Banner trang chủ

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh trong tiến trình phát triển và hội nhập

21/10/2019

     Ngày 19/10/2019, tại TP. Nam Định, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì Hội nghị.

     Tham dự Hội nghị còn có nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021 Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Bộ trưởng, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND, đại diện các Ban, ngành 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

 

     Ngay từ giữa năm 2019, Nam Định là một trong hai địa phương (cùng với Đồng Nai) dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM với 100% số xã và huyện đạt các tiêu chuẩn NTM. Đặc biệt, năm 2015, huyện Hải Hậu là huyện thứ 4 của cả nước đạt chuẩn huyện NTM. Từ năm 1978, huyện Hải Hậu cũng đã được Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch công nhận là “điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước” và đến năm 1998 được công nhận 20 năm liền là mô hình điển hình văn hóa cấp huyện. Ðến ngày 31/7/2019, toàn tỉnh có 209/209 xã, thị trấn, 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM, về đích xây dựng NTM sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

     Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ nêu rõ, để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã giao Ban Bí thư chỉ đạo "xây dựng thí điểm mô hình NTM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và thông qua Ðề án về chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM, giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện. Đề án đã lựa chọn 11 xã điểm tại 11 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng khác nhau của đất nước để tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng NTM.

     Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, sau hơn 9  năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước., kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tính đến tháng 10/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm. Ðặc biệt, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 8 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Nam Ðịnh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Ðà Nẵng, Ðồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Cả nước có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, tỉnh Nam Ðịnh và Ðồng Nai đã có 100% đơn vị cấp xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

     Tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương và nhà khoa học đã tập trung thảo luận để làm rõ nhiều vấn đề trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM, như: Công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ Trung ương đến cơ sở; vai trò và sáng tạo của người dân; kinh nghiệm tuyên truyền, vận động thu hút, lôi cuốn người dân, giúp người dân chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng NTM; những bài học kinh nghiệm thành công cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập để phục vụ tốt hơn cho công tác chỉ đạo xây dựng NTM; đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chí, các văn bản hướng dẫn để triển khai xây dựng NTM trong giai đoạn mới... Qua đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ chương trình xây dựng NTM giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn, thiết thực và hiệu quả hơn, với mục tiêu phát triển nông thôn hài hòa, hướng tới chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ngày càng tốt hơn; xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng NTM của cả nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030; lựa chọn các nội dung để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng các cấp.

     Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà cả nước đã đạt được trong chương trình xây dựng NTM suốt gần 10 năm qua. Đây là chương trình khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập; phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Thủ tướng yêu cầu đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào nội dung thực hiện kết quả nhiệm vụ chính trị, bình xét thi đua hàng năm của các địa phương; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong phong trào thi đua, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia phong trào gắn với thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thay thế về chất trong các phong trào thi đua trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

     Thủ tướng cũng đưa ra 4 vấn đề cốt lõi xây dựng NTM bao gồm: Không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi là nhiệm vụ của chúng ta; xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp; cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa, nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

 

Hồng Nhung

 

Ý kiến của bạn