Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Thiết kế chương trình quan trắc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng môi trường nước mặt vùng đồng bằng sông Cửu Long

20/01/2014

     Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích 40,5 triệu km2 với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc. Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất, đóng góp trên 50% sản lượng lương thực chủ yếu, và hơn 60% sản lượng thủy sản của cả nước.

     Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là nơi chịu nhiều tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH &NBD). Hiện khu vực này chịu tác động của lũ thượng nguồn (vào mùa mưa), sự xâm nhập mặn (vào mùa khô) và các tác động khác như nhiệt độ gia tăng, phân bố mưa bất thường, khô hạn kéo dài, lốc xoáy...

     Trong khuôn khổ Đề tài “Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm thiết lập hệ thống giám sát tác động của BĐKH & NBD đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa” đã thiết kế Chương trình quan trắc đánh giá tác động của BĐKH đến chất lượng nước mặt lục địa  lưu vực sông (LVS) vùng ĐBSCL. Đối tượng quan trắc ưu tiên tập trung vào các khu vực chịu tác động của các biểu hiện của BĐKH&NBD như sự gia tăng của nhiệt độ, hạn hán, lũ lụt và NBD...

     Chương trình quan trắc được thiết kế trên nguyên tắc phù hợp với các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật BVMT, Luật Bảo vệ rừng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.

     Các điểm quan trắc được chọn phải thỏa mãn tiêu chí: Phù hợp với kịch bản BĐKH&NBD quốc gia đối với khu vực ĐBSCL, tương quan với các điểm quan trắc về Khí tượng thủy văn (KTTV) trong khu vực, qua đó kết nối các thông tin liên quan giữa BĐKH&NBD giữa các điểm quan trắc KTTV và quan trắc chất lượng nước. Từ đó có đánh giá đúng hiện trạng về diễn biến giữa BĐKH & NBD với chất lượng nước cho LVS cũng như toàn khu vực. Điểm quan trắc đánh giá đặc trưng nhất mối quan hệ giữa BĐKH & NBD và chất lượng nước, tránh tối đa các tác động khác của các hoạt động kinh tế - xã hội (KT – XH) hoặc có các giải pháp phân tích, đánh giá để loại bỏ các tác động khác đến chất lượng nước. Để làm cơ sở hoạch định các chính sách tổng thể phát triển KT - XH của toàn khu vực, góp phần vào công tác dự báo và xây dựng các kịch bản của BĐKH & NBD trong tương lai, điểm quan trắc phải đánh giá được ảnh hưởng của BĐKH đến sự phát triển các ngành khác như công nghiệp, nông nghiệp và đời sống văn hóa sinh hoạt đặc trưng của dân cư.

     Thiết kế chương trình quan trắc

     Quan trắc môi trường đánh giá tác động của BĐKH đến chất lượng nước mặt là loại hình quan trắc theo dõi diễn biến. Do đó, các vị trí quan trắc được thiết kế cách xa các nguồn thải và ít bị tác động của các nguồn thải và chịu nhiều tác động của các hiệu ứng BĐKH & NBD như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn.

     Đây là chương trình quan trắc định kỳ, tần suất phù hợp với tính chất, biến động của các điều kiện khí tượng, thủy văn tại từng khu vực, đảm bảo đầy đủ số liệu về chất lượng và diễn biến môi trường trong thời gian cụ thể. Loại quan trắc này không phụ thuộc vào từng địa phương cụ thể mà được chọn dựa trên những vùng hay khu vực chịu các tác động của BĐKH & NBD khác nhau hay lựa chọn những vùng bị tranh chấp của các tác động trên.

     Phạm vi quan trắc được xác định dựa trên cơ sở dự báo định tính tác động của mực NBD lên ba tiểu vùng: Tiểu vùng nơi ảnh hưởng nước nguồn chiếm ưu thế (A) là các tỉnh giáp biên giới Campuchia, nơi hai nhánh sông Mê Công và sông Bassac đi vào lãnh thổ Việt Nam; lũ sông Mê Công tràn vào ĐBSCL. Tiểu vùng nơi ảnh hưởng biển chiếm ưu thế (C) là vùng duyên hải của các tỉnh giáp với Biển Đông và vịnh Thái Lan, tiểu vùng này chịu tác động về môi trường tự nhiên của mực NBD trực tiếp. Tiểu vùng chịu ảnh hưởng hỗn hợp biển và nước nguồn (B) là địa bàn thể hiện rõ sự giao thoa, tranh chấp và đi đến một thế cân bằng giữa hai quá trình sông và biển.

 

     Ghi chú: - Vùng A (6 điểm): N09, N13, N25, N26, N27, N28

     - Vùng B (4 điểm): N04, N05, N23, N24

     - Vùng C (5 điểm): N01, N02, N03, N08, N15

 

     Mỗi điểm quan trắc được lựa chọn cần bổ sung một số điểm lân cận với khoảng cách cách nhau không xa để theo dõi diễn biến của chất lượng nước do tác động của BĐKH&NBD và đánh giá các tác động khác đến chất lượng nước.

     Việc lựa chọn các điểm quan trắc với mục đích giám sát tác động của BĐKH&NBD đến chất lượng nước cần tránh tác động trực tiếp của hoạt động của KT-XH, khu dân cư và KCN. Vị trí lấy mẫu đặt giữa dòng sông nhằm đánh giá thực chất chất lượng của nước sông. Điểm cốt yếu là vị trí quan trắc được lựa chọn trên cơ sở của các trạm đo của KTTV vùng triều nhằm đánh giá thực trạng nước lũ và xâm nhập mặn tại thời điểm quan trắc. Hơn nữa, vị trí lấy mẫu cần được tính toán trên cơ sở mạng lưới quan trắc tác động hiện có (mạng lưới quan trắc quốc gia và của các địa phương) để có số liệu so sánh các tác động khác nhau của các điểm quan trắc.

     Với đặc thù của chương trình có liên quan các yếu tố khí hậu nhằm đánh giá tác động của BĐKH đến chất lượng nước, nên thời gian và tần suất quan trắc cần thực hiện vào những thời điểm chịu ảnh hưởng mạnh. Mùa xâm nhập mặn mạnh nhất (mùa khô, mùa kiệt) vào cuối tháng 3 đến giữa tháng 4 hàng năm, giao mùa giữa vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 hàng năm, mùa nước lũ tràn về mạnh nhất (mùa mưa) vào tháng 9 và giao mùa vào cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 hàng năm.

     Phương pháp lấy mẫu và đo đạc tại hiện trường phải tuân thủ đúng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy phạm hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường nước mặt lục địa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể TCVN 6663-1:2011; ISO 5667:2005; APHA 1060 B. Đối với việc đánh giá tác động của BĐKH&NBD cách lấy mẫu theo tổ hợp 3 tầng: đánh giá tác động của NBD thông thường được lấy mẫu theo tầng đáy; đánh giá tác động do hoạt động lũ lụt, sự gia tăng của nhiệt độ không khí thông thường lẫy mẫu nước mặt; đánh giá tác động chất lượng nước thông thường lẫy mẫu tầng giữa.

 

Cán bộ quan trắc lấy mẫu nước tại Kênh T3 (Kiên Giang)

 

     Các thủ tục bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong hoạt động lấy mẫu và đo đạc tại hiện trường phải tuân thủ đúng Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT ngày 22/10/2007 về hướng dẫn bảo đảm và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, các máy móc, thiết bị phục vụ quan trắc môi trường đều phải được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng và kiểm định, hiệu chuẩn.

     Công tác đánh giá kết quả quan trắc được thực hiện kết hợp với các kết quả chương trình quan trắc, đề tài nghiên cứu khác. Kết hợp với số liệu của các trạm KTTV trong khu vực để đánh giá tình hình mưa lũ, hạn hạn và tình hình xâm nhập mặn tại các thời điểm quan trắc môi trường. Kết hợp với các điểm quan trắc môi trường quốc gia để so sánh và đánh giá các tác động của hoạt động KT-XH đối với chất lượng nước sông, tính toán bù trừ các chất ô nhiễm do hoạt động KT-XH. Kết hợp với các báo cáo về sự BĐKH&NBD của các đề tài nghiên cứu và Ủy ban Sông Mê Công để kết hợp theo dõi diễn biến của BĐKH trong khu vực và chất lượng nước. Các thông số môi trường nước của LVS sẽ được đánh giá dựa vào QCVN 08:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

     Đối với công tác quản lý và báo cáo số liệu quan trắc được thực hiện các quy định hiện hành của Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường) về quản lý, xử lý số liệu và báo cáo kết quả quan trắc. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng (QA/QC) trong suốt quá trình xử lý, lưu trữ và báo cáo số liệu quan trắc theo đúng nội dung của Thông tư số 10/2007/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

     Chương trình quan trắc được thiết kế dựa trên cơ sở lý thuyết tác động của BĐKH & NBD đến chất lượng nước mặt, sinh hệ sinh thái và cơ sở dữ liệu hiện có nên có tính khả thi cao. Chương trình này phù hợp với điều kiện thực tế để triển khai trong giai đoạn hiện nay và được điều chỉnh theo dự báo của tác động của BĐKH&NBD trong tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cần được duy trì trong thời gian dài 20 - 30 năm và kết hợp với những nghiên cứu, mô hình dự báo, nhằm đáp ứng nhu cầu ứng phó BĐKH trong tương lai.

 

ThS. Lê Hoàng Anh, ThS. Nguyễn Ngọc Sơn, CN. Dương Thị Phương Nga

Trung tâm Quan trắc môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

Ý kiến của bạn