Banner trang chủ

Nam Định - Hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

16/12/2019

     Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 (Chương trình xây dựng NTM) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nông thôn, tỉnh Nam Ðịnh đã có sự khởi sắc rõ nét. Để tìm hiểu rõ hơn về những kết quả trong xây dựng NTM của tỉnh Nam Định đạt được thời gian qua, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

     PV: Sau gần 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, tỉnh Nam Định đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

     Ông Nguyễn Phùng Hoan: Sau gần 10 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 209/209 (100%) xã đạt chuẩn NTM; 9 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nam Trực, Ý Yên) và TP. Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện huyện Hải Hậu đang thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025. Đặc biệt, tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.

 

Ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định

 

     Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh Nam Định đã vào cuộc, chung tay xây dựng NTM làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ rệt: Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng; tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2018 đạt 19.112 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2017. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề ở nông thôn tiếp tục phát triển, mở rộng. Năm 2018, toàn tỉnh có trên 52.000 hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 130.000 lao động nông thôn; khoảng 100 làng nghề với 26.700 cơ sở sản xuất và 4.500 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhờ đó, an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,41% dân số, bảo hiểm y tế đạt 85,2%; cải tạo, nâng cấp, xây mới 26 trạm y tế xã và bổ sung các thiết bị, dụng cụ y tế cho các trạm. Cơ sở hạ tầng giao thông, đường xá được đầu tư mở rộng; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được 1.984,6 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 330,5 km đường trục xã, 386,2 km đường trục thôn xóm, 578 km đường ngõ, 690 km đường trục chính nội đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới 5.190 công trình thủy lợi cấp xã. Các địa phương đã bố trí 346.656 m2 diện tích đất còn thiếu so với quy định cho các trường học; đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới 3.505 phòng học; xây mới và cải tạo, nâng cấp 45 nhà văn hóa xã, 423 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, xóm...

     Về thực hiện tiêu chí môi trường, nhận thức, ý thức BVMT của nhân dân, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp đã được nâng cao. Công tác BVMT trở thành nội dung được thực hiện thường xuyên và ngày càng có chiều sâu. Do đó, cảnh quan môi trường nông thôn được, cải thiện đáng kể. Các địa phương đã phát động và tổ chức thực hiện phong trào tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn, trụ sở các cơ quan vào ngày thứ 6 hàng tuần; ra quân tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, khu dân cư vào thứ 7 hàng tuần; thực hiện ngày “Chủ nhật xanh”, ra quân dọn dẹp rác thải, trồng cây xanh, tuyến đường hoa… Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định về BVMT, lập hồ sơ pháp lý về môi trường theo quy định. Chất thải rắn (CTR) và nước thải của khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Tỷ lệ thu gom, xử lý ước tính đạt 94% (TP. Nam Định); khu vực nông thôn (9 huyện) đạt 88%; 100% khu dân cư có hệ thống thoát nước; 96,45% hộ gia đình có biện pháp xử lý nước thải (qua bể tự hoại, biogas); 95,7% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch; 100%  hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (khoảng 3.588 cơ sở).

     PV: Trong số 19 tiêu chí xã NTM, tiêu chí số 17 (môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm) được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện. Ông có thể cho biết những hoạt động mà tỉnh đã triển khai để hoàn thành tiêu chí này?

     Ông Nguyễn Phùng Hoan: Trong số 19 tiêu chí xã NTM, tiêu chí 17 (môi trường và an toàn thực phẩm) được đánh giá là tiêu chí khó thực hiện, trong đó, khó khăn chủ yếu là về công tác quản lý CTR sinh hoạt, việc duy trì cảnh quan môi trường, thực hiện BVMT cụm công nghiệp (CCN), làng nghề.

     Để khắc phục khó khăn trên, tỉnh đã kịp thời ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tiêu chí môi trường của xã, huyện đạt chuẩn NTM; ban hành Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 quy định trách nhiệm về BVMT trên địa bàn tỉnh Nam Định. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý môi trường. Đồng thời, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý CTR sinh hoạt nông thôn. Từ năm 2007, UBND tỉnh đã cho phép các xã đầu tư công trình xử lý rác thải sinh hoạt (xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, hoặc sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt). Đến nay, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đã đi vào nề nếp; các xã, thị trấn đều thành lập các tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường, hoặc thành lập hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường do UBND xã, thị trấn quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng giao Sở TN&MT ban hành hướng dẫn vận hành các công trình xử lý CTR quy mô cấp xã. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR và đang triển khai thực hiện Quy hoạch.

     Hàng năm, tỉnh thường xuyên phát động các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn các huyện, xã, thôn, xóm và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư; tăng cường vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình; hàng tuần, ra quân tổng vệ sinh môi trường tại các cụm dân cư định kỳ; kiểm soát chặt chẽ công tác BVMT KCN, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng bên phải) trao Huân chương Độc lập hạng Ba

và Quyết định công nhận tỉnh Nam Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM  năm 2019

 

     Nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường, tỉnh Nam Định đã phê duyệt, triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; kiểm soát các nguồn thải lớn, yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng quan trắc tự động liên tục lắp đặt trạm quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động tại Sở TN&MT và đang sử dụng hiệu quả. Đối với các CCN, tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải (XLNT) theo hồ sơ pháp lý môi trường đã được phê duyệt; yêu cầu các làng nghề lập phương án BVMT và triển khai thực hiện. Các địa phương tiến hành rà soát các cơ sở đang hoạt động trong làng nghề và có biện pháp BVMT, xử lý chất thải phát sinh; quy hoạch các CCN để di dời những cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

     PV: Trên con đường trở thành “Tỉnh NTM”, Nam Định đã gặp những khó khăn, thách thức gì đối với công tác quản lý, BVMT?

     Ông Nguyễn Phùng Hoan: Hiện nay, nhận thức của xã hội về công tác BVMT đòi hỏi ngày càng cao, trong khi nhiều cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ có ý thức BVMT kém, thường trốn tránh trách nhiệm BVMT; nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT khu vực công còn hạn chế. Đây là khó khăn và áp lực cho người làm công tác BVMT.

     Trong quản lý CTR, theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ, quy định thống nhất quản lý nhà nước về CTR thuộc ngành TN&MT, nhưng hiện nay, chưa có rà soát, đánh giá đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, cơ chế tài chính, công nghệ xử lý và quy hoạch quản lý CTR, tuy nhiên, trên thực tế, việc phát thải CTR diễn ra thường xuyên, do vậy, đây là nhiệm vụ khó khăn cho ngành TN&MT. Trong khi đó, hạ tầng về BVMT khu vực đô thị chưa đảm bảo yêu cầu, 100% nước thải đô thị không được xử lý, nước thải chưa tách riêng với nước mưa; rác thải đô thị hiện nay đã phát sinh nhiều, gây quá tải, trong khi nguồn lực đầu tư chưa có. Quy định về mức thu của HĐND đối với rác thải sinh hoạt chỉ đáp ứng một phần, chủ yếu cho hoạt động thu gom, vận chuyển, không đủ cho xử lý rác thải, mặt khác, việc thu phí rác thải gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực nông thôn.

     Bên cạnh đó, yêu cầu về BVMT nông thôn trong xây dựng NTM chưa phù hợp với thực trạng hiện nay; khu dân cư tập trung, làng nghề mới chỉ đầu tư hệ thống thoát nước mưa, nước thải chưa qua xử lý được thải chung với nước mưa; quy định về BVMT trong xây dựng NTM của khu vực nông thôn còn yêu cầu cao, đây là bất cập giữa thực tế và quy định của pháp luật về xây dựng NTM...

     PV: Xin ông cho biết những kế hoạch của tỉnh để hưởng ứng tích cực phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”?

     Ông Nguyễn Phùng Hoan: Xây dựng NTM tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Nam Định, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với sự tham gia tích cực của người dân; xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Qua đó, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu, đẹp, văn minh; nông thôn Nam Định phồn thịnh, phát triển hài hòa với đô thị và thực sự là vùng quê đáng sống.

     Mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh có 70% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu. Để thực hiện những mục tiêu trên, các nhiệm vụ giải pháp được đặt ra gồm:

     Nghiêm túc quán triệt Kết luận số 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trong đó đặc biệt coi trọng việc không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, huyện hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

     Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống. Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu chăn nuôi, cụm - điểm công nghiệp. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện với môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn, đảm bảo 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.

     Bên cạnh đó, phát triển toàn diện văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội: Triển khai đồng bộ, toàn diện chương trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nam Định, trong đó tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, nông thôn văn minh, hiện đại; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề, thực hiện các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Vũ Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn