Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Góp ý Dự thảo quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia

15/09/2015

     Ngày 26/8/2015, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã có cuộc họp góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chủ trì cuộc họp.      Thời gian qua, hoạt động quan trắc TN&MT ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT. Đến nay, cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới khoảng 700 trạm và 2.000 điểm quan trắc TN&MT; thu thập khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực; xây dựng đội ngũ trên 3.000 quan trắc viên chuyên nghiệp… Tuy nhiên, do được xây dựng trên nền tảng mạng lưới riêng rẽ, hình thành từ nhiều thời kỳ khác nhau, phục vụ cho từng lĩnh vực nên một số đối tượng quan trắc chưa được đưa vào quy hoạch (như ước lượng mưa, điều tiết hồ chứa, kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới); chưa có cơ chế trao đổi số liệu, thông tin điều tra cơ bản; nhiều công trình quan trắc xuống cấp, công nghệ lạc hậu… Do vậy, việc xây dựng và ban hành Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu quản lý ngành TN&MT.   Toàn cảnh Hội thảo        Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm xây dựng được hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, BVMT và các ngành kinh tế kỹ thuật khác; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.      Theo Dự thảo, mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia được quy hoạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gồm 7 mạng quan trắc thành phần theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT (khí tượng thủy văn; tài nguyên nước, môi trường, TN&MT biển, vệ tinh và địa động lực; địa chất khoáng sản; tài nguyên đất) và 1 mạng quan trắc các phòng thí nghiệm.      Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch, trong đó tập trung vào việc lồng ghép các trạm để đáp ứng nhu cầu quan trắc nhiều lĩnh vực; vấn đề nhân lực và đầu tư trang thiết bị; kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới quan trắc; cơ chế lưu trữ, chia sẻ dữ liệu; xây dựng hệ thống trạm, điểm quan trắc sử dụng công nghệ hiện đại…      Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ là mạng lưới hoạt động ổn định, lâu dài; có thể chia sẻ và kết nối với các trạm quan trắc của các Bộ, ngành và địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ TN&MT. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm công tác quản lý, vận hành mạng quan trắc TN&MT; các đề xuất đầu tư cần tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng giai đoạn; ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT.   Hồng Nhự
Ý kiến của bạn