Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Hiện trạng mua sắm công xanh tại Việt Nam và một số đề xuất nhằm thúc đấy triển khai

20/01/2014

     Mua sắm công xanh được định nghĩa là “quá trình các cơ quan nhà nước mua sắm các sản phẩm, dịch vụ có ít tác động tới môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm so với những sản phẩm, dịch vụ có mục đích tương tự”. Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động mua sắm trong khu vực công được nhận định là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chiếm một phần lớn trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Mua sắm công thường chiếm tới 20% chi tiêu của Chính phủ. Bài viết này tập trung vào phân tích, đánh giá hiện trạng mua sắm công xanh tại Việt Nam từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy mua sắm công xanh .

     Tổng quan các quy định liên quan đến mua sắm công xanh

     Trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện như Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước...đã giúp việc kiểm soát mua sắm công được chặt chẽ hơn. Đối với các quy định mua sắm công xanh, hiện tại chưa có những chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố BVMT và công bằng xã hội trong mua sắm. Tuy nhiên, trong quy trình mua sắm công, một số sáng kiến nhằm cải thiện quy trình này đang thực hiện ở các cơ quan chính phủ như Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg về ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, Quyết định số 68/QĐ- TTg về việc Ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, từ ngày 1/1/2013, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này phải mua sắm các phương tiện, thiết bị được dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm xanh. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành một nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

     Một số đánh giá ban đầu về thực hiện mua sắm công xanh

     Đối với các cơ quan nhà nước, đã và đang có kế hoạch thực hiện các quy định về sáng kiến của Chính phủ liên quan đến mua sắm công (Quyết định số 179/QĐ-TTg, Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg). Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện các quy định này mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử...

 

Từng bước mở rộng chiến dịch nâng cao nhận thức về mua sắm xanh

 

     Theo kết quả điều tra cho thấy, việc triển khai thực hiện mua sắm công xanh trong giai đoạn này còn gặp phải một số trở ngại lớn, trước hết là về vấn đề nhận thức. Hầu hết, các cán bộ chịu trách nhiệm mua sắm của các cơ quan hiện nay là chưa được đào tạo, tập huấn hay được cung cấp thông tin sâu về lĩnh vực mua sắm công xanh. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu cơ sở pháp lý và cơ chế tài chính để thúc đẩy triển khai hoạt động này. Nhiều cơ quan cho rằng trong bối cảnh hiện nay để tạo chuyển biến tích cực trong mua sắm công xanh nên ưu tiên giải pháp mở các lớp đào tạo, tập huấn, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế cho các cán bộ mua sắm. Ngoài ra, việc xây dựng khung chính sách toàn diện và hiệu quả về mua sắm công xanh là cần thiết cho Việt Nam.

     Đối với doanh nghiệp, mặc dù, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực BVMT. Tuy nhiên cho đến nay các doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ và cũng như chưa có sự quan tâm đúng mức đến chính sách này. Vì vậy chưa tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp cận sản xuất sản phẩm xanh.

     Một số doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm đến việc giảm tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm này mới chỉ hướng tới một số đối tượng trong khu vực tư, chưa quan tâm tới khu vực có tiềm năng rất lớn là khu vực công.

     Một số doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất của họ hiện nay trong việc triển khai sản xuất các sản phẩm xanh là vốn và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn và đề xuất Chính phủ sớm ban hành những chính sách, cơ chế nhằm hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh đồng thời hỗ trợ đào tạo các kiến thức liên quan đến mua sắm xanh.

     Cơ hội và rào cản cho mua sắm công xanh ở Việt Nam

     Việc Chính phủ ban hành một số văn bản liên quan đến mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước có thể xem là sáng kiến trong việc cải thiện quy trình mua sắm công tại Việt Nam. Theo đó, phương thức mua sắm tập trung có thể phát huy hiệu quả, tạo ra những đơn hàng đủ lớn và phát huy sức mạnh mua sắm công để hướng thị trường hàng hóa và dịch vụ vào môi trường sản xuất xanh và bền vững hơn. Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số quy định về tiêu chí và quy trình cấp nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái và mua sắm xanh có mối quan hệ khăng khít với nhau. Nhãn sinh thái là một trong những biện pháp điều chỉnh mục tiêu sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của cộng đồng. Việc dán nhãn sinh đã được thí điểm thực hiện ở một số sản phẩm. Đây cũng là hoạt động được ghi nhận tạo tiền đề tích cực trong việc tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.

     Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hiện nay cũng đã bước đầu nhận thức được vai trò của mua sắm công xanh và ủng hộ việc ban hành chính sách này. Hầu hết đều thể hiện sự quan tâm đến việc lồng ghép các tiêu chí môi trường trong quá trình mua sắm công. Tất cả các chính sách, quy định liên quan đến mua sắm công đã được ban hành và những hoạt động trong thời gian vừa qua cho thấy cam kết của Chính phủ, các cơ quan Bộ/ngành, địa phương và các doanh nghiệp nhằm tiến tới tích hợp các tiêu chí môi trường vào quy trình mua sắm.

     Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, một trong những rào cản đối với mua sắm công xanh chính là thói quen tiêu dùng. Thói quen tiêu dùng của người Việt bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhiều thói quen tiêu dùng kém bền vững nảy sinh.

     Nhận thức về mua sắm công xanh của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, hiện cũng chưa có chính sách và quy định cụ thể nào về thúc đẩy mua sắm công xanh. Điều này khiến cho mua sắm công xanh gặp những rào cản từ phía đơn vị thực thi chính sách.

     Về phía doanh nghiệp, khó khăn chính là nguồn vốn đầu tư và thị trường trong việc sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường hiện nay mới chỉ tập trung vào một số đối tượng thuộc khu vực tư nhân, chưa có sự quan tâm thích hợp đến khu vực công.

      Một số đề xuất thúc đẩy mua sắm công xanh

      Nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công xanh ở Việt Nam, xin đưa ra một số đề xuất và khuyến nghị:

     Mua sắm công xanh có thể được xây dựng và triển khai thực hiện với sự đồng thuận, hỗ trợ từ phía Chính phủ và sự hợp tác giữa các Bộ/ngành thông qua việc ban hành các chính sách và các văn bản hướng dẫn chi tiết. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát các văn bản quy định về mua sắm công và các văn bản quy định trong lĩnh vực BVMT và phát triển bền vững để xây dựng một khung pháp lý về mua sắm công xanh, cũng như tích hợp các tiêu chí môi trường vào quy trình mua sắm.

     Xây dựng và từng bước mở rộng chiến dịch nâng cao nhận thức về mua sắm xanh, đặc biệt chú trọng đào tạo cho các cán bộ mua sắm trong các cơ quan nhà nước về mua sắm công xanh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn. Ví dụ, cần thiết đưa nội dung tập huấn về mua sắm công xanh tích hợp vào các khóa đào tạo về chứng chỉ đấu thầu…

     Chính phủ có các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường nhằm khuyến khích và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh các sản phẩm này.

      Trong giai đoạn hiện nay, một số nhóm sản phẩm công xanh nên được ưu tiên áp dụng mua sắm tại các cơ quan nhà nước cụ thể: Các dịch vụ (xây dựng, du lịch…) đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế xanh như đảm bảo các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu; Các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai (hybrid); và các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế.

 

 

Hoàng Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2013

 

Tài liệu tham khảo

  1. COM (2008a), 400 Public procurement for a better environment, p.2
  2. Bộ Công Thương (2011), Báo cáo Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2010.
  3. Lê Hoàng Lan (2008), Báo cáo nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng sản phẩm sinh thái- Hội thảo quốc tế thúc đẩy sản phẩm sinh thái vì sự cạnh tranh và tiêu dùng bền vững.
  4. Văn phòng Chính phủ (2008), Thông báo số 32/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015.

 

        

 

 

Ý kiến của bạn