Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã - Thành tựu và thách thức”

10/05/2022

    Sáng ngày 10/5/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã - Thành tựu và thách thức” với sự tham dự của hàng chục cơ quan báo chí khu vực phía Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV chia sẻ thông tin với báo chí tại buổi Tọa đàm

    Tại Tọa đàm, vấn đề xử lý tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) đã được ENV đưa ra với nhiều nhận định tích cực. Theo ENV, kể từ khi Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) được áp dụng, công tác xét xử loại tội phạm này có những bước tiến đáng kể.

    Theo số liệu ENV cung cấp tại buổi Tọa đàm, từ năm 2015 đến nay, số lượng các vụ về ĐVHD không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2015 chỉ ghi nhận 24 vụ án có đối tượng bị truy tố được đưa ra xét xử và áp dụng hình phạt tù giam với 11 bị án thì đến năm 2020 đã tăng lên 122 vụ với 62 vụ có đối tượng bị phạt án tù giam với 99 bị án.

    Tiêu biểu là vụ đối tượng Đỗ Minh Toản (sinh năm 1985, trú tại xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) ngày 1/12/2021 bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù về việc tiếp tay làm thủ tục nhập lậu 126,5kg sừng tê giác từ Dubai về Việt Nam. Theo ENV, đây là mức án cao nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam về hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD và sản phẩm ĐVHD. Qua đó cho thấy, luật pháp Việt Nam rất nghiêm khắc với loại tội phạm dược xếp loại “rất nghiêm trọng” này.

    Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo đánh giá ENV, công tác xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn còn một số hạn chế - nhất là việc truy đến nơi đến chốn những đối tượng cầm đầu các đường dây tuồng động vật và sản phẩm ĐVHD từ nước ngoài vào Việt Nam.

    Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ tại Tọa đàm: “Việc thu giữ hàng tấn ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép là rất quan trọng. Thế nhưng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn xa hơn là chỉ thu giữ tang vật. Phát hiện, thu giữ tang vật chỉ nên là điểm khởi đầu của một chuyên án xử lý tội phạm về ĐVHD. Các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực điều tra, xác minh và sử dụng mọi thông tin có thể khai thác từ các vụ thu giữ tang vật ban đầu này để tìm ra những đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này”.

Buổi Tọa đàm thu hút hàng chục cơ quan quán báo chí tại TP. Hồ Chí Minh tham dự, trao đổi, chia sẻ thông tin

    Tại Tọa đàm, nhiều phóng viên đã đánh giá vấn đề xử lý tội phạm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất hợp pháp ĐVHD là một đề tài được nhiều cơ quan báo chí rất quan tâm. Minh chứng là thời gian qua, số lượng tin bài về BVMT nói chung, bảo vệ ĐVHD nói riêng ngày càng nhiều. Qua đó, các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng như lên án các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin về đề tài này từ các cơ quan chức năng vẫn còn khó khăn. Việc ENV với chức năng nhiệm vụ và đội ngũ cộng tác viên của mình đã có những tương tác, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí là một điều đáng mừng và cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới - nhất là với các cơ quan chức năng đóng tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, miền Nam nói chung.

   Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong công tác xử lý tội phạm về ĐVHD. Chỉ tính riêng trong năm 2021, ENV đã ghi nhận 144 vụ án vi phạm về ĐVHD bị phát hiện, trong đó 133 vụ án bắt giữ được các đối tượng có liên quan, chiếm 92,4% trên tổng số các vụ án vi phạm về ĐVHD. Tính đến thời điểm hiện nay, 60,2% các vụ án có đối tượng bị phát hiện trong năm 2021 cũng đã truy cứu trách nhiệm hình sự thành công các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, 47,9% các vụ án có đối tượng bị đưa ra xét xử về tội phạm liên quan đến ĐVHD trong năm 2021 đã bị áp dụng hình phạt tù giam với mức hình phạt tù giam trung bình cho các đối tượng phạm tội là 3,83 năm. Đây là tỷ lệ và mức hình phạt tù giam trung bình được duy trì kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Những kết quả này đã bước đầu cho thấy quyết tâm rất lớn của các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam trong nỗ lực xử lý tội phạm về ĐVHD.

Trường Sơn, An Bình

Ý kiến của bạn