Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Vai trò của các thành phần kinh tế trong tiến trình xã hội hóa dịch vụ môi trường ở Việt Nam

20/01/2014

     1. Mở đầu

     Hơn 20 năm qua, Việt Nam được thế giới chú ý nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hai từ “Đổi mới” được nhắc nhiều khi nói về Việt Nam. Tuy nhiên hệ lụy của sự tăng trưởng kinh tế cùng với sự gia tăng dân số là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dẫn đến cường độ phát thải nước thải và chất thải rắn (CTR) của nước ta cũng ngày càng tăng theo, và dự báo vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. Tính từ năm 2003 đến 2010, CTR sinh hoạt đô thị và công nghiệp đã tăng gấp 1,5 lần, rác thải sinh hoạt đô thị đã tăng từ 6,4 triệu tấn năm 2003 lên 9,57 triệu tấn năm 2010, và rác thải công nghiệp cũng tăng từ 2,6 triệu tấn năm 2003 lên 4,8 triệu tấn năm 2008. Nước thải sinh hoạt đô thị tăng từ 1,8 triệu m3 năm 2006 lên 2 triệu m3 năm 2009, tăng 1,1 lần [1].

 

Phần lớn, các DN tham gia cung ứng dịch vụ xử lý CTR

 

     Do vậy, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho công tác quản lý chất thải. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước hiện nay và dự báo trong tương lai vẫn còn rất hạn chế do còn phải phân bổ cho các mục tiêu tăng trưởng, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội… Vì thế Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách, trong đó chú trọng đến xã hội hóa công tác BVMT nhằm thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách, bao gồm các nhà đầu tư tư nhân, các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường, giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước. Trong khuôn khổ bài viết này, nhóm nghiên cứu dựa trên phân tích số liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê để làm rõ vai trò của các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ môi trường trong tiến trình xã hội hóa công tác BVMT ở nước ta.

     2. Vai trò của các thành phần kinh tế trong cúng ứng dịch vụ môi trường

     Kết quả phân tích số liệu điều tra DN của Tổng cục Thống kê cho thấy, phần lớn số lượng các DN tham gia cung ứng dịch vụ xử lý chất thải là lĩnh vực xử lý CTR. Trong giai đoạn 2007 – 2010, trung bình hàng năm số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực xử lý CTR khoảng 395 DN chiếm 75,5% ngành công nghiệp môi trường, nước thải là 128 DN chiếm 19,4%, và xử lý bụi, tiếng ồn… chỉ có 36 DN, chiếm 5,2%. Do thị trường ngành xử lý CTR đã có từ lâu và có nhiều công đoạn khác nhau để mọi thành phần kinh tế có thể tham gia, cho nên ngành này có số lượng đông đảo, phân bổ rộng cho nhiều thành phần kinh tế hơn so với ngành xử lý nước thải. Đối với thị trường ngành xử lý nước thải, do mới được quan tâm gần đây nên số lượng ít hơn, mặc dù có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, (tốc độ tăng trưởng trung bình năm của ngành này về số lượng DN đạt 28%/năm, trong khi trong lĩnh vực CTR chỉ là 24%/năm). Trong lĩnh vực xử lý khác như khí thải, tiếng ồn thì vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

     Lĩnh vực nước thải

     Thị trường thu gom và xử lý nước thải mới bắt đầu hình thành nhưng có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2007 tổng số DN trong lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải chỉ có 36 DN, thì đến năm 2010 đã tăng lên 153 DN, tăng 425%, trung bình 62%/năm. Trong đó phần lớn là DN ngoài nhà nước, bao gồm cả DN FDI chiếm trung bình khoảng 96,3% tổng số DN, DN nhà nước chiếm 3,7%. Đối với DN ngoài nhà nước thì DN TNHH tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 57,04%; công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 24,44%; công ty cổ phần không có vốn nhà nước chiếm 8,64%; DN tư nhân chiếm 3,46%; DN tập thể chiếm 0,25%; và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,7%.

     Mặc dù DN ngoài nhà nước có số lượng lớn nhưng lại là DN có quy mô rất nhỏ. Tổng vốn đăng ký của DN ngoài nhà nước trung bình 8,29 tỷ đồng/DN, trong đó DN FDI là 12,26 tỷ đồng/DN; DN cổ phần có vốn nhà nước là 8,87 tỷ đồng/DN; DN TNHH tư nhân là 7,63 tỷ đồng/DN; DN cổ phần không có vốn nhà nước chỉ khoảng 3,64 tỷ đồng/DN; DN tập thể là 0,38 tỷ đồng/DN; trong khi DN nhà nước là 115,08 tỷ đồng/DN, gấp 9,4 lần vốn của DN FDI và 13,9 lần DN ngoài nhà nước.

     Doanh thu của DN phản ánh thị phần cung ứng dịch vụ chất thải nước ta. Trung bình 4 năm (2007-2010) doanh thu của DN nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 420,8 tỷ đồng/năm chiếm 44,62% thị phần, còn lại là DN ngoài nhà nước bao gồm cả FDI với tổng doanh thu đạt gần 600 tỷ đồng/năm, chiếm 55,38% thị phần. Trong nhóm DN ngoài nhà nước thì DN TNHH tư nhân có mức doanh thu đạt 275,2 tỷ đồng/năm chiếm 29,18% tổng doanh thu trong lĩnh vực xử lý nước thải, tiếp theo là DN cổ phần có vốn nhà nước với 149 tỷ đồng/năm chiếm 15,81%. Đáng chú ý là DN FDI chỉ chiếm 3,46% thị phần, và DN cổ phần không có vốn nhà nước chỉ chiếm 2,19%. Do lĩnh vực xử lý nước thải đòi hỏi phải có công nghệ cao, cho nên DN tập thể không tham gia thị trường này.

 

     Hình 1: Cơ cấu doanh thu của các DN xử lý nước thải

 

     Nguồn: Tổng cục Thống kê. Kết quả Điều tra DN các năm 2007, 2008, 2009, 2010

 

     Lĩnh vực CTR

     Khác với thị trường thu gom và xử lý nước thải, thị trường thu gom và xử lý CTR được hình thành sớm hơn, sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước sâu rộng hơn. Năm 2007 tổng số DN trong lĩnh vực thu gom và xử lý CTR là 270 DN, đến năm 2010 tổng số DN đã tăng lên 463 DN, tăng 171%, trung bình 20%/năm. Trong đó phần lớn là DN ngoài nhà nước và DN FDI chiếm trung bình khoảng 84,92%, DN nhà nước chiếm tỷ trọng lớn hơn nước thải tuy nhiên vẫn chỉ ở 15,08%. Sự tham gia trong đó công ty TNHH tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất với thị phần 35,3%; DN tập thể cũng chiếm thị phần lớn khoảng 17,49%; công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm 13,81%; DN tư nhân chiếm 11,85%; công ty cổ phần không có vốn nhà nước chỉ chiếm 5,32%; và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 1,14%.

     Tổng nguồn vốn đăng ký của các DN trong lĩnh vực CTR biến động nhiều trong các năm, tuy nhiên vẫn có xu hướng tăng trung bình hàng năm là 36%/năm, thấp hơn lĩnh vực nước thải ở mức 78%/năm. Trong đó vốn của DN nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm trung bình hàng năm khoảng 56,93% tổng số vốn trong lĩnh vực này, còn lại 43,07% thuộc khu vực ngoài nhà nước và FDI. Tổng vốn đăng ký trung bình hàng năm của DN nhà nước là 49,98 tỷ đồng/DN, của DN ngoài nhà nước và FDI là 30,3 tỷ đồng/DN. Trong đó DN FDI là 154,17 tỷ đồng/DN, gấp 3 lần DN nhà nước và 33 lần DN ngoài nhà nước.

     Doanh thu trung bình 4 năm (2007-2010) của DN Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với 1.940 tỷ đồng/năm (chiếm 54,3% thị phần); còn lại là DN ngoài nhà nước và FDI với tổng doanh thu đạt gần 1.633 tỷ đồng/năm, (chiếm 45,7% thị phần). Trong nhóm DN ngoài nhà nước thì DN TNHH tư nhân có mức doanh thu đạt 762,9 tỷ đồng/năm (chiếm 21,35% tổng doanh thu trong lĩnh vực xử lý CTR). Khác với lĩnh vực xử lý nước thải, lĩnh vực xử lý chất thải vị trí của DN FDI đã tăng lên chiếm 6,51% thị phần với 232,8 tỷ đồng/năm. Tiếp theo là DN cổ phần có vốn nhà nước với chiếm 5,99%, DN cổ phần không có vốn nhà nước chiếm 4,96%, DN tư nhân là 4,39%, và có sự tham gia của DN tập thể với 2,5% thị phần.

 

     Hình 2: Cơ cấu doanh thu của DN trong lĩnh vực xử lý chất thải

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Kết quả Điều tra DN các năm 2007, 2008, 2009, 2010

     3. Kết luận

     Chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước đã bước đầu đi vào thực tế, và đã thu được những kết quả nhất định. Mặc dù trong cả hai lĩnh vực, xử lý nước thải và CTR, DN Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Có sự khác biệt về tỷ trọng của hai lĩnh vực đó, tuy nhiên xu hướng tăng dần sự tham gia của khu vực DN ngoài nhà nước, bao gồm cả khu vực FDI. Doanh thu trong lĩnh vực nước thải DN Nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng 44,62% thị phần, còn lại là DN ngoài nhà nước và FDI là 55,38% thị phần. Trong lĩnh vực xử lý CTR DN Nhà nước chiếm tỷ trọng 54,3% thị phần, và DN ngoài nhà nước và FDI chỉ chiếm 45,7% thị phần. Như vậy, thị trường xử lý nước thải được hình thành sau thị trường xử lý CTR, cho nên sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước và FDI nhiều hơn so với thị trường xử lý CTR. Điều này là hợp lý, vì quá trình cổ phần hóa DN nhà nước gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp. Trong khi thị trường xử lý nước thải mới được quan tâm trong những năm gần đây, số lượng các DN nhà nước phải cổ phần hóa là ít hơn, hơn nữa chúng ta triển khai xã hội hóa ngay từ đầu, vì thế mà số thị phần DN ngoài nhà nước và FDI cũng cao hơn.

     Thị trường công nghiệp môi trường nước ta là rất rộng, tuy nhiên phần lớn chúng ta đang tập trung vào lĩnh vực CTR, trong khi thị trường nước thải cũng có rất nhiều tiềm năng, cần có sự đột phá để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là hình thức đối tác công-tư (PPP). Trong đó cần có một cơ chế riêng về PPP cho lĩnh vực xử lý chất thải mới có thể thu hút hơn nữa nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý của tư nhân bao gồm cả DN FDI.

 

Hồ Công Hòa

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Nguyễn Việt Phong

Tổng cục Thống kê (GSO)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

 

 

Ý kiến của bạn