Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 26/12/2024

Dấu ấn 10 năm hoạt động của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

10/05/2016

   Được thành lập từ năm 2006, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (TNVN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là nơi lưu giữ hơn 50.000 mẫu vật khái quát về nguồn gốc sự sống và thiên nhiên Việt Nam qua 3,6 tỷ năm. Kỷ niệm 10 năm thành lập (10/3/2006 - 10/3/2016), Bảo tàng đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Bảo tàng TNVN Vũ Văn Liên.

Phó Giám đốc Bảo tàng TNVN Vũ Văn Liên

   Là Bảo tàng đầu tiên tại Việt Nam trưng bày nhiều mẫu vật độc đáo, tái hiện lịch sử sự sống, xin ông cho biết đôi nét về chặng đường hình thành và phát triển của Bảo tàng trong thời gian qua?

   Ông Vũ Văn Liên: Trong 10 năm qua, Bảo tàng đã từng bước phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo quản, chế tác mẫu vật, tổ chức trưng bày và tham quan các mẫu vật về thiên nhiên, mở rộng hợp tác quốc tế. Đặc biệt, từ tháng 5/2014, Bảo tàng đã mở cửa phòng trưng bày tiến hóa sinh giới đầu tiên của Việt Nam, phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, học tập, tìm hiểu về thế giới tự nhiên, được xã hội quan tâm và đón nhận. Sau gần 2 năm mở cửa, phòng trưng bày Bảo tàng đón hơn 75 vạn lượt khách, trung bình khoảng 200 lượt khách tham quan/ngày. Bảo tàng còn là nơi lưu giữ hơn 50.000 mẫu vật về thiên nhiên như địa chất, cổ sinh, động vật, thực vật, côn trùng... được bố trí lô gic, khoa học, hiện đại cùng với các video clip sinh động và phim 3D về lịch sử sự sống, thiên nhiên có “sức hút” đối với khách tham quan. Trong thời gian tới, số lượng mẫu sẽ tiếp tục được bổ sung.

   Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng thực hiện hàng trăm đề tài, dự án, nhiệm vụ và công bố trên gần 100 bài báo của các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

   Bảo tàng TNVN ra đời có ý nghĩa như thế nào đối với bảo tồn thiên nhiên nói riêng và BVMT nói chung, thưa ông?

   Ông Vũ Văn Liên: Sự ra đời của Bảo tàng TNVN có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, nhất là trong việc tìm hiểu thế giới tự nhiên, nguồn gốc sự sống, quá trình hình thành, phát triển và tiến hóa của các loài. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con người đã và đang tàn phá thiên nhiên, hàng triệu ha rừng nhiệt đới biến mất, nhiều loài động - thực vật bị tuyệt chủng do săn bắt, mất sinh cảnh, đó là những nguồn gen quý đối với con người. Bên cạnh đó là sự nóng lên của Trái đất, nước biển dâng và nhiều thảm họa thiên nhiên đã tác động đến môi trường. Vì vậy, hiểu được nguồn gốc sự sống, quá trình hình thành và sự tiến hóa của thế giới sinh vật sẽ giúp con người tôn trọng thiên nhiên, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và có ý thức BVMT sống cho thế hệ hiện tại và tương lai.

   Để nâng cao ý thức BVMT của cộng đồng, ngoài hoạt động trưng bày hiện vật, Bảo tàng có những hoạt động gì để khơi gợi tình yêu thiên nhiên?

   Ông Vũ Văn Liên: Ngoài hoạt động trưng bày, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động bằng pano và mẫu vật về thiên nhiên ở các tỉnh như Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang… nhằm giới thiệu và quảng bá thế giới tự nhiên. Bảo tàng cũng tổ chức làm tiêu bản mẫu vật để học sinh làm quen với thế giới tự nhiên, các loài sinh vật. Qua đó, các em hiểu hơn về thế giới tự nhiên và hướng các em trở thành những nhà khoa học tự nhiên trong tương lai.

   Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ xây dựng được một Bảo tàng mới có đủ không gian để trưng bày trong nhà, ngoài trời, với vườn thực vật, động vật, địa chất, bướm… mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển đất nước.

   Xin cảm ơn ông!

                Mai Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn