việt Nam được giao chính thức gồm các Bộ: TN&MT, Y tế, NN&PTNT, KH&CN, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Kết quả của BER cho thấy, từ năm 2011 - 2015, Việt Nam đã chi trung bình 4.582.003 triệu đồng mỗi năm cho bảo tồn ĐDSH. Phần lớn chi tiêu cho ĐDSH ở Việt Nam là từ các nguồn lực của ngân sách Chính phủ (77%), tiếp theo từ các nguồn lực xã hội (19%) và khu vực tư nhân (4%). Thực tế này cho thấy, công tác bảo vệ tài nguyên ĐDSH đang phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện chi tiêu công đã, đang giảm và tổng chi tiêu cho ĐDSH hàng năm có liên quan chặt chẽ với GDP. Các nguồn tài chính được phân bổ để hỗ trợ các mục tiêu bảo tồn ĐDSH được Chính phủ ưu tiên, cụ thể là 40% cho sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH; 34% cho bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; 13% cho kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH và dưới 10% cho giảm nhẹ biến đổi khí hậu cùng các mục tiêu khác.

 

Toàn cảnh Hội thảo Tổng kết Dự án BIOFIN pha I, tại Hà Nội, ngày 20/6/2019

 

     Nhằm mục đích ước tính nhu cầu tài chính để thực hiện tất cả các hoạt động bảo tồn ĐDSH được nêu trong Chiến lược quốc gia về ĐDSH của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đánh giá nhu cầu tài chính (FNA) đã được thực hiện. FNA đánh giá nhu cầu tài chính để quản lý tối ưu hệ thống khu bảo tồn (KBT) ở Việt Nam theo 2 kịch bản: Một kịch bản cơ sở tập trung vào việc duy trì hệ thống KBT hiện có và một kịch bản đầy đủ bao gồm việc mở rộng hệ thống KBT theo các quy hoạch đã thông qua. Kịch bản 1 cho thấy, tổng nguồn lực tài chính cần thiết để duy trì hệ thống KBT ước tính khoảng 7.963 tỷ đồng trong năm 2018, tăng dần lên 12.749 tỷ đồng vào năm 2030. Kịch bản 2 cho thấy, đến năm 2030, tổng nguồn lực tài chính cần thiết để quản lý tối ưu ĐDSH trong hệ thống KBT sẽ tăng từ 7.963 tỷ đồng trong năm 2018, tăng dần lên 16.694 tỷ đồng vào năm 2030. So sánh tình hình tài chính hiện tại của BER được dự báo đến năm 2030 với nhu cầu tài chính ước tính của FNA để quản lý tối ưu ĐDSH cho thấy, theo kịch bản cơ sở, khoảng trống tài chính giảm dần đến năm 2030. Tuy nhiên, theo kịch bản đầy đủ, khoảng trống sẽ tăng gấp đôi đến năm 2025, sau đó giảm nhẹ cho đến năm 2030. Rõ ràng, theo cả hai kịch bản, nhu cầu tài chính để quản lý tối ưu ĐDSH ở Việt Nam và để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia sẽ vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

     Kế hoạch tài chính cho ĐDSH (BFP) đã vạch ra các giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. BFP phác thảo 3 nhóm giải pháp là: tạo doanh thu; tránh các chi tiêu ĐDSH trong tương lai và sử dụng các nguồn tài chính một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các giải pháp ưu tiên được đề xuất bao gồm: Phát triển du lịch bền vững và các dịch vụ tạo doanh thu trong các KBT; Mở rộng việc áp dụng chi trả dịch vụ môi trường cho các dịch vụ môi trường biển; Thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) để hỗ trợ cho bảo tồn ĐDSH; Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cho bảo tồn ĐDSH; Tăng cường bồi hoàn ĐDSH; Áp dụng hệ thống kế toán kinh tế - môi trường; Tạo mã mục lục ngân sách cho bảo tồn ĐDSH và Áp dụng lập ngân sách dựa theo kết quả. Các giải pháp tài chính thí điểm của Việt Nam cho đến nay bao gồm: Nâng cấp cơ sở vật chất cho bảo tàng thiên nhiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương; đánh giá các cơ chế tài chính theo hướng áp dụng quản lý ngân sách theo kết quả (RBB). Áp dụng các thực hành tốt của quốc tế, một bản thiết kế đã được xây dựng cho bảo tàng, cùng với các cơ chế tự tạo nguồn tài chính bổ sung ổn định giúp hỗ trợ thực hiện tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của bảo tàng.

     Trong giai đoạn 2, Dự án BIOFIN tiếp tục triển khai các giải pháp tài chính ĐDSH. Dự kiến BIOFIN sẽ cùng với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động giám sát và báo cáo ĐDSH. Ngoài ra, BIOFIN sẽ phối hợp với KBT biển Hòn Cau xây dựng đề án thu phí dịch vụ du lịch. Nếu việc thu phí tại Hòn Cau được triển khai đồng bộ, đây sẽ là nguồn thu quan trọng cho công tác bảo tồn.

     Trong tương lai, việc cung cấp tài chính cho mở rộng và vận hành hệ thống các KBT là một trong những nội dung cần ưu tiên. Do đó, cần xây dựng lộ trình cho các KBT được ưu tiên thành lập mỗi năm, để đánh giá một cách thực tế các khoảng trống tài chính. Điều này phụ thuộc vào kế hoạch tổng thể chi tiết, trong đó các cơ quan về ĐDSH ở cấp Trung ương và địa phương sẽ nghiên cứu danh sách các KBT mới được thành lập mỗi năm. Hy vọng rằng các giải pháp tài chính thuộc 3 nhóm giải pháp đề xuất ở trên sẽ sớm được triển khai, với mục tiêu cuối cùng là khôi phục và bảo tồn nguồn tài nguyên ĐDSH phong phú của Việt Nam.

 

Bùi Hòa Bình

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn