Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Họa sỹ và những con giáp

22/01/2014

     Năm 2014, năm Giáp Ngọ là năm Dương Hỏa, khí dương theo lửa bốc lên cao, hợp với những toan tính làm ăn lớn, lợi cho người mệnh Thổ… Trong sự “khắc chế” huyền ảo của Trời Đất, trong vòng luân hồi của kiếp người, trong cương tỏa vô hình của luật “Nhân quả”… hình ảnh con ngựa dũng mãnh bay lên, vượt cả mây trời, trăng sao, chuông khánh, lục lạc, cân đai loảng xoảng… như là ước mơ của con người vươn tới hạnh phúc hằng mong.

     Từ 10 năm nay, cứ mỗi độ xuân về, tôi lại sang thăm thầy Nguyễn Tư Nghiêm, trước là để thăm sức khỏe của thầy, sau nữa là để được xem thầy vẽ con giáp. Trong bộ Tứ (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái) tôi yêu nhất lối hành nét của thầy mặc dù ba cụ kia tôi cũng rất phục. Nét của thầy nửa như vận khí nửa như vô thức, đọc rõ sự khôn ngoan đến thượng thặng mà vẫn ngây ngô như trẻ nhỏ, cái gì cũng biết mà dường như không biết gì. Với vài nét run rẩy, con rồng của thầy như vừa bay trong chùa ra. Trong 12 con giáp, tôi cho con chó là khó vẽ nhất, bởi ngoại hình của nó không đẹp. Ấy thế mà thầy đã vẽ con chó rất đẹp, mà lại cả 4 con một lúc (ước mong sự sum vầy, đoàn tụ), gam màu nhã, chỉ có đen trắng và nâu vàng, thế thôi. Ngược lại, thầy vẽ con hổ thì toàn màu nguyên thủy gồm xanh, đỏ, tím, vàng… Thoạt tiên, tôi nghĩ đơn giản là thầy thích vẽ gì, vẽ thế nào mà chẳng được, vẽ thế nào mà chẳng thành đẹp… Đến khi trò chuyện, té ra không phải thế, mà thầy có nghiên cứu Âm dương, Ngũ hành hẳn hoi. Thầy bảo: con hổ nhiều xanh, đỏ vì nó là Dương mộc, con rồng nhiều vàng đen vì là Dương thổ, con gà nhiều sắc trắng vì nó là Âm kim… Cứ mỗi độ xuân về, nhìn thầy lui cui vẽ bên con Tốt (con chó của thầy) lại cảm thấy đời người họa sĩ sao mà cô đơn, dữ dội quá. Thầy vẫn nhìn, không hề nói, xuất hồn xuất vía vào ngọn bút, ra các con giống để gửi cho nhân thế tình yêu của mình.

 

Tác giả tại Phòng tranh

 

     Họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là một người vẽ con giáp tài tình, tôi không có được cái vinh dự gần cận ông luôn luôn, nhưng hễ có dịp là tôi tới ông, nhất là hồi Hà Nội bị ném bom. Một lần, từ mặt trận về, tôi biếu ông chai rượu quê. Ông đang vẽ dở con mèo… Nhìn mấy ngón tay ông nâng cái ly nhỏ lên, nhấp một ngụm, tôi cho rằng không ai sành rượu và tôn trọng rượu hơn ông, thần thái của động tác ấy toát lên vẻ sang trọng, khinh bạc mà dễ thường vì thế nó chạy sang cả con mèo ông đang vẽ. Không dùng giấy, bút mực, cứ viên phấn trắng ông vẽ ngay xuống nền nhà, xóa, rồi lại vẽ… Tay đầy bụi phấn vẫn nâng ly lên uống, vẫn rất sang trọng. Vâng! Sự sang trọng chính là điểm tôi mê nhất ở ông rồi mới đến sự hào hoa, sự dữ dội, sự phong trần… Con mèo của ông vẽ xong rồi. Tôi bảo ông: “Em gọi nó là con cọp, nom dữ quá”. Ông cười, chả nói gì. Hình như các bậc thượng thặng đều rất ít nói.

     Phạm Viết Hồng Lam cũng là một người hay vẽ con giáp. Năm nào vẽ con ấy. Ông thường vẽ bằng bột màu trên nền giấy dó quét điệp. Các con giáp của ông đậm chất Đông phương, tài nhất là đến năm Tỵ, ông vẽ con rắn, nom nó loằn ngoằn giống như kiểu chữ Phạn nhà Phật. Khí tự rất là u tịch. Ngược lại, Đỗ Phấn lại thích vẽ con dê, con dê của Đỗ Phấn phồn thực, đôn hậu, hào phóng điểm chút nhấn nhá rất đắc địa. Nói đến con trâu, không thể không nhắc đến Thành Chương, chú “mục đồng” với 2 bàn tay to quá khổ mà lại khéo làm sao. Đàn trâu của Thành Chương chắc chả còn mấy làm ta thấy nuối tiếc cặp sừng dài cong vút, cái đầu và bộ vai cấu trúc rất đơn giản bằng những hình kỷ hà và những mảnh màu xanh đỏ sặc sỡ xen kẽ gây ấn tượng vừa dân tộc, vừa hiện đại. Ngoài trâu ra, ta còn nhớ đến con “gà tồ” Thành Chương vẽ từ tấm bé đã sớm đem lại vinh quang cho ông từ thuở thiếu thời. Riêng họa sĩ trẻ Phạm Minh Tuấn lại chơi riêng một kiểu. Anh khai triển 12 bức tranh con giáp nhỏ rồi xếp gọn và một khung lớn, vẽ lối hiện đại, vừa siêu thực, vừa lập thể. Tiện nhất là nếu có khách muốn mua chỉ một con trong khung lớn là dỡ ra bán luôn, ngay ngày hôm sau có con khác lắp vào, công nghệ tháo lắp vô cùng khoa học. Còn với Hoàng Đình Tài, vẽ con giáp không đơn thuần chỉ là một cử chỉ nghênh xuân. Bất cứ lúc nào với ông, các hành động hội họa cũng nghiêm cẩn cả khi phóng bút, nghiền màu. Các con giáp của ông bị cày xới thành nhiều lớp quằn quại, trăn trở, đầy nội tâm.

 

 

Tác phẩm ngựa chở hoa sen của Lê Trí Dũng

 

      “Mười hai con giáp, vòng vận hành của Thập nhị chi, tại sao lại bắt đầu bằng con chuột bé tý, và kết thúc lại bằng con lợn ủn ỉn? Tại sao lại vắng bóng nhiều con vật dũng mãnh?... Vẫn là một điều bí ẩn của nhân loại! Thật ra, với tư cách một người nghiên cứu Thần học, tôi vẫn thấy người xưa thật uyên bác, vì thế, chấp nhận là thái độ khôn ngoan của người nay! Sống trong một thế giới đầy rẫy phức tạp của “hỷ, nộ, ái, ố” của chứng khoán, của internet, của lên đồng, của bỏ bùa, của người thi tuyển để bay vào vũ trụ hoặc mong lên sao hỏa sống… thì sự hướng thiện, mơ ước một cuộc sống an bình, an toàn, an vui, an nhiên… là một mơ ước chính đáng.

 

Họa sĩ Lê Trí Dũng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn