Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 04/12/2024

Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

19/01/2016

   Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Nam Nung, tỉnh Đắc Nông, có diện tích 20.156 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 6.156 ha, phân khu phục hồi sinh thái4.693 ha và vùng đệm 9.037 ha. KBTTN Nam Nung có giá trị lớn về cảnh quan môi trường, phong phú về hệ sinh thái tự nhiên và các loài đặc hữu, tạo nên tiềm năng sinh học đặc sắc, có ý nghĩa đối với quốc gia trong công tác bảo tồn thiên nhiên.

 

Các loài thú quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng của KBTTN Nam Nung

 

   Nguy cơ suy giảm hệ sinh thái tự nhiên

   Theo báo cáo Điều tra đa dạng sinh học (ĐDSH) của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắc Nông, KBTTN Nam Nung có hệ sinh thái phong phú, đa dạng với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Về hệ thực vật, KBTTN có tổng số 881 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 541 chi của 175 họ thực vật. Các loài thực vật phân bố trong 4 kiểu rừng chính: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp phân bố ở độ cao dưới 1800m với các họ điển hình như long não, kim giao, đỗ quyên hải nam, đỗ quyên hoa đỏ, sơn trâm, việt quất, rán mật, tô hạp, mỡ, giổi lá bạc, giổi găng, giổi bà...; Kiểu rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp phân bố ở đai cao 1.000-1.300m, với các loài cây thông nàng, kim giao thông tre, kháo, rè vàng…; Kiểu rừng kín thường xanh nhiệt đới phân bố ở độ cao 800-1000m, với các loài thực vật ưu thế như: sao đen, dầu rá và một số loài thuộc họ dẻ như sồi hồng, dẻ cau quả bẹt, dẻ cau, dẻ gai, chẹo tía, vối thuốc, xoan đào, chè rừng, việt quất, rán mật…; Kiểu rừng nhiệt đới hơi khô nửa rụng lá mùa khô phân bố dưới 800m với các loài thực vật ưu thế thuộc họ dầu như dầu nước, dầu cát, vên vên, sến mủ, kiền kiền, lim xanh, lim xẹt, gụ mật, gõ đỏ, cẩm lai, dáng hương, chò xanh, gội, lát hoa, xoan, bứa, ráy dại, củ nưa, đây dất, thiên niên kiện và các loài lan. Hiện KBT TN Nam Nung có 75 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sao lá cong, dầu nước…

   Bện cạnh sự đa dạng về thực vật, khu hệ động vật ở đây khá phong phú về thành phần loài và có mật độ cao. Theo thống kê KBTTN có 58 loài thú, trong đó, chuột có số lượng loài nhiều nhất (8 loài, chiếm 10,96% tổng số loài ghi nhận được), tiếp đến là sóc cây có 7 loài, chiếm 9,59% tổng số loài ghi nhận được. Có 5 họ chỉ có duy nhất 1 loài, chiếm 1,37% đó là dơi quả, tê tê, lợn, cheo cheo, voi.

   Ngoài hệ thú, KBTTN Nam Nung có 33 loài bò sát, trong đó có 14 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ như trăn gấm, trăn đất, hổ mang chúa, kỳ đà nước. Đối với loài bò sát, họ rắn nước có số lượng loài nhiều nhất (9 loài, chiếm 25,71% tổng số loài bò sát ghi nhận được) và tiếp đến là họ rắn lục (6 loài, chiếm 17,14%) và 3 họ chỉ có duy nhất 1 loài, chiếm 2,86% đều thuộc bộ rùa đó là họ rùa đầu to, ba ba , rùa núi…Ngoài ra, KBTTN còn có 16 loài ếch, nhái thuộc 7 họ, trong đó, họ ếch cây có số loài nhiều nhất 5 loài, chiếm 31,25%, họ ếch giun (chỉ có duy nhất 1 loài chiếm 6,25% tổng số loài ếch, nhái).

   Đặc biệt, KBTTN Nam Nung có127 loài chim, thuộc 37 họ và 14 bộ, trong đó 7 loài chim quý hiếm cần được bảo vệ như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, gà lôi trắng, dù dì phương đông, hồng hoàng, bói cá lớn, khướu đầu xám.Trong số các họ ghi nhận được, họ khướu có số lượng loài nhiều nhất (11 loài, chiếm 6,36% tổng số loài ghi nhận được) và tiếp đến là họ phường chèo, sáo có 8 loài (chiếm 4,62% tổng số loài), có 8 họ chỉ có duy nhất 1 loài (chiếm 0,58%) đó là họ cú lợn, đầu rìu, cun cút, trèo cây, sẻ đồng, chim di, vành khuyên.

   Theo thống kê KBTTN hiện có 24 loài thú có tên trong Sách đỏ, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo tồn nguồn gen như voi, bò tót, hổ, báo gấm, gấu ngựa, gấu chó, chà vá chân đen, vượn đen, cầy mực, bò tót, gấu ngựa, mang lớn, bò rừng...Hai mối đe dọa chính đối với khu hệ thú, bò sát và các loài chim ở KBTTN Nam Nung đó là săn bắt và phá hủy sinh cảnh của người dân địa phương để khai thác gỗ hoặc trồng cao su, cà phê, chăn thả gia súc.Đối tượng săn bắt chủ yếu là người dân địa phương sống xung quanh khu bảo tồn.Đây là những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm về số lượng và chất lượng quần thể các loài. Ngoài ra, các loài thú, bò sát, chim săn bắt được có thể dùng để làm thực phẩm cho gia đình, nấu cao hoặc bán ra ngoài thị trường đối với những loài có giá trị kinh tế cao hoặc dùng để nhồi mẫu phục vụ trưng bày.

   Kết quả điều tra của Chi cục Kiểm lâm Đắc Nông cũng cho thấy, tình trạng khai thác bừa bãi của các dân tộc thiểu sốtrong vùng đệm của KBTTN, đã làm giảm mạnh các loài gỗ rừng cả về trữ lượng, chất lượng. Diện tích rừng tự nhiên quanh KBTTN đã bị thu hẹp, các loài cây quý chỉ còn ở những nơi hiểm trở, cây tái sinh ít, cây rỗng ruột nhiều. Nhiều loài cây tạp ưa sáng như: màng tang, ba soi, bùm bụp, bông bạc, hu đay, thôi chanh, chẹo, dâu da xoan, chè đuôi lươn mọc nhiều, làm thay đổi kết cấu tổ thành rừng. Một số loài cây chỉ còn sót lại cây con như chò chai, sến mủ, cẩm lai, trắc, gõ đỏ... Trong khi đó, tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, làm giảm tính đa dạng sinh học, phá vỡ cảnh quan môi trường rừng.

   Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững

   Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng nhằm phát triển rừng bền vững, Ban Quản lý KBTTN Nam Nung đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện như: Kiện toàn hệ thống các trạm bảo vệ, các tổ tuần tra rừng để giải quyết nhiệm vụ bảo vệ và phục hồi tài nguyên thực vật rừng; Đầu tư xây dựng hạ tầng và đặc biệt đầu tư cho công tác trồng rừng mới, bảo vệ phục hồi các hệ sinh thái rừng tự nhiên.

   Với các loài quý hiếm cần xây dựng chương trình điều tra giám sát cụ thể để đảm bảo cung cấp số liệu cập nhật cho công tác quản lý và bảo tồn loài, cần xây chương trình đánh giá hiện trạng buôn bán động vật hoang dã tại KBTNN. Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững hệ sinh thái rừng, phát triển cộng đồng vùng đệm.

   Tăng cường công tác tuần tra rừng, phân công các tổ túc trực trong rừng và truy quét nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ trái phép, ảnh hưởng đến sinh cảnh sống cũng như hạn chế việc người dân vào rừng bẫy bắn chim, thú.

   Nghiêm cấm các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã của người dân địa phương. Đồng thời, hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, giúp người dân địa phương tham gia chăn nuôi các loài động vật hoang dã, nhằm nâng cao đời sống vật chất và giảm các tác động tới nguồn tài nguyên động vật hoang dã.

   Để giảm bớt việc thu hẹp và chia cắt sinh cảnh sống của các loài thú nên quy hoạch các tuyến đi lại trong KBTTN. Đặc biệt chú ý các khu vực đi lại sử dụng các phương tiện ô tô, xe máy…

   Tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ Ban quản lý và lực lượng kiểm lâm về các kỹ năng nhận biết loài, đặc biệt các loài quý hiếm.Tăng cường thêm lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng cũng như các chính sách hỗ trợ nhằm giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.

   Nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng nói chung thông qua các hoạt động giáo dục bảo tồn như chiếu phim, diễn kịch, họp dân. Đặc biệt, tại các trường tiểu học, trung học ở khu vực cần có các chương trình nâng cao nhận thức về giá trị đa dạng sinh học và ý thức bảo tồn động vật hoang dã cho các em ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường thông qua các buổi ngoại khóa của các cán bộ bảo tồn phối hợp cùng nhà trường tổ chức và lồng ghép trong các môn học.

   Tuyên truyền đến hộ dân nhận khoán và cộng đồng dân cư những văn bản pháp quy về bảo vệ tài nguyên rừng, ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật. Tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ rừng vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan.

                Nhật Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn