Banner trang chủ

Tỉnh Thái Bình: Xây dựng và phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững

29/11/2021

    Là địa phương thuần nông nghiệp với những điều kiện tự nhiên vô cùng thích hợp cho việc trồng trọt, chăn nuôi và đặc biệt trong tỉnh Thái Bình nổi lên rất nhiều những làng văn hóa nông nghiệp, làng nghề cũng như các điểm du lịch nhân văn khác. Du lịch nông thôn có thể khai thác tối đa những điều kiện này, với những nét văn hóa đặc trưng của nông nghiệp.

    Thuận lợi và khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch nông thôn ở Thái Bình

    Thuận lợi

    Thái Bình thuộc vùng kinh tế duyên hải Bắc Bộ. Đứng về góc độ du lịch, Thái Bình thuộc vùng du lịch đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, có mối liên hệ du lịch thuận tiện với thủ đô Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng. Với vị trí địa lý thuận lơi, Thái Bình có điều kiện để phát triển một nền kinh tế tổng hợp nhiều thành phần, trong đó, du lịch là một ngành có triển vọng, hứa hẹn giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh cũng như có thể liên kết phát triển với các tỉnh lân cận.

    Về tự nhiên, Thái Bình nằm bên bờ sông Hồng, được thiên nhiên ưu đãi với những bãi phù sa màu mỡ bồi đắp. Nơi đây có những cánh đồng lúa, bãi ngô xanh biếc với những đặc sản thơm ngon như ổi bo, bánh cáy, canh cá… Bên cạnh đó, Thái Bình là tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng, khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ sinh thái biển đa dạng như khu rừng ngập mặn Thuỵ Trường, cồn Đen, cồn Vành,… đều là những tài nguyên du lịch có giá trị.

    Về văn hóa, trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước của dân tộc, Thái Bình là một vùng đất thiêng, nơi phát tích của nhà Trần và của nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc như Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh... Đây cũng là miền đất cội nguồn, là kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu chèo, hát trống quân mượt mà đằm thắm, những trò rối nước độc đáo cùng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: chùa Keo, đền Đồng Bằng, khu di tích lịch sử nhà Trần, nhà lưu niệm Lê Quý Đôn, khu lưu niệm Bác Hồ...

    Nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Thái Bình có cơ hội đón nhận và tận dụng sự phát triển chung của vùng, trước hết là đón nhận và tận dụng đầu tư vào kết cấu hạ tầng (hệ thống đường bộ, đường thủy…) cho phát triển kinh tế - du lịch.

    Địa hình Thái Bình đơn giản, cảnh quan đồng quê và cảnh quan tự nhiên thoáng đãng trong lành, đặc biệt là cảnh quan biển Đồng Châu mênh mông. Không những thế, địa hình bằng phẳng là điệu kiện thuận lợi trong việc đi lại, thăm thú của du khách.

    Thái Bình có khí hậu tương đối thuận lợi cho mọi hoạt động sản xuất cũng như hoạt động du lịch, tham quan nghỉ dưỡng. Đây cũng là điều kiện thu hút khách du lịch tham gia hoạt động du lịch nông thôn đến với Thái Bình. Với điều kiện khí hậu như vậy, Thái Bình rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tiền đề vững chắc để phát triển du lịch nông thôn.

    Thái Bình là một địa bàn đông dân cư, trong những năm qua kinh tế - văn hóa - xã hội được ổn định và phát triển, đời sống vật chất tinh thần cũng như nhu cầu nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe, du lịch của người dân ngày càng nâng cao.

    Khó khăn, hạn chế

    Thời gian qua, lượng khách du lịch đến Thái Bình tăng dần qua các năm, doanh thu từ ngành Du lịch đã đóng góp một phần đáng kể vào nguồn ngân sách của tỉnh và trong tương lai không xa du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch nông thôn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng của Thái Bình bởi những khó khăn, hạn chế sau:

    Thái Bình là tỉnh có diện tích tự nhiên hẹp, tài nguyên du lịch tự nhiên không thực sự đa dạng. So với các tỉnh duyên hải, tài nguyên du lịch biển không thực sự nổi bật. Tài nguyên du lịch nhân văn chưa hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.

    Khí hậu Thái Bình đặc trưng với khí hậu gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt. Vào mùa mưa, những vùng địa hình thấp dễ bị ngập úng, rất khó cho du khách có thể tham gia vào hoạt động của du lịch nông thôn. Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết thường xuyên như mưa bão, lạnh, mưa phùn có thể gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động du lịch.

    Thái Bình là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát du lịch còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật nói chung còn thiếu và yếu. Ngành Du lịch hầu như chưa có gì. Điều đó đòi hỏi Thái Bình cần nghiên cứu giải pháp cụ thể nhằm thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay số lượng các dự án đầu tư ở Thái Bình chưa nhiều, chỉ có một số doanh nghiệp và vốn của Nhà nước là chính, chưa thu hút được các dự án nước ngoài đầu tư tại tỉnh. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu, đến nay chỉ có cơ sở lưu trú là đã khá ổn nhưng chỉ tại thành phố, còn các cơ sở khác như ăn uống, vui chơi giải trí vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

    Do thiếu vốn đầu tư phát triển nên việc bảo vệ quản lý tài nguyên còn hạn chế. Mâu thuẫn trong quản lý và khai thác tài nguyên dẫn đến tình trạng chưa phát huy được thế mạnh của tài nguyên du lịch. Vì vậy, về cơ bản, nhất thiết phải đánh giá đúng tài nguyên của tỉnh nhà. Các cấp, các ngành cần quy hoạch để đầu tư tôn tạo, bảo vệ và khai thác một cách tốt nhất nguồn tài nguyên du lịch nông thôn và tổng thể tài nguyên du lịch của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thái Bình.

    Du lịch Thái Bình phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch đã tác động không ít đến đời sống con người, thiên nhiên và môi trường ở nông thôn theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mà phần nhiều là tiêu cực. Người dân là chủ của những vùng đất gắn với phát triển du lịch nông thôn thì lại bị xem nhẹ và nằm ngoài luồng của sự phát triển du lịch nơi mà lợi nhuận chủ yếu dồn về Nhà nước và một số doanh nghiệp tư nhân.

    Định hướng xây dựng và phát triển du lịch nông thôn bền vững ở Thái Bình

    Thứ nhất, phát triển du lịch nông thôn gắn với cộng đồng

    Phát triển hoạt động du lịch nông thôn phải gắn với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các vùng nông thôn, làm đòn bẩy để khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất tại vùng nông thôn, và từ đó phát triển cộng đồng dân cư địa phương. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn phải theo hướng tạo điều kiện cho những hộ gia đình nông dân, ngư dân trở thành những chủ thể cung cấp dịch vụ cho hoạt động du lịch nông thôn.

    Thứ hai, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

    Phát triển loại hình du lịch nông thôn trên cơ sở tổ chức hoặc xây dựng những chương trình du lịch, trong đó khách du lịch sẽ được giao lưu, tìm hiểu những nếp sống, phong tục tập quán, tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, các làng nghề, truyền thống tại địa phương. Đến với du lịch nông thôn ở Thái Bình, bên cạnh các hoạt động nông nghiệp, du khách có thể tham quan hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, trong đó các điểm nhấn là Khu di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần, chùa Keo, đền Tiên La, khu đình - đền - bến tượng A Sào. Những hoạt động này sẽ tạo cơ sở để các địa phương, các hộ gia đình bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống.

    Thứ ba, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn môi trường thiên nhiên

    Phát triển du lịch nông thôn gắn với việc bảo tồn môi trường thiên nhiên và cảnh quan nông thôn. Môi trường nông thôn có đặc điểm bao hàm cảnh quan sản xuất nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, thoáng đãng với diện tích mặt nước, cây xanh nhiều. Sự phát triển du lịch nông thôn đã tạo cơ sở cho những người nông dân phải chú ý đến bảo vệ môi trường để thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch nông thôn sẽ phải gắn với bảo tồn, duy trì cảnh quan và môi trường khu vực nông thôn, bằng các hình thức tuyên truyền giáo dục về việc tránh xả rác bừa bãi, trân trọng giá trị của tài nguyên, bảo vệ giữ gìn môi trường và cảnh quan nông thôn.

    Thứ tư, phát triển theo hướng khách du lịch được trực tiếp trải nghiệm các hoạt động tại khu vực nông thôn

Thái Bình có điều kiện để phát triển nền kinh tế tổng hợp nhiều thành phần, trong đó, du lịch là một ngành có triển vọng

    Hoạt động du lịch nông thôn đòi hỏi khách du lịch tham gia vào quá trình sẽ có những hoạt động giao lưu trực tiếp với người dân địa phương, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, trải nghiệm các phương thức sản xuất và canh tác, trải nghiệm cách thức sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân địa phương như trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn văn minh lúa nước sông Hồng và các điểm du lịch cộng đồng như Công viên sinh thái ổi bo, làng quất Đông Hòa (thành phố Thái Bình), làng hoa cây cảnh Bách Thuận (huyện Vũ Thư), làng hoa, cây cảnh Minh Tân, Hồng Việt (huyện Đông Hưng) và một số làng nghề truyền thống khác. Như vậy, trong việc xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình du lịch nông thôn phải quan tâm đến yếu tố là những hoạt động trải nghiệm của khách du lịch.

    Thứ năm, phát triển theo phương châm “mỗi làng mỗi sản phẩm”

    Du lịch nông thôn được phát triển trên cơ sở phát huy những tài nguyên vốn có ở địa phương. Để du lịch nông thôn phát triển, đa dạng hóa được các sản phẩm du lịch nông thôn, việc mỗi địa phương phát triển một sản phẩm đặc thù sẽ là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng. Yếu tố này sẽ thu hút khách và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phát triển được hệ thống sản phẩm đa dạng và là điều kiện để phát triển được các hoạt động du lịch nông thôn. Hiện nay, có một số làng ở Thái Bình nổi tiếng với các sản phẩm như: nghề bạc Đồng Xâm, đũi Nam Cao, mây tre đan Thượng Hiền, thêu Minh Lãng, vườn Bách Thuận, bánh cáy Nguyên Xá, chiếu Hới, kính - khóa Lịch Động, dũa cưa Mê Linh…

    Phát triển du lịch nông thôn bền vững ở Thái Bình

    Để phát triển du lịch nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo tại Thái Bình, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

    Cần có nhận thức đúng về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới, không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như cảnh quan môi trường sinh thái (Nguyên Minh, 2019).

    Chú trọng công tác quy hoạch và quản lý phát triển du lịch nông thôn. Cần có các nghiên cứu cơ bản về từng vùng nông thôn trong kế hoạch phát triển của tỉnh Thái Bình. Tỉnh cần xác định sức mạnh thu hút của tài nguyên du lịch trên địa bàn nông thôn trên cơ sở điều tra và đánh giá toàn diện tài nguyên thông qua định lượng 9 tiêu chí sau: (1) mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch nông thôn của từng địa bàn trong tỉnh; (2) thời gian khai thác các tài nguyên; (3) các yếu tố môi trường; (4) sức chứa của từng vùng; (5) độ bền vững trong tiềm năng du lịch nông thôn; (6) khả năng tiếp cận; (7) điều kiện hạ tầng; (8) khả năng phát triển; (9) hiệu quả kinh tế và xã hội. Các tiêu chí trên giúp cho việc lượng hóa tài nguyên theo thang bậc tạo cơ sở để tổ chức khai thác và quản lý, phát triển tài nguyên trong du lịch của từng địa phương (Bùi Xuân Nhàn, 2009).

    Cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương. Cần lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường.

    Cần xem sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn, đề cao vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần phát huy vai trò của các bên liên quan như các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội… Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch thông qua việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù (Nguyên Minh, 2019).

    Xác định cơ cấu vốn đầu tư hợp lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư này, tập trung vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng các bến phà, bến đò đón khách đảm bảo, các nhà nghỉ, cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt coi trọng mối quan hệ liên kết, đối tác trong cung ứng các dịch vụ phục vụ tối đa nhu cầu của du khách.

    Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch ở các doanh nghiệp du lịch phát triển du lịch nông thôn cũng như tại địa bàn phát triển du lịch nông thôn đủ về số lượng theo dự báo, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch cao. Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.

    Nâng cao chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm du lịch nông thôn trong đó chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn đón khách trong và ngoài nước; các nhà  hàng, quán ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang bản sắc ẩm thực của địa phương dựa trên các món gắn với nông nghiệp - lúa nước - xóm làng như cua, lươn, ốc...; các dịch vụ bổ sung như dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ bán đồ lưu niệm, dịch vụ y tế...

    Mở rộng thị trường và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến du lịch. Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch nông thôn. Tập trung xúc tiến theo chiến dịch trọng điểm, xây dựng cơ chế hợp tác trong và ngoài ngành, đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến, sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp phát triển du lịch với phát triển nông thôn, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.

    Phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng chiến lược giáo dục du lịch cộng đồng, giữ gìn cảnh quan và môi trường tự nhiên là vấn đề hết sức quan trọng. Bên cạnh việc bảo tồn giữ gìn môi trường cần phải có chiến lược cụ thể ở từng cấp, từ tỉnh xuống địa phương, giáo dục ý thức trong từng tầng lớp nhân dân để mọi người cùng hiểu rõ được ích lợi của việc bảo vệ môi trường và càng thấy rõ được trách nhiệm của mình, giáo dục người dân đối xử lịch thiệp, thân thiện, cởi mở với du khách nhằm tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn. Cần thường xuyên nhắc nhở mọi người bảo vệ giữ gìn sạch đẹp cảnh quan, viết các kiến nghị nhắc nhở mọi người ở những nơi thích hợp, hoặc nơi có đặt các thùng rác như: không ngắt hoa, không giẫm lên cỏ, xin mời hãy bỏ rác vào đây… Nên có thêm những biển quảng cáo lưu ý khách ở nơi có nhiều người qua lại.

    Cần tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến du lịch thu hút du khách nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch nông thôn.

    Yếu tố quyết định để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là xây dựng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn một cách khoa học, đồng thời cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch, đẩy mạnh và đa dạng hóa đầu tư, nâng cao chất lượng chuyên môn trong hoạt động du lịch nông thôn...

PGS.TS. Phạm Hồng Long

Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

    Tài liệu tham khảo

  1. ITDR & JICA (2013). Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam.
  2. Nguyễn Thị Tình (2009). Thái Bình từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 2, 54-55.
  3. Lê Anh Tuấn (2008). Du lịch nông thôn - định hướng phát triển ở Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 2, 32 - 33,71.

 

 

Ý kiến của bạn