Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Một số vấn đề môi trường toàn cầu và định hướng giải pháp trong thời gian tới

03/09/2015

   Từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường con người năm 1972 diễn ra tại Stốckhôm, các vấn đề môi trường đã được quan tâm thảo luận ở các diễn đàn toàn cầu. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn phát triển, các thách thức về môi trường toàn cầu có sự khác nhau. Những thập kỷ 1970-1980, các vấn đề môi trường cần quan tâm là ô nhiễm do phát thải công nghiệp, nhưng trong giai đoạn 1990-2010 là sự suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH), biến đổi khí hậu (BĐKH) và sa mạc hóa. Trong những năm gần đây, với xu thế toàn cầu hóa, dân số tiếp tục gia tăng và đô thị hóa nhanh chóng, các vấn đề môi trường toàn cầu cũng có những diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức mới. Bài viết điểm lại một số vấn đề môi trường toàn cầu và những giải pháp được thảo luận tại các hội nghị về môi trường cấp toàn cầu và khu vực.

   1. Các áp lực đối với môi trường

   Trong giai đoạn tới, các áp lực đối với môi trường bao gồm gia tăng dân số, tăng số dân thuộc tầng lớp trung lưu và đô thị hóa.

   Gia tăng dân số: Dân số thế giới tiếp tục gia tăng nhanh chóng với gần 4 tỷ người năm 1970 lên hơn 7,3 tỷ người năm 2015. Dự báo dân số sẽ tăng trên 9 tỷ người vào năm 2050, chủ yếu tăng ở khu vực cận Sahara châu Phi. Để đáp ứng nhu cầu lương thực dự tính sẽ phải chuyển đổi đất tự nhiên sang đất nông nghiệp, ước tính có khoảng 1.020% lượng đất cần chuyển đổi so với năm 2000. Ngoài ra, sử dụng hóa chất trừ sâu tiếp tục gia tăng. Cùng với tác động của BĐKH, gia tăng dân số cũng tạo áp lực lên tài nguyên nước, năng suất đất và cây trồng.

   Tăng dân số thuộc tầng lớp trung lưu: Cùng với phát triển kinh tế, dân số thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng sẽ gia tăng. Dự báo số dân tiêu dùng từ 10-100 đô la một ngày sẽ tăng đến 5 tỷ người vào năm 2030, trong đó có 2/3 sống tại khu vực châu Á. Sự thay đổi cơ cấu dân số này sẽ dẫn đến tiêu dùng gia tăng. Theo Hình 1, từ năm 2010 đến 2030, nhu cầu năng lượng tăng 33%, nhu cầu lương thực tăng 30% và nhu cầu nước sạch tăng 41%. Kết quả là tài nguyên tiếp tục bị khai thác cạn kiệt.

   Đô thị hóa: Cùng với quá trình gia tăng dân số là quá trình đô thị hóa. Năm 1970, chỉ có khoảng 1,3 tỷ người (36% dân số) sống ở đô thị. Đến nay, dân số đô thị chiếm 54%. Dự báo đến 2025 sẽ có thêm khoảng 1 tỷ người sống ở đô thị, chủ yếu ở châu Á. Đô thị chiếm 70% lượng khí nhà kính phát thải. Đô thị cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, như gia tăng về cường độ sóng nhiệt, tăng lượng mưa, ngập lụt, sạt lở đất, ô nhiễm, hạn hán.

   2. Một số vấn đề môi trường toàn cầu giai đoạn tới

   ĐDSH tiếp tục suy giảm

   Suy giảm ĐDSH tiếp tục là vấn đề môi trường toàn cầu trong giai đoạn tới.Có thể nói, tốc độ suy giảm ĐDSH đang diễn ra ở mức báo động (Hình 2). Trong 50 năm qua, khoảng 60% dịch vụ hệ sinh thái đã bị suy thoái do áp lực khai thác tài nguyên của con người. Tốc độ tuyệt chủng loài hiện gấp khoảng 2 lần so với những giai đoạn tuyệt chủng trong lịch sử địa chất.Có đến 1/4 số loài thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.Trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ XX, số lượng cá thể động vật không xương sống đã giảm đi 1/3.Từ 1970 đến 2007, ĐDSH toàn cầu đã giảm 30%, riêng vùng nhiệt đới đã giảm đến 60%.Danh sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp đã chỉ ra xu hướng suy giảm của tất cả các loài chim, động vật có vú, lưỡng cư và đặc biệt là san hô.Sự suy giảm nghiêm trọng về ĐDSH đã hủy hoại tính tổng thể của hệ sinh thái cũng như các hàng hóa dịch vụ mà hệ sinh thái mang lại.

   BĐKH: Nguy cơ hiện hữu

   Nồng độ khí nhà kính tiếp tục gia tăng. Năm 2010 ghi nhận khoảng 49 Giga tấn CO2 phát thải vào không khí, chủ yếu từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, gấp 2 lần lượng phát thải năm 1970 (Hình 3). Năm 2013, nồng độ CO2 trong không khí đạt mức 400 ppm.BĐKH đã tác động đến tất cả các lĩnh vực như sản xuất lương thực, hệ thống sản xuất và sinh kế ven biển. Dự báo nếu không có biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2100, nhiệt độ Trái đất có thể tăng từ 3,7-4,8oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Những đợt sóng nhiệt tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai nặng nề hơn, ngập lụt diễn ra trên phạm vi rộng, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái.

Hình 1: Sự gia tăng về nhu cầu tài nguyên toàn cầu từ năm 2010 đến 2030 theo kịch bản không có can thiệp chính sách    (Nguồn: GEF 2014)

 

Hình 2: ĐDSH đang bị mất đi nhanh chóng (Nguồn: GEF 2014)

 

Ghi chú: Chỉ số hành tinh sống (LPI) phản ánh sự thay đổi về sức khỏe của hệ sinh thái của hành tinh bằng cách theo dõi xu hướng về số lượng của hơn 2.500 loài động vật có xương sống

Hình 3: Nồng độ CO2 trong khí quyển tiếp tục gia tăng (Nguồn: GEF 2014)

Ghi chú: Số liệu được lấy từ kết quả quan trắc không khí tại chỗ ở Đài quan sát Mauna Loa, Hawaii (Độ cao 3397m). Các số đo được tại Maua Loa hình thành một kỷ lục về mức độ CO2 trong không khí với độ chính xác cao, liên tục và lâu nhất.

   Ô nhiễm hóa chất và chất thải tiếp tục đe dọa hệ sinh thái và sức khỏe con người

   Ô nhiễm hóa chất, đặc biệt là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), và kim loại nặng tiếp tục là mối đe dọa đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Báo cáo Triển vọng Hóa chất toàn cầu UNEP 2012 chỉ ra rằng, việc gia tăng sản xuất, sử dụng và thải bỏ hóa chất ở các nước đang phát triển đã tạo ra các nguy cơ đến môi trường và sức khỏe con người.Ô nhiễm hóa chất đã hủy hoại các hệ sinh thái, ĐDSH, nguồn nước, hệ thống sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số chất POP có thể tồn tại trong cơ thể đến 50 năm, hủy hoại hệ thống thần kinh, nội tiết, sinh sản. Ngoài ra, khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử hàng năm là nguồn phát thải lớn POP và các kim loại nặng độc hại. Điều cần đặc biệt lưu ý là nguy cơ vận chuyển các chất thải điện tử, chất thải hóa chất xuyên biên giới dưới dạng phế liệu. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hữu hiệu, một số nước đang phát triển có nguy cơ trở thành “bãi rác” do nạn vận chuyển trái phép chất thải.

   Tiếp tục mất rừng và suy thoái đất

   Từ năm 2000 đến năm 2010, khoảng 50.000 km2 rừng đã tiếp tục bị mất. Kết quả là phát thải CO2 từ mất rừng và suy giảm rừng chiếm khoảng 12% tổng phát thải do con người gây ra. Khoảng 25% diện tích đất toàn cầu đang bị suy thoái, tập trung ở châu Phi, Đông Nam Á, phía Nam Trung Quốc và vùng đồng cỏ Papas Mỹ La tinh. Suy thoái đất ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 1,5 tỷ người.

   Tài nguyên nước và sức khỏe đại dương suy giảm

   Trữ lượng thủy sản toàn cầu đang suy giảm ở mức báo động. Khoảng 85% trữ lượng cá toàn cầu đã bị suy giảm do khai thác quá mức, hết chu kỳ khai thác hoặc ở giai đoạn phục hồi sau khi bị khai thác quá mức. Axít hóa đại dương đang đe dọa các hệ sinh thái biển, bao gồm các rạn san hô, nơi cư trú của các loài sinh vật biển có tính ĐDSH cao và cung cấp nguồn sinh kế cho hàng triệu người. Gia tăng ô nhiễm phốtpho và nitơ từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước thải đô thị… đã đe dọa các hệ sinh thái nước ngọt và nước biển. Trong 50 năm qua, số lượng các vùng ven biển có độ ôxy hòa tan thấp dưới tiêu chuẩn đã tăng gấp đôi.

   3. Định hướng giải pháp

   Để giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu, cần có những giải pháp tổng hợp, trong đó môi trường được coi là một thành tố quan trọng của phát triển. Một số giải pháp được các diễn đàn môi trường cấp cao xác định bao gồm: nhấn mạnh vai trò của môi trường trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường tài chính và công nghệ, thay đổi cách tiếp cận giải quyết các vấn đề môi trường - sức khỏe.

   Nhấn mạnh vai trò của môi trường trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

   Dự thảo Mục tiêu Phát triển bền vững gồm 17 mục sẽ được xem xét thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9/2015.Đây được coi là văn kiện định hướng quan trọng cho các chính sách phát triển toàn cầu. Nhiều mục tiêu phát triển bền vững có liên quan trực tiếp đến môi trường như: Quản lý và đảm bảo cung cấp nước và điều kiện vệ sinh; Đảm bảo các dạng thức tiêu dùng và sản xuất bền vững; Thực hiện hành động kịp thời ứng phó với BĐKH và tác động; Bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển; Bảo vệ, khôi phục và phát triển các hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, dừng và đảo ngược xu thế suy thoái đất và suy giảm ĐDSH. Một số mục tiêu khác như xóa đói giảm nghèo, năng lượng, tăng trưởng bền vững cũng có quan hệ chặt chẽ với BVMT. Vì vậy, để có thể giải quyết được các vấn đề môi trường, cần lồng ghép môi trường vào các chiến lược, chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ở cấp toàn cầu và quốc gia.

   Tăng cường tài chính và công nghệ cho môi trường

   Để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, cần tiếp tục mở rộng và thực hiện hiệu quả các cơ chế tài chính.Các nước phát triển cần thể hiện vai trò trách nhiệm dẫn đầu của mình qua các cam kết tài chính hỗ trợ ứng phó BĐKH và BVMT. Các nguồn tài chính khác có thể được huy động thông qua các chính sách thuế phát thải, giảm trợ cấp năng lượng hóa thạch, bồi hoàn tài chính cho ĐDSH, định giá tài nguyên thiên nhiên và áp dụng chính sách hợp lý nhằm duy trì và phát triển nguồn vốn thiên nhiên. Song song với tài chính, các hỗ trợ để phát triển và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ các bon thấp cũng rất cần thiết nhằm giúp giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

   Giải quyết vấn đề môi trường - sức khỏe bằng cách tiếp cận tổng hợp

   Mối liên hệ giữa môi trường và sức khỏe bắt đầu được quan tâm từ những năm 1970. Đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về sức khỏe môi trường được triển khai song hiệu quả còn hạn chế. Một trong những lý do của việc triển khai thiếu hiệu quả là do cách tiếp cận vấn đề. Cho đến gần đây, khái niệm sức khỏe môi trường vẫn còn được hiểu theo các cách khác nhau. Một số quan điểm cho rằng, sức khỏe môi trường khu trú trong phạm vi các vấn đề y tế dự phòng như làm sao phòng chống bệnh tật hiệu quả thông qua áp dụng các biện pháp vệ sinh môi trường sống và môi trường lao động. Một số khác lý luận rằng, sức khỏe môi trường chỉ cần tập trung vào duy trì và cải thiện chất lượng môi trường.Hai cách hiểu này đúng nhưng chưa đầy đủ. Kết quả là các giải pháp thường được xây dựng và thực hiện khá biệt lập trong phạm vi ngành y tế hoặc ngành môi trường.

   Nhận thức bất cập này, gần đây cụm từ “các vấn đề môi trường - sức khỏe” được sử dụng thường xuyên hơn trong các diễn đàn thay vì “các vấn đề sức khỏe môi trường”.Điển hình là Diễn đàn Môi trường-Sức khỏe khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó kêu gọi các nước xây dựng kế hoạch quốc gia về Môi trường và Sức khỏe.Cách tiếp cận này không mới, song có thể làm thay đổi tư duy biệt lập giữa ngành y tế và ngành môi trường.Thay vì triển khai những giải pháp độc lập, hai ngành này cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng những giải pháp tổng hợp, nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người thông qua bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường xung quanh.Nói cách khác, các giải pháp môi trường cần được xây dựng trên cơ sở lấy sức khỏe con người làm trung tâm. Chỉ khi lấy sức khỏe con người là mục tiêu của BVMT thì các vấn đế môi trường mới thực sự được quan tâm đúng mức.

   Với áp lực về gia tăng dân số, tăng số dân thuộc tầng lớp trung lưu và đô thị hóa, môi trường toàn cầu đang tiếp tục đặt ra các thách thức bởi hiểm họa từ suy thoái ĐDSH, BĐKH, suy giảm nguồn nước và đại dương, suy thoái và mất rừng, ô nhiễm hóa chất và chất thải. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường toàn cầu cần triển khai các giải pháp lồng ghép môi trường vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển, tăng cường tài chính và công nghệ cho BVMT và thay đổi cách tiếp cận trong giải quyết các vấn đề môi trường - sức khỏe. Các giải pháp này cần xây dựng và thực hiện với nỗ lực ở các tất cả cấp độ, từ toàn cầu, quốc gia đến địa phương.

Tài liệu tham khảo

- Global Environment Facility (GEF) 2014. Strategy for GEF 2020, Fifth GEF Assembly May 28 - 29, 2014, Cancun, Mexico

- UNEP 2015. Chair Summary, 1st Forum of Ministers and Environmental Authorities of Asia Pacific, Bangkok, Thailand, 19 May 2015.

- Shamshad Akhtar 2015. Keynote Speech by Under-Secretary-General of the United Nations & Executive Secretary of The Economic and Social Commission for Asia and the Pacific, 1st Forum of Ministers and Environmental Authorities of Asia Pacific, Bangkok, Thailand, 19 May 2015.

 

TS. Đỗ Nam Thắng

Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

 

 

Ý kiến của bạn