Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí

15/09/2015

     Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 - 2015 do Thành ủy Hà Nội ban hành, tính tháng 6/2015, toàn TP. Hà Nội đã có 121/401 xã (đạt 30,17%) đã được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM. Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền với phương châm lấy dân làm gốc, các tiêu chí không chỉ đạt mà còn vượt so với kế hoạch đề ra; Diện mạo nông thôn dần khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chỉ còn 2,89%; Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông thôn cũng có nhiều tiến bộ… Đáng chú ý, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn TP cuối năm 2014 đạt 28,6 triệu đồng… Với những kết quả đã đạt được, năm 2015, các huyện, thị xã đăng ký tổng số 100 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến cuối năm 2015, TP có thêm ít nhất 70 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 191/401 xã (đạt 47,6%). TP cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2015…      Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, để đạt được những kết quả nêu trên, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể cùng toàn thể nhân dân tích cực ủng hộ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây là nguồn lực lớn để đầu tư cho các lĩnh vực nông thôn, thông qua các dự án phát triển sản xuất, hỗ trợ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư kết cấu hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội…      Chia sẻ kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM của địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành cho biết, bên cạnh việc rà soát, tập trung ưu tiên hỗ trợ các xã có điều kiện hoàn thành NTM trong năm 2015, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện đã tổ chức nhiều đợt giao ban và trực tiếp xuống các xã để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, đồng thời huy động đóng góp của doanh nghiệp và hộ gia đình, kết quả là đã có gia đình ủng hộ cả tỷ đồng làm đường cho xã.   Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình rau nhà màng ở Phúc Thọ        Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM TP Hà Nội, kết quả xây dựng NTM ở các địa phương hiện nay không đồng đều. Trong khi nhiều huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu phấn đấu thì một số huyện còn tồn tại hạn chế nhất định như: Mỹ Đức mới có 1 xã (4,8%), Ba Vì 3 xã (10%), Ứng Hòa 3 xã (10,7%), Phú Xuyên 3 xã (11,5%), Chương Mỹ 4 xã (13,3%)... Bên cạnh đó, đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, số lượng lao động thiếu việc làm cao; Hiện tượng khiếu kiện vượt cấp, người dân huyện Thường Tín, Quốc Oai… chưa nhận ruộng, thậm chí bỏ ruộng hoang không sản xuất… Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là việc hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp; Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong khi thủ tục hành chính tiếp nhận đầu tư còn rườm rà, phức tạp. Không những thế, công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, phương châm, cách làm trong xây dựng NTM tuy đã được cải tiến nhưng hiệu quả chưa cao, hình thức chưa phong phú.       Do vậy, để đạt được mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm 2015 cũng như những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương cần tôn trọng, giải đáp thắc mắc cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến góp ý của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để có những kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần khẩn trương hoàn thiện chính sách tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, trình UBND TP trong thời gian tới.      Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, hoàn thành Chương trình xây dựng NTM không phải là dừng lại mà cần duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí. Thực tế xây dựng NTM trên địa bàn TP thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên các địa phương cần tập trung hơn nữa vào các tiêu chí như văn hóa, môi trường. Theo đó, 6 tháng cuối năm, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành và nghiên cứu, đề xuất trình HĐND TP sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới sát với thực tế, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM; Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng NTM; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; Phát triển mô hình cụm công nghiệp và làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, thúc đẩy chuyển dịch lao động nông thôn…   Nhật Minh
Ý kiến của bạn