Banner trang chủ

Tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030

11/12/2019

     Ngày 10/12/2019, tại TP. Hưng Yên, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng cho giai đoạn sau năm 2020. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội nghị.

     Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử và đại diện các Bộ, Sở, ban, ngành 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong cả nước.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội nghị

 

     Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, định hướng xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt được những thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là nội dung môi trường. Tính đến hết tháng 11/2019, cả nước đã có 4.806 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 54%) và 5.835 xã đạt tiêu chí môi trường (đạt tỷ lệ 65,5%). Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 94,84%; hệ thống thoát nước đã được quan tâm, đầu tư, được cống hóa, bê tông hóa, đã có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn); nhiều địa phương đã xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước kết hợp cải tạo cảnh quan...

     Về quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có 59/63 tỉnh, TP phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn theo quy định; 100% xã đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ; 42/63 tỉnh, TP có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh...

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Đối với xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 42 tỉnh, TP đã có 57.910 bể thu gom; 33 tỉnh, TP đã thu gom được gần 339.000 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật, xử lý gần 60.000 kg theo phương pháp đốt theo quy định, gần 190.000 kg tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương.

     Công tác BVMT đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt: 88% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều địa phương đạt 100%; 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 15,8% (trước đây chỉ đạt 6 - 7%).

     Mặt khác, BVMT làng nghề cũng có những bước đột phá. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng phương án BVMT làng nghề; một số mô hình xử lý chất thải làng nghề đã được triển khai, bước đầu đã hạn chế được ô nhiễm môi trường. Trong 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã có 8 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; 18/39 làng nghề còn lại đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

     Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như trồng hoa, cây xanh; mô hình “con đường bích họa, làng bích họa”, “dòng sông không rác”, “biến bãi rác thành vườn hoa”; “Tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp”; “tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn…

     Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác BVMT trong xây dựng NTM còn một số khó khăn, hạn chế như: Các chính sách thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa trong công tác BVMT, xử lý chất thải nông thôn còn chưa phát huy được hiệu quả; Bộ chỉ tiêu trong Tiêu chí số 17 về môi trường đối với cấp xã và Tiêu chí số 7 về môi trường đối với cấp huyện còn bộc lộ một số bất cập trong triển khai thực hiện; Thiếu các công cụ kỹ thuật, biện pháp khoa học, công nghệ phù hợp trong hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và BVMT nông thôn…

 

Bộ TN&MT trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện

tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019

 

     Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, để xây dựng nông thôn bền vững, giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và định hướng sau năm 2020, các địa phương đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM cần rà soát lại các nội dung của Tiêu chí môi trường và đầu tư nguồn lực, xử lý dứt điểm, củng cố chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí cho thực sự bền vững; tổ chức tổng điều tra, đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thẩm tra lại báo cáo của các địa phương để có được một bộ dữ liệu đầy đủ, chi tiết về bức tranh môi trường nông thôn của năm 2020. Đặc biệt, cần xem xét, phê duyệt kế hoạch cụ thể cho công tác quản lý chất thải rắn nông thôn, thống kê chi tiết, phân tách từng nguồn chất thải cụ thể (phụ phẩm nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải y tế và các loại chất thải khác) để có một định hướng quản lý chất thải phù hợp, tiếp cận với nguyên lý “kinh tế tuần hoàn” trong tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải cho các mục đích khác.

     Ngoài ra, cần vận dụng tối đa các cơ chế chính sách hiện có để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải; sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý nước thải nông thôn (theo hình thức tập trung hoặc phi tập trung), đặc biệt là nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước thải từ hoạt động nuôi trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản…; cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ; phát huy giá trị sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng; xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và BVMT…

     Đồng thời, Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030, trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương; vừa bảo đảm tính kế thừa, mới, đột phá, toàn diện, vừa bảo đảm tính khả thi và phù hợp với trình độ chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền, địa phương cụ thể. Mặt khác, cần trao quyền nhiều hơn cho địa phương và phát huy triệt để vai trò của cộng đồng, người dân trong công tác BVMT.

     Nhân dịp này,  Bộ TN&MT đã trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019.

 

Hồng Nhung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn