Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Bàn về việc lập quy hoạch trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam

15/09/2015

                                                 Quy hoạch môi trường sẽ là căn cứ hữu ích và quan trọng để bố trí các hoạt động phát triển                                                                                  Trong ngôn ngữ tiếng Việt, danh từ “quy hoạch” (Q) hoàn toàn khác với danh từ “kế hoạch” (K), nhưng ở hầu hết các nước phương Tây (kể cả Mỹ) hai danh từ Q và K này đều được gọi chung là “plan”. Từ “planning” trong tiếng Anh hoặc từ “plani-ro-va-nie” trong tiếng Nga là “danh động từ” - là việc làm để tạo ra “plan” (ở ta hay gọi là lập hoặc xây dựng Q, lập hoặc xây dựng K). Lâu nay ở Việt Nam vẫn có sự hiểu và phân định không rõ về hai khái niệm Q và K, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT).      Theo kinh nghiệm thế giới có hai loại Q nói chung thường được lập:      Một là, lập Q về mặt không gian (tiếng Anh là “spatial planning”) – đây là việc phân chia không gian tại một vùng lãnh thổ nhất định nào đó (khu vực, quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) cho các mục đích sử dụng khác nhau dựa trên các đặc điểm về tự nhiên của vùng đó (trước đây ở Việt Nam hay gọi là “phân vùng” – tiếng Anh là “zoning”) – sản phẩm cuối cùng là một văn bản kèm theo bản đồ thể hiện các mục đích sử dụng không gian khác nhau (tiếng Anh gọi sản phẩm này là “spatial plan”);      Hai là, lập Q về những việc cần làm trên một vùng lãnh thổ nhất định nào đó (khu vực, quốc gia, vùng, tỉnh, huyện), trong đó nhiều nhất là việc lập Q về sự phát triển (tiếng Anh là “development planning”) – sản phẩm cuối cùng là một văn bản kèm theo bản đồ thể hiện những việc cần phải làm tại vùng được quy hoạch (tiếng Anh gọi sản phẩn này là “development plan”).      Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, chúng ta thường bắt đầu từ việc lập/xây dựng “chiến lược” (C), tiếp đến là lập/xây dựng Q rồi đến lập/xây dựng K. Như vậy, trong lĩnh vực BVMT ở Việt Nam có thể và cần thiết phải lập (xây dựng) 2 loại Q sau:      - Lập Q về không gian của các thành phần môi trường quan trọng mà trước hết là môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và môi trường sinh vật. Đây là việc phân vùng các thành phần môi trường tại một vùng lãnh thổ cho các mục đích sử dụng khác nhau dựa trên sự đánh giá về chất lượng của chúng ở thời điểm hiện tại (hiện trạng), dự báo chất lượng trong tương lai theo kỳ Q đặt ra (5 năm, 10 năm hoặc dài hơn), trong đó quan trọng nhất là việc đánh giá và dự báo sức chịu tải của các thành phần môi trường đối với các áp lực từ việc sử dụng chúng, đặc biệt là áp lực từ các hoạt động phát triển. Loại Q này nên được gọi là “Quy hoạch môi trường”. Quy hoạch môi trường sẽ là căn cứ hữu ích và quan trọng để bố trí các hoạt động phát triển mới, điều chỉnh các hoạt động phát triển hiện tại sao cho phù hợp với các thành phần môi trường ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.      - Lập Q về những việc cần làm để BVMT mà ta hay nói là “các hoạt động BVMT” tại một vùng lãnh thổ nào đó, như: Xây dựng chính sách, pháp luật về môi trường; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về môi trường; xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên…; xây dựng, bố trí các biện pháp phi công trình và các biện pháp công trình về BVMT (trong các văn bản hiện tại hay gọi biện pháp công trình này là “công trình BVMT”, như: công trình xử lý nước thải, khí thải…; công trình hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn; công trình chống xói mòn/sụt/trượt/lở đất, công trình chống xỏi lở bờ sông, bờ biển… ); xây dựng, tăng cường năng lực về BVMT; truyền thông về BVMT… Đây là căn cứ để các cơ quan hữu trách bố trí kế hoạch thực hiện từng công việc về BVMT ở từng nơi, từng giai đoạn cụ thể. Loại Q này nên được gọi là “quy hoạch BVMT” (hầu như ngành, lĩnh vực nào cũng có quy hoạch của mình thì tại sao ngành/lĩnh vực BVMT lại không ? Bộ/Sở TN&MT, Tổng cục Môi trường… có tên gắn chữ “môi trường” nhưng thực chất là đang làm công tác về BVMT). Quy hoạch BVMT có thể được xây dựng một cách tổng hợp cho tất cả các nội dung đã nêu, có thể xây dựng riêng cho một hoặc một vài nội dung trong số đó tùy theo yêu cầu đặt ra; quy hoạch BVMT có thể là của Nhà nước, của các doanh nghiệp… tùy theo tính chất, nội dung, yêu cầu của hoạt động BVMT đặt ra. Căn cứ để xây dựng quy hoạch BVMT là các văn kiện có liên quan của cấp ủy Đảng về phát triển, về BVMT; các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển, về BVMT của Nhà nước; các dự án đầu tư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện có thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Nếu thoát ly khỏi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, cơ sở này thì quy hoạch BVMT sẽ trở thành “lơ lửng” và vì thế sẽ là vô nghĩa. Việc xây dựng “quy hoạch BVMT” tuy cũng không đơn giản nhưng sẽ dễ dàng hơn “quy hoạch môi trường” và có thể khả thi ở mức độ nhất định trong điều kiện hiện tại của Việt Nam.      Xin nêu một số điểm cụ thể về hai loại Q này như sau:      1. Đối với Q môi trường:      Các loại Q môi trường có thể được lập:      - Q môi trường chung cho tất cả các thành phần môi trường (đất, nước, không khí, sinh vật) và có thể được gọi là “Q môi trường tổng hợp”;      - Q môi trường riêng cho từng thành phần môi trường, như: Đất, nước, không khí … và có thể được gọi tương ứng là “Q môi trường đất”, “Q môi trường nước”, “Q môi trường không khí”… (tạm gọi loại này là “Q môi trường chuyên đề”).       Căn cứ để lập Q môi trường tổng hợp:      Ngoài những căn cứ để lập Q nói chung, như: Cơ sở pháp lý, khả năng về các nguồn lực… việc lập Q môi trường tổng hợp phải dựa vào các căn cứ sau đây:      - Chuỗi các dữ liệu, số liệu đã có từ quá khứ cho đến thời điểm lập Q về quan trắc chất lượng các thành phần môi trường;      - Các thông tin (tài liệu, dữ liệu, số liệu) khác đã có từ quá khứ cho đến thời điểm lập Q về các điều kiện tự nhiên, các thành phần môi trường); đặc biệt là các kết quả nghiên cứu, các thử nghiệm có liên quan đến môi trường.       Nội dung của Q môi trường tổng hợp:      Ngoài những nội dung thông thường của một Q nói chung, Q môi trường tổng hợp cần có những nội dung cơ bản sau:      - Đánh giá thực trạng của các điều kiện tự nhiên, các thành phần môi trường ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan;      - Dự báo diễn biến (xu hướng biến đổi) của các điều kiện tự nhiên và các thành phần môi trường ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan cho đến những thời điểm nhất định trong tương lai tùy theo thời hạn của Q;      - Đánh giá thực trạng sức chịu tải của các thành phần môi trường ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan ở thời điểm hiện tại (hiện trạng);     - Dự báo sức chịu tải của các thành phần môi trường đến những thời điểm nhất định trong tương lai ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan;      - Phân vùng không gian các thành phần môi trường theo các mục đích sử dụng (như mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành/lĩnh vực, bảo tồn thiên nhiên…);      - Các biện pháp thực hiện Q.      Về Q môi trường chuyên đề, tùy theo từng thành phần môi trường cần lập (nước, không khí, đất, sinh vật…) mà lựa chọn căn cứ và nội dung cho phù hợp với từng thành phần môi trường của Q.      2. Đối với Q BVMT:       Các loại Q BVMT có thể được lập:      - Q BVMT có thể được lập chung cho tất cả các hoạt động BVMT và có thể được gọi là “Q BVMT tổng hợp”;      - Q BVMT có thể được lập riêng cho từng hoạt động BVMT và có thể được gọi tương ứng với tên của từng hoạt động BVMT, ví dụ: Q quản lý chất thải, Q quan trắc môi trường, Q xây dựng pháp luật về BVMT, Q xây dựng năng lực về BVMT… (tạm gọi là Q BVMT chuyên đề).      Căn cứ để lập Q BVMT tổng hợp :     Ngoài những căn cứ để lập Q nói chung, như: Cơ sở pháp lý, khả năng về các nguồn lực… việc lập Q BVMT tổng hợp phải dựa vào các căn cứ sau:     - Thông tin về phát triển và BVMT có trong các văn kiện của Đảng; các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về phát triển, về BVMT của Nhà nước; các dự án đầu tư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện có thuộc khu vực Nhà nước và tư nhân;      - Thông tin về các điều kiện tự nhiên, thành phần môi trường tại vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan (tương tự như đối với trường hợp của Q môi trường);      - Thông tin về các hoạt động BVMT hiện có ở vùng thuộc phạm vi của Q do các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đầu tư, vận hành và quản lý;      - Thông tin về các hoạt động BVMT hiện có ở vùng thuộc phạm vi của Q do các cơ quan khác đầu tư, vận hành và quản lý (khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; các doanh nghiệp… thuộc khu vực nhà nước và tư nhân);      - Thông tin về tổ chức và nguồn nhân lực về BVMT hiện có của Nhà nước (Trung ương, địa phương), của các cơ quan và tổ chức khác hiện có ở vùng thuộc phạm vi của Q.       Nội dung của Q BVMT tổng hợp:       Ngoài những nội dung thông thường của một Q nói chung, Q BVMT  nội dung cơ bản sau:      - Tổng quan và đánh giá về các hoạt động kinh tế - xã hội hiện có và sẽ có ở vùng thuộc phạm vi của Q;      - Đánh giá thực trạng và dự báo mức độ xảy ra trong tương lai của các vấn đề môi trường phát sinh do các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan;      - Tổng quan và đánh giá về các hoạt động BVMT, tổ chức và nguồn nhân lực hiện có về BVMT ở vùng thuộc phạm vi của Q;      - Đánh giá thực trạng và dự báo diễn biến (xu hướng biến đổi) trong tương lai của các điều kiện tự nhiên và thành phần môi trường ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan;      - Đánh giá hiện trạng và dự báo sức chịu tải trong của các thành phần môi trường ở vùng thuộc phạm vi của Q và vùng kế cận có liên quan;      -  Quy hoạch cải tạo, xây dựng các công trình về BVMT (cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có; xây dựng các công trình mới);      - Quy hoạch cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật về BVMT (cải tạo, nâng cấp các cơ sở hiện có; xây dựng các cơ sở mới);      - Quy hoạch xây dựng tổ chức và nguồn nhân lực về BVMT (hoàn thiện, nâng cấp, xây dựng mới về tổ chức; tăng cường/xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực);      - Quy hoạch xây dựng chính sách, pháp luật, công cụ kinh tế… về BVMT;      -  Quy hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học - kỹ thuật về BVMT;      - Quy hoạch các hoạt động BVMT cần thiết khác;      -  Các biện pháp thực hiện Q.      Về Q BVMT chuyên đề, tùy theo từng chuyên đề cần lập, như: Xây dựng pháp luật, xây dựng năng lực, quản lý chất thải (thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, chôn lấp…), bảo tồn thiên nhiên, quan trắc môi trường,… mà lựa chọn căn cứ và nội dung cho phù hợp với từng chuyên đề của Q.   TS. Nguyễn Khắc Kinh                                                            Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013  
Ý kiến của bạn