Banner trang chủ

Hội Nông dân Thành phố Hải Phòng vì môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp

15/06/2021

     Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 2.500 tấn rác nhựa thải ra môi trường; Việt Nam đang xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới; đứng thứ 4 trên toàn cầu về mức xả thải nhựa ra đại dương. Tại Hải Phòng, một lượng lớn rác thải nhựa với đủ kích thước, hình dáng, từ lưới, ngư cụ đánh bắt hải sản của ngư dân đến túi ni lông, vỏ hộp sữa, vỏ chai nước uống của người dân, du khách… vứt bỏ bừa bãi, theo sóng trôi nổi khắp các mặt vịnh, khu vực bãi tắm, gây ô nhiễm môi trường. Chính sực thiếu ý thức của con người đã vô tình biến những địa điểm du lịch trở thành “điểm đen” về môi trường, vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch nổi tiếng đang ở mức báo động. Cùng với các địa phương khác trên cả nước, Hải Phòng đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong những nỗ lực chung đó, không thể không kể đến vai trò của Hội Nông dân TP. Hải Phòng với những việc làm, hành động thiết thực, hiệu quả.

     Hưởng ứng Kế hoạch hành động của UBND Thành phố về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì Môi trường, ngày 5/6/2021, Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã phối hợp với UBND huyện Cát Hải, Đồn Biên phòng Cát Bà phát động phong trào “Nông dân, ngư dân tham gia BVMT biển” và ra mắt mô hình điểm “Phân loại rác thải biển tại nguồn” tại đảo Cát Bà.

     Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Hồng Hưng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng cho biết, là thành phố Cảng biển, hiện Hải Phòng có trên 7.000 phương tiện tàu thuyền, trong đó có trên 4.000 phương tiện nghề cá thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển, nhất là vùng đánh bắt chung vịnh Bắc bộ. Hoạt động này góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, tuy nhiên, hệ lụy để lại cho môi trường sống cũng không nhỏ. Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương đã và đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Do đặc tính khó phân hủy, rác thải nhựa ngày càng lan tràn, gây ra thảm hoạ “ô nhiễm trắng”, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái đất. Vì vậy, ông kêu gọi các nông dân, ngư dân và cả cộng đồng, bằng những hành động thiết thực, từ những điều đơn giản nhất như: Không vứt rác bừa bãi; thực hiện thu gom, phân loại rác thải đúng cách; hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần; tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường… để cùng chung tay giữ gìn môi trường biển tại địa phương và BVMT sống.

Đại diện Lãnh đạo Hội Nông dân TP. Hải Phòng, Hội Nông dân huyện Cát Hải, Đồn Biên phòng Cát Bà tặng thùng rác cho ngư dân

     Được biết, mô hình “Phân loại rác thải biển tại nguồn” tại đảo Cát Bà do các chủ tàu, bà con ngư dân ở khu vực bến Đò, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải) thực hiện với các hoạt động chính là vận động, tuyên truyền người dân, ngư dân không vứt rác bừa bãi tại khu vực bờ biển. Đồng thời, phối hợp với UBND huyện Cát Hải, UBND thị trấn Cát Bà, đồn Biên phòng Cát Bà tổ chức phân loại, định kỳ thu gom rác thải tại các bờ vịnh, khu vực bến Đò cũng như mặt biển. Nhân dịp này, thay mặt Ban Lãnh đạo Hội, ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã trao tặng 12 thùng rác HPC cho bà con ngư dân tại khu vực bến tàu du lịch thị trấn Cát Bà, với thông điệp “Thêm một thùng rác thêm sạch biển xanh”. Trước đó, hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2020 “Hành động vì thiên nhiên”, Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố tổ chức phát động phong trào “Nông dân, ngư dân tham gia BVMT biển” và ra mắt mô hình “Phân loại rác thải biển tại nguồn” tại phường Hải Sơn (Đồ Sơn). Dịp này, Ban Tổ chức đã tặng 40 thùng rác cho 20 ngư dân tiêu biểu, đặt tại các tàu cá của ngư dân và 4 thùng rác đặt cố định tại Cảng Cá Ngọc Hải, hằm thay đổi, hình thành thói quen phân loại, xử lý rác thải trong cộng đồng người dân ven biển.

     Bên cạnh đó, nhận thấy tác hại của rác thải nhựa gây ra, Hội Nông dân các cấp Thành phố Hải Phòng cũng đã tích cực tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ hội viên nông dân, đồng thời vận động người thân cùng thực hiện nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, thông qua các phong trào, hoạt động cụ thể như: Tổ chức tập huấn công tác phát triển bền vững và ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho 120 cán bộ Hội Nông dân huyện, quận và cơ sở; phổ biến Luật BVMT cho gần 200 hội viên, nông dân… Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa, túi ni lông, nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; gắn các hoạt động BVMT với các hoạt động cụ thể như: Công tác thu gom phải đi đôi với tuyên truyền nâng cao nhận thức về rác, gắn trách nhiệm của người dân với ý thức của họ trong việc thực hiện nghiêm việc thải bỏ rác thải đúng nơi quy định, thời gian… Đặc biệt, thực hiện thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn, phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra” và phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhiều năm qua, Hội Nông dân TP. Hải Phòng cũng tích cực chỉ đạo và triển khai hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong hệ thống tổ chức Hội và hội viên, nông dân toàn Thành phố. Nhiều mô hình, cách làm hay tại địa phương được xây dựng và nhân rộng như mô hình “Nông dân tham gia BVMT”, “Tổ thu gom vỏ bao vì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng”... Đến nay, toàn Thành phố đã đã gắn 424 tuyến đường “Nông dân tham gia quản lý” và thành lập được 800 mô hình “Nông dân tham gia BVMT” do Hội Nông dân các xã, thị trấn chủ động đảm nhận, góp phần chung tay cùng cộng đồng chống rác thải nhựa, BVMT sáng, xanh, sạch, đẹp.

     Ngoài ra, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng được các cấp Hội chú trọng, đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp 46 tỷ 347 triệu đồng, 22.526 ngày công lao động, hiến 26.021 m2 đất thổ cư, sửa chữa 88,5 km đường giao thông nông thôn, 10 chiếc cầu nội đồng, đào đắp 15.317 m3 mương, kiên cố hóa, sửa chữa 23.726 km kênh mương...

     Có thể nói, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm rác thải nói riêng đang là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và của toàn xã hội. Trong đó, các phong trào, hoạt động, mô hình điểm của Hội Nông dâ TP. Hải Phòng cần được đẩy mạnh thực hiện và nhân rộng tại khắp các địa phương trong Thành phố. Đây là một trong những chuỗi hoạt động của Hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT tại địa phương.

Gia Linh

 

Ý kiến của bạn